Thanh Hóa: Nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ sẽ bị... loại khỏi hộ cận nghèo?!

Kim Oanh 16/05/2020 14:50

Những ngày gần đây, ở Thanh Hóa bắt đầu chi trả tiền từ gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ của Chính phủ cho 4 nhóm đối tượng. Nhưng một số địa phương đã vận động, nói loại các hộ khỏi cận nghèo nếu nhận tiền.

Loại khỏi hộ cận nghèo nếu... nhận tiền?

Thanh Hóa là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước thực hiện chi trả tiền hỗ trợ người dân, ngay khi Quyết định số 15/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 có hiệu lực thi hành từ ngày 24/4..

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai tại một số huyện đã xảy ra tình vận động người dân tham gia ký đơn tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ để nhường lại cho người có hoàn cảnh khó khăn hơn.

Theo phản ánh của người dân chính quyền

Theo phản ánh của người dân chính quyền nói nếu nhận tiền hỗ trợ sẽ bị loại khỏi danh sách hộ cận nghèo

Điển hình như tại thị trấn Nga Sơn (huyện Nga Sơn, Thanh Hóa), một số hộ nghèo tại địa phương này phản ánh, được các trưởng thôn đi vận động không nhận tiền hỗ trợ nếu không sẽ bị cắt chế độ hộ cận nghèo nếu vẫn cố tình nhận tiền.

Bất bình trước việc làm của thôn, ông Nguyễn Văn Hiệu - thôn Trung Bắc, thị trấn Nga Sơn cho rằng: “Đây là sự quan tâm của nhà nước đối với người nghèo thì tại sao thị trấn lại cứ “ép” dân không được nhận. Gia đình tôi có 8 khẩu, ban đầu họp thôn lãnh đạo bảo những hộ cận nghèo mà có điều kiện ổn thì đừng nên nhận tiền hỗ trợ của nhà nước nhưng người dân phản đối. Sau đấy, thôn họp lại và nói nếu hộ cần nghèo có điều kiện tốt mà vẫn nhận tiền hỗ trợ thì hôm sau thôn cắt, loại bỏ khỏi danh sách hộ cận nghèo”.

Cũng theo ông Hiệu: “Thấy lãnh đạo nói quá vô lý, gia đình tôi vẫn quyết nhận tiền rồi sau đến đâu thì đến. Nhưng 8 khẩu gia đình tôi chỉ được nhận hỗ trợ 5 khẩu”.

Cũng tương tự gia đình ông Hiệu, một người dân tiểu khu Trung Bắc (xin được dấu tên) cho biết, “gia đình tôi cũng được vận động không nhận tiền hỗ trợ nhưng tôi nhận thấy đây là chính sách dành cho người nghèo, người bị ảnh hưởng bởi dịch nên gia đình tôi vẫn quyết định nhận tiền. Sau đó, cũng bị dọa sẽ loại khỏi danh sách hộ cận nghèo".

Ông Nguyễn Văn Gấm - trưởng tiểu khu Trung Bắc cho biết: “Tại thôn có 37 hộ cận nghèo nhưng hầu hết là các hộ đều có kinh tế vững, có nhà 2 tầng, có xe hơi. Chủ trương là vận động các hộ nếu cảm thấy điều kiện khó khăn nếu chưa cần nhà nước hỗ trợ thì đừng nhận, hỗ trợ lại cho nhà nước. Thôn có 15 hộ nhất trí không nhận, chúng tôi có đơn cho các hộ ký vào. Nhưng vừa rồi qua báo đài, nên chúng tôi nói lại các hộ viết tay”.

“Sau khi đề nghị 15 hộ viết tay thì chỉ có 10 hộ viết, còn 5 hộ lại đòi nhận tiền. Một số hộ khác thì họ xin nhận hỗ trợ cho 2 cháu nhỏ còn người lớn không nhận”. - ông Gấm nói.

