Kích cầu du lịch: Bài 6 - “Đòn bẩy” phục hồi!
Để thực hiện tốt các chương trình kích cầu cần phải có sự đồng lòng, xây dựng sức mạnh của tập thể với một tâm thế chuẩn bị đón đầu làn sóng du lịch mới.
Cần sự đồng lòng
Mặc dù gần đây đã có một số động thái cho sự trở lại, nhưng nhiều doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực du lịch còn ngại ngần, thực hiện các bước thăm dò thị trường khá kỹ càng. Điều này cũng tương đối dễ hiểu bởi tâm lý du khách Việt chưa hết e dè, nhất là khi vẫn còn có nguy cơ lây nhiễm từ dịch bệnh.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong ngành du lịch, để có thể hoạt động hết năng suất 100% như trước đây, ngành du lịch Việt Nam phải mất thêm một khoảng thời gian tương đối mới phục hồi trở lại. Trước mắt, các doanh nghiệp sẽ chỉ tập trung bán tour trọn gói, khai thác chủ yếu ở thị trường nội địa.
Cũng nhằm tìm giải pháp khôi phục du lịch sau dịch COVID-19, mới đây Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) đã tổ chức cuộc gặp gỡ trực tuyến Hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố. Nội dung cụ thể nhấn mạnh vào việc triển khai Chương trình kích cầu du lịch nội địa toàn quốc 2020. Thời gian dự kiến bắt đầu thực hiện từ trung tuần tháng 5 tại 3 miền Bắc - Trung - Nam.
Theo ông Vũ Thế Bình - Phó chủ tịch VITA, du lịch là ngành tiên phong trong hoạt động khôi phục kinh tế của nước nhà. Nhưng để thực hiện tốt các chương trình kích cầu cần phải có sự đồng lòng, xây dựng sức mạnh của tập thể với một tâm thế chuẩn bị đón đầu làn sóng du lịch mới.
Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Du lịch cho biết, Tổng cục vừa phát động chương trình kích cầu thị trường nội địa từ tháng 6/2020 đến tháng 12/2020 và đề nghị các địa phương, doanh nghiệp chung tay đẩy mạnh du lịch nội địa, đưa ra các chính sách giảm, miễn phí, nâng cao chất lượng, xây dựng các gói kích cầu, khuyến mại để góp phần khắc phục ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Nhiều địa phương tham gia
Với những nhận định tích cực về khả năng khôi phục thị trường du lịch nội địa, đại diện các địa phương đều thể hiện quyết tâm sẽ đẩy mạnh các liên minh kích cầu du lịch. Trong đó, các tỉnh khu vực miền Trung như Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk... sẽ công bố các chương trình liên kết giữa các địa phương và các doanh nghiệp du lịch, khuyến khích các địa phương miễn giảm vé tham quan các điểm di tích, thực hiện giảm giá các dịch vụ từ 10% trở lên.
Đại diện ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hành động cụ thể của du lịch tỉnh là giảm 50% phí tham quan trên địa bàn từ ngày 8/5 đến 8/7, giảm 20 - 30% giá phòng và các dịch vụ khác, xây dựng chương trình điểm đến an toàn, ở khách sạn 4 sao với chi phí thấp.
Còn tại Quảng Bình, UBND tỉnh đồng ý giảm giá sản phẩm du lịch “Chinh phục Sơn Đoòng - Hang động lớn nhất thế giới”, áp dụng từ ngày 15/5 đến hết ngày 31/12/2021. Đồng thời, cũng khuyến khích giảm giá các sản phẩm du lịch khác như: Khám phá thiên nhiên Rào Thương - Hang Én; Trải nghiệm Hang Va - hang Nước nứt... Đây là hành động tích cực của tỉnh Quảng Bình nhằm kích cầu du lịch sau dịch bệnh COVID-19.
Trong khi đó, Sở Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu đang tập trung kế hoạch khai thác khách nội địa tại khu vực Đông Nam Bộ, TP. Hồ Chí Minh và khu vực phía Bắc. Với thông điệp “Bà Rịa - Vũng Tàu hấp dẫn, an toàn”, bắt đầu từ tháng 6 đến hết tháng 1, Sở Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Hiệp hội Du lịch xây dựng chiến lược quảng bá trên truyền thông, đồng thời giới thiệu các lễ hội, danh lam thắng cảnh, sản phẩm mới đến với du khách.
Các địa phương khác thì mong muốn kích cầu mạnh mẽ hơn với sự phối hợp của các hãng hàng không trong việc mở đường bay, giảm giá vé máy bay, kết hợp với các doanh nghiệp du lịch đưa ra các sản phẩm trọn gói vé máy bay và khách sạn với mức giá hấp dẫn.
Để thúc đẩy du lịch nội địa căn cơ hơn, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Lê Quang Tùng cho rằng, có 2 vấn đề cần quan tâm là triển khai đầy đủ các tiêu chí về du lịch an toàn và làm thế nào để người dân có tiền đi du lịch.
“Hiện chúng ta chưa có đề xuất cho vay kích cầu, phát triển du lịch nội địa. Các địa phương phải đưa ra những chính sách, cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp để thực hiện những kế hoạch phục hồi. Nếu không chia sẻ lẫn nhau và được hỗ trợ kịp thời, các doanh nghiệp có thể sẽ sụp đổ nhanh chóng”. Thứ trưởng Tùng khuyến cáo.
Có thể bạn quan tâm
Kích cầu du lịch: Bài 5 - Khách nội địa có giúp phục hồi du lịch?
11:00, 16/05/2020
Kích cầu du lịch: Bài 4 - Tái khởi động thị trường khách du lịch quốc tế
06:00, 15/05/2020
Kích cầu du lịch: Bài 3 - An toàn là ưu tiên hàng đầu!
05:00, 14/05/2020
Kích cầu du lịch: Bài 2 - Doanh nghiệp đồng hành cùng du khách!
05:00, 12/05/2020
Kích cầu du lịch: Bài 1 - Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam!
14:54, 11/05/2020