Vụ ép hộ nghèo không nhận tiền hỗ trợ: Thấy gì từ lời xin lỗi của vị trưởng thôn?

Bảo Lam 16/05/2020 08:37

“Vì trình độ hạn chế nên tôi mới làm như vậy, tôi xin lỗi bà con. Nếu cấp trên kỉ luật hay đuổi việc thì tôi cũng sẵn sàng”.

Ông Lê Công Ngân - Trưởng thôn Hạnh Phúc, xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá cho biết như vậy, liên quan đến việc hàng nghìn hộ dân ký đơn soạn sẵn không nhận tiền hỗ trợ của nhà nước.

Gia đình chị Luyện (áo hồng) đã được trưởng thôn “vận động” ký đơn trả lại tiền hỗ trợ. Ảnh: Vietnamnet

Một hộ nghèo tại Thanh Hoá được trưởng thôn “vận động” ký đơn trả lại tiền hỗ trợ. Ảnh: Vietnamnet

Ngày 15/5, ông Lê Đình Phương, Chủ tịch UBND xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa cùng ông Lê Công Ngân, Trưởng thôn Hạnh Phúc đã đến nhà một số hộ xin lỗi về việc vận động họ ký đơn không nhận tiền từ gói hỗ trợ người gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Zingnews.vn cho biết, vị trưởng thôn thừa nhận bản thân ông đã thông báo trên loa truyền thanh và đến từng nhà vận động các hộ ký vào đơn. “Vì muốn chung tay chia sẻ khó khăn với Chính phủ, tôi đã vận động từng hộ ký đơn do tôi soạn sẵn”, ông Ngân lý giải.

Được biết, thôn Hạnh Phúc có 17 hộ nghèo, 76 hộ cận nghèo. Trong đó, ông Ngân đã vận động được 21 hộ cận nghèo ký vào đơn tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ. Tuy nhiên, nhiều người sau đó đến xin rút lại đơn nên chỉ còn lại 7 hộ.

Ông Ngân sau đó biết việc làm của mình là sai nên tự hủy bỏ những lá đơn đó và thông báo cho các hộ dân đi nhận tiền. “Vì trình độ hạn chế nên tôi mới làm như vậy, tôi xin lỗi bà con. Nếu cấp trên kỉ luật hay đuổi việc thì tôi cũng sẵn sàng”, ông Ngân nói.

Trước đó, Vietnamnet đã đưa tin về việc tiền chưa đến tay người dân thì trưởng thôn đến từng nhà vận động ký đơn tự nguyện hỗ trợ lại cho Nhà nước. Theo đó, người dân phản ánh, mặc dù là người đồng ý ký vào đơn tự nguyện, nhưng thực chất họ lại cho rằng bị ép buộc “tự nguyện".

Mặc dù mới có chủ trương gói hỗ trợ 62.000 nghìn tỷ đồng, nhưng Trưởng thôn Hạnh Phúc Lê Công Ngân đã khoe về thành tích đi vận động được hơn 20 hộ cận nghèo ký đơn không nhận tiền hỗ trợ.

Ông bảo, cả thôn có 391 hộ, 1.219 nhân khẩu, trong đó có 17 hộ nghèo, 76 hộ cận nghèo. Những hộ cận nghèo ông đến vận động gần như hộ nào cũng ký vào đơn được đánh máy sẵn.

Trong khi đó, chia sẻ với phóng viên, những người dân ở đây cho biết, sở dĩ họ phải ký vào đơn vì con cái họ đang đi học và còn vay vốn chính sách. Nếu bị cắt đi suất cận nghèo, cuộc sống sẽ rất khó khăn.

Cũng theo người dân nơi đây, trưởng thôn chỉ ép được những hộ cận nghèo đang có con cái học hành, vay vốn. Những hộ cận nghèo khác không đồng ý ký đơn. Đơn cử như ở thôn Đồng Minh, số hộ cận nghèo lên đến 78 hộ, trưởng thôn chỉ vận động được 6 trường hợp đồng ý. “Trưởng thôn có đến nhà tôi vận động ký đơn ủng hộ lại số tiền nhà nước hỗ trợ trong đợt dịch Covid-19 nhưng nhà tôi không đồng ý. Nhà nước quan tâm hỗ trợ, chính quyền thôn, xã không chia sẻ với người dân lại đi vận động trả lại", một người dân thôn Đồng Minh cho biết.

Đáng nói hơn, tại xã Hải Ninh huyện Tĩnh Gia, một số gia đình khá giả, thậm chí xây nhà tiền tỷ lại nằm trong danh sách cận nghèo cũng được được nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ của Chính phủ.

Còn theo người dân ở thôn Hạnh Phúc, trong danh sách 76 hộ cận nghèo được lập để nhận hỗ trợ của Chính phủ, có tới một nửa được bình xét không đúng tiêu chí. Đó là một trong những lí do họ dễ dàng ký vào đơn từ chối nhận hỗ trợ như vậy.

