Thiên tai gây thiệt hại về kinh tế khoảng 1-1,5% GDP/năm

Lam Song 16/05/2020 00:00

Trung bình mỗi năm thiên tai gây thiệt hại về kinh tế khoảng 1-1,5% GDP, lấy đi nhiều thành quả, làm chậm sự phát triển ở nhiều khu vực, tác động sâu sắc tới mọi hoạt động kinh tế - xã hội.

Chiều ngày 15/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020 theo hình thức trực tuyến.

Tại đầu cầu Trung ương có sự tham dự của lãnh đạo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai: Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường - Phó Trưởng Ban Thường trực, đại diện một số ban, cơ quan thuộc Trung ương Đảng, Quốc hội, một số nhà khoa học, chuyên gia, tổ chức quốc tế.

Hội nghị được kết nối trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chủ trì bởi Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và các ban ngành liên quan và kết nối với đầu cầu 689 huyện.

Hội nghị nhằm đánh giá toàn diện công tác phòng, chống thiên tai năm 2019, những vấn đề tồn tại, bài học kinh nghiệm từ thực tế công tác chỉ đạo, điều hành trong thời gian vừa qua. Hội nghị cũng đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác phòng, chống thiên tai năm 2020.

Nêu kết quả ngắn gọn về công tác phòng chống COVID-19 ở Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta đã có đối sách đúng, người dân tích cực tham gia “chống dịch như chống giặc”. Trong khó khăn, xuất hiện nhiều tấm lòng nhân ái, chia sẻ ngọt bùi, hỗ trợ người khó khăn. Việt Nam đã kiểm soát được, đẩy lùi được dịch COVID-19, không còn lây lan ra cộng đồng. Đó là thành công bước đầu quan trọng để các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân yên tâm làm ăn. Trong quá trình đó, chúng ta thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, đồng thời không để đứt gãy nền kinh tế. Tuy nhiên, với dịch bệnh không thể chủ quan bởi chưa có vaccine và nhiều nước trong khu vực, dịch đang hoành hành.

Đối với Việt Nam, một trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, Thủ tướng nêu rõ, lịch sử đấu tranh, dựng nước và giữ nước của Việt Nam luôn gắn liền với phòng chống thiên tai. Cho nên, người Việt Nam mong ước có sức mạnh chiến thắng thiên tai, đây là khát vọng, là ý chí của bao thế hệ người Việt Nam.

Thiên tai diễn biến ngày càng cực đoan, dị thường và trái quy luật. Bão mạnh, siêu bão, mưa đặc biệt lớn, ngập lụt diện rộng, lũ quét, lở đất, rét đậm, rét hại, hạn hán, xâm nhập mạnh, dông lốc, sét đánh xảy ra khắp vùng miền cả nước, suốt cả năm và ngày càng trầm trọng.

Trung bình mỗi năm thiên tai gây thiệt hại về kinh tế khoảng 1-1,5% GDP, lấy đi nhiều thành quả, làm chậm sự phát triển ở nhiều khu vực, tác động sâu sắc tới mọi hoạt động kinh tế - xã hội.

Tất cả chúng ta cùng xác định, quán triệt công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, hết sức khó khăn, phức tạp và chưa bao giờ kết thúc trong lịch sử Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm công tác này, dành nhiều nguồn lực đầu tư cho các công trình phòng, chống thiên tai; đưa ra nhiều biện pháp phòng, chống hiệu quả; đẩy mạnh hợp tác quốc tế… Đặc biệt là nhờ sự vào cuộc của chính những người dân, công tác phòng, chống thiên tai thời gian qua đạt kết quả tích cực hơn.

Năm qua, số người chết do thiên tai giảm mạnh; không ai bị đứt bữa, thiếu cơm lạt muối, màn trời chiếu đất do thiên tai. Các lực lượng vũ trang, đặc biệt là  lực lượng quân đội, công an, triển khai rất nhiều biện pháp ứng phó, khắc phục và tìm kiếm cứu nạn.

Thủ tướng cũng đánh giá cao các địa phương và người dân thực hiện phương châm 4 tại chỗ, là kinh nghiệm tốt cho công tác phòng, chống thiên tai.

Thủ tướng kể lại câu chuyện cách đây ít năm đi kiểm tra đê Hoàng Long vào lúc nguy cơ vỡ đê, đe dọa ảnh hưởng đến cả Nam Định, Thái Bình. “Khi chúng tôi tới đó rất sớm thì cả Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình họ đã ở đó cả đêm. Những lúc nguy cập như vậy thì đó là việc làm rất đáng biểu dương, cần được tuyên truyền. Có câu chuyện là nước mặn vào đồng bằng sông Cửu Long rất kinh khủng, nhiều tỉnh thiếu nước ngọt, lực lượng quân đội, các nhà tài trợ, tấm gương chia sẻ như vậy hết sức quý báu.”.