Xin vào hộ cận nghèo chỉ để… vay vốn

Tương tự giống tiểu khu Trung Bắc, tiểu khu Thắng Thịnh cũng đã vận động người dân ký vào đơn tự nguyện không nhận tiền nhưng không được sự đồng tình của người dân. Theo ông Lưu Văn Phúc, trưởng tiểu khu Thắng Thịnh cho biết: “Đây là chỉ đạo của cấp trên, thôn chỉ triển khai vận động các hộ cận nghèo nhưng có nhà lầu, xe hơi thì đừng nhận tiền mà mang tiếng. Nếu cấp trên không chỉ đạo thì thôn biết đâu mà làm”.

Nhiều hộ nằm trong danh sách hộ cận nghèo nhưng lại có nhà cửa khang trang, điều kiện kinh tế tốt

Thực tế cho thấy, nhiều hộ nằm trong danh sách hộ cận nghèo nhưng lại có nhà cửa khang trang, điều kiện kinh tế tốt

Lý giải việc tại sao đây là chính sách an sinh xã hội nhằm hỗ trợ các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo với tinh thần “không bỏ lại ai phía sau” của Chính phủ, mà thị trấn, thôn lại vận động các hộ cận nghèo không nhận tiền? Ông Phúc cho rằng, đây là do hệ lụy của việc bình bầu hộ cận nghèo không đúng với thực tế. Tại thôn có 35 hộ cận nghèo nhưng chỉ có khoảng 13 hộ là đúng cận nghèo, khó khăn. Còn hơn 20 hộ đều là các hộ có điều kiện kinh tế khá giả, thậm chí nhiều hộ có nhà 2 tầng, có ô tô con. Những đối tượng này họ xin vào cận nghèo nhằm vay vốn, hoặc cho con đi học để hưởng chính sách của nhà nước.

“Nay tự dưng Covid-19, được nhà nước hỗ trợ thì chúng tôi cũng vận động họ đừng lấy tiền mà mang tiếng, trả lại cho nhà nước dành cho người khó khăn hơn. Nhưng các hộ họ không đồng ý, họ bảo nhà nước cho thì họ nhận”, ông Phúc cho hay.

Trao đổi qua điện thoại với Diễn đàn Doanh nghiệp, bà Trương Thị Hoài - Chủ tịch thị trấn Nga Sơn cho biết: “Tại thị trấn đã chi trả đợt 1 cho 1460 khẩu của 4 loại đối tượng. Trong đó, chỉ có 10 hộ viết đơn không nhận tiền hỗ trợ thôi. Còn việc các hộ cận nghèo mà có điều kiện, có nhà lầu, xe hơi thì tôi chưa nắm được. Bởi 2 thôn này trước đây là của xã Nga Hưng vừa sáp nhập vào thị trấn nên chúng tôi chỉ biết tiếp nhận danh sách chứ chưa rà soát lại”.

Trước đó, ngày 13/5, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công điện hỏa tốc gửi các địa phương, ban, ngành trong tỉnh yêu cầu xử lý nghiêm nếu có việc vận động người dân từ chối nhận tiền của Chính phủ hỗ trợ do thuộc diện bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị chi trả tiền hỗ trợ cho người dân theo đúng quy định, không được vận động người dân từ chối; nếu phát hiện có sự vận động sẽ xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức liên quan. Đối với người dân tự nguyện từ chối, UBND tỉnh yêu cầu phải hướng dẫn làm thủ tục đúng quy định.

>>> Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!

Có thể bạn quan tâm

  • Vụ ép hộ nghèo không nhận tiền hỗ trợ: Thấy gì từ lời xin lỗi của vị trưởng thôn?

    08:37, 16/05/2020

  • Thanh Hoá: Công điện hoả tốc và chuyện hộ nghèo không nhận tiền hỗ trợ

    04:00, 14/05/2020

  • CHUYỆN CUỐI TUẦN: Những lá đơn viết sẵn!

    05:30, 16/05/2020

  • Sự thật phía sau những lá đơn không nhận tiền hỗ trợ ở Thanh Hóa

    11:32, 15/05/2020

  • Đừng đùa giỡn trên tiền ngân sách hỗ trợ an sinh xã hội

    09:00, 14/05/2020

Kim Oanh