Lý giải về thông tin này, ông Lê Đình Phương - Chủ tịch UBND xã Hải Ninh cho biết, thực tế đúng là có một số hộ khá giả "lọt" vào danh sách hộ nghèo, không đúng đối tượng như phản ánh. "Việc bình bầu hộ nghèo là từ dưới thôn, những hộ cận nghèo thường là các gia đình có người già. Khi họp thôn, họ tự thống nhất với nhau, nhường suất cho các hộ gia đình có con cái đi học để được vay vốn chính sách, miễn giảm học phí… Tới đây xã sẽ cho rà soát lại các đối tượng cận nghèo, đồng thời sẽ cho giảm nghèo theo tháng, quý”, ông Phương nói.

Câu chuyện buồn, gây bức xúc và xôn xao dư luận ở tỉnh Thanh Hoá thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về "bệnh thành tích". 

Vì muốn có thành tích, vị trưởng thôn kể trên đã bất chấp cả nỗi khó khăn của người dân địa phương mình. Không chỉ vô cảm với khó khăn của người dân, hành động "ép" người dân ký đơn tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ còn là thể hiện của việc lợi dụng quyền hành, đe doạ người dân, doạ đưa dân ra khỏi danh sách hộ nghèo, cận nghèo để dân phải ký đơn.

Gần 4 triệu đồng là một số khoản tiền lớn đối với các hộ nghèo, cận nghèo. Số tiền này có thể giúp họ vượt qua khó khăn trong khi dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Thế nhưng, đến khi sắp được nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ thì lại bị những vị cán bộ thôn “vận động” đầy tính đe dọa, đành phải ký vào đơn “tự nguyện” dù trong lòng không muốn.

Thật may là vụ việc được phanh phui kịp thời. Trước việc có thông tin phản ánh có tình trạng ở một vài nơi vận động người dân không nhận kinh phí hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sáng 13/5, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã có công điện hoả tốc chỉ đạo tuyệt đối không được vận động người dân từ chối nhận hỗ trợ. 

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện tốt công tác chi trả hỗ trợ cho các đối tượng là người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội theo đúng quy định.

Đồng thời, chỉ đạo cán bộ cơ sở tuyệt đối không được vận động người dân từ chối nhận hỗ trợ; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm (nếu có); đồng thời, hướng dẫn cụ thể đối với những trường hợp người dân tự nguyện không nhận hỗ trợ.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cũng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân trên địa bàn quản lý bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch, không để xảy ra tình trạng bỏ sót, chi sai đối tượng và sử dụng ngân sách trái quy định pháp luật hiện hành.

Chiều 15/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng có chỉ đạo yêu cầu chính quyền các cấp không được ép dân ký đơn từ chối nhận hỗ trợ của Nhà nước, nếu phát hiện được thì xử lý nghiêm như trường hợp gian lận.

Thành ngữ Việt Nam có câu “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Câu nói này khi áp dụng vào tình cảnh hiện tại của các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại Thanh Hoá khi bị "ép" ký đơn từ chối nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ mới thấy được sự vô cảm của các "công bộ" đang hưởng lương ngân sách bằng chính tiền đóng thuế của người dân. 

Còn nhớ trước đó, khi bàn về quy trình thực hiện cấp phát hỗ trợ cho dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu "gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19 phải minh bạch, tiền phải đến tận tay người dân, không để trục lợi, tham nhũng”.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cũng "cảnh báo": “Tôi nhắc lại đây là chương trình rất quan trọng, đừng để dê, gà đi lạc đường. Đừng để ai bị xử lý về đảng, về chính quyền và các hình thức kỷ luật. Bởi vì động đến đây là không ngủ được đâu và nếu có thì đây sẽ là nỗi nhục suốt đời”.

Hy vọng câu chuyện của tỉnh Thanh Hoá sẽ là bài học sâu sắc cho tất cả các tỉnh thành đã và đang triển khai giải ngân gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ.

Ở góc độ pháp luật, cần phải có những hình thức kỷ luật đủ sức răn đe đối với những vị "công bộc" vô cảm với dân.

Ở góc độ truyền thông, cần truyền thông, điều tra minh bạch rõ ràng, chỉ ra những "con sâu làm rầu nồi canh" để pháp luật trừng phạt, làm sao để tới đây sẽ có nhiều hộ dân nghèo, cận nghèo được nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ mà không phải lăn tăn, sợ hãi.

Có thể bạn quan tâm

  • Thanh Hoá: Công điện hoả tốc và chuyện hộ nghèo không nhận tiền hỗ trợ

    04:00, 14/05/2020

  • Đừng đùa giỡn trên tiền ngân sách hỗ trợ an sinh xã hội

    09:00, 14/05/2020

  • Thủ tướng yêu cầu: Chính quyền không được ép dân ký đơn từ chối nhận hỗ trợ của Nhà nước

    13:38, 15/05/2020

  • CHUYỆN CUỐI TUẦN: Những lá đơn viết sẵn!

    05:30, 16/05/2020

  • Sự thật phía sau những lá đơn không nhận tiền hỗ trợ ở Thanh Hóa

    11:32, 15/05/2020

Bảo Lam