Thủ tướng cũng đánh giá cao công tác dự báo, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chức năng, do đó đã khắc phục tốt hạn hán và mặn xâm nhập, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần giúp sản xuất lúa và lương thực vẫn được mùa. Năm qua, tổng mức đầu tư từ ngân sách nhà nước cho công tác phòng, chống thiên tai là gần 11.000 tỷ, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống thiên tai.

Tuy vậy, Thủ tướng cũng nêu nhiều bất cập như thiếu sự đồng bộ trong các công trình hạ tầng để cùng góp phần phòng, chống thiên tai, mà cụ thể là còn tình trạng “công trình giao thông đi giao thông, công trình thủy lợi đi đường thủy lợi”.

Công tác dự báo dù nhiều thành công nhưng cần nâng cao độ chính xác. Còn nhiều điểm trọng yếu về  đê điều, dự án triển khai dở dang, gồm cả đê sông, đập hồ, đê biển. Công tác tuyên truyền ở cấp cơ sở chưa thực sự bài bản, kịp thời, nhất là  đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa, khách du lịch quốc tế. Thủ tướng cũng lưu ý, các chế tài xử lý vi phạm các quy định về đê điều, phòng, chống thiên tai chưa đủ nghiêm minh.

Theo Thủ tướng, một trong những nguyên nhân sạt lở bở sông nặng nề ở nhiều nơi là khai thác cát bừa bãi, nhưng chúng ta chưa xử lý nghiêm việc này. Thủ tướng nhấn mạnh, phòng chống thiên tai là nhiệm vụ thường xuyên, phải được quán triệt của cấp ủy, chính quyền và người dân, đặc biệt năm 2020 theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng thời tiết bất thường quanh năm, Việt Nam sẽ có ít nhất từ 11-13 cơn bão, trong đó có 5 cơ bão trực tiếp đổ bộ vào biển Đông.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương và người dân cần tổ chức nghiên cứu, quán triệt và có kế hoạch triển khai Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư (ban hành tháng 3/2020) một cách đồng bộ, hiệu quả, theo dõi chặt chẽ dự báo, không được để tình trạng chủ quan ở bất kỳ cấp nào, khâu nào. Trong mọi tình huống thì phải đặt an toàn của người dân lên hàng đầu.

Thủ tướng cũng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các cơ quan phòng chống thiên tai; nâng cao chất lượng công tác dự báo; đầu tư nâng cao chất lượng các công trình thủy lợi, công trình phục vụ phòng, chống thiên tai, ưu tiên nguồn lực đầu tư vốn trung hạn 2021-2025 cho nhiệm vụ này. Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế, kể cả công tác tìm kiếm cứu nạn.

Bộ Công an chỉ  đạo nâng cao năng lực cho lực lượng công an trong phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về đê  điều, phòng chống thiên tai, tập trung xử lý, ngăn chặn tình trạng khai thác cát sỏi và lập bến bãi tập kết trái phép, lấn chiếm lòng sông, bãi sông.

Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành để có quy chế vận hành liên hồ chứa một cách hợp lý, nhất là đối với các hồ thủy lợi, thủy điện lớn, vừa đảm bảo phát điện, vừa phục vụ sản xuất và sinh hoạt. 

Đối với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung các giải pháp cả về công trình và phi công trình, đảm bảo cho công tác phòng, chống thiên tai. Thủ tướng mong muốn các cấp, các ngành và nhân dân luôn nỗ lực, chủ  động tiếp tục nêu cao tinh thần chống thiên tai, “không phải mình thấy thiên tai là đầu hàng, không được đầu hàng với bất cứ tình hình nào, nhất là thời tiết biến đổi này. Chúng ta phải thích nghi và phát triển”.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời cảm ơn đến các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ Việt Nam cả về kinh phí và kinh nghiệm trong công tác phòng, chống thiên tai và mong muốn các tổ chức quốc tế tiếp tục hợp tác hiệu quả hơn nữa với Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

  • Ra mắt quỹ phòng chống dịch COVID-19 và thiên tai tại ĐBSCL

    21:39, 06/04/2020

  • Thiên tai, Nhân họa hay khủng hoảng niềm tin?

    15:00, 03/02/2020

  • Còn nhiều e ngại về Quỹ phòng chống thiên tai ở Trung ương

    20:32, 09/09/2019

  • Đà Nẵng: Nâng cao năng lực số và ứng phó thiên tai qua mạng xã hội

    20:45, 31/07/2019

  • Những đổi mới công nghệ có thể dự báo, khắc phục sau thảm họa thiên tai

    17:15, 03/07/2019

  • Nhiều hoạt động chủ động ứng phó và khắc phục thiên tai tại Lai Châu

    02:20, 07/06/2019

  • Chi cục Thủy lợi Quảng Bình: Sẵn sàng ứng phó thiên tai

    07:04, 01/07/2019

Lam Song