Kích cầu du lịch: Bài 8 - Hướng đi mới từ “du lịch biệt lập”
Một lựa chọn đang được cân nhắc tại Việt Nam là tham gia "du lịch biệt lập" cùng các quốc gia đã khống chế thành công dịch bệnh.
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch thế giới. Mặc dù tại Việt Nam, tình hình COVID-19 đã cơ bản được khống chế, thế nhưng, nhiều người vẫn không dám đi du lịch xa.
Để thúc đẩy phát triển du lịch, hãng tin Reuters nhận định Việt Nam có thể tham gia “du lịch biệt lập” với các quốc gia khống chế dịch thành công như New Zealand hay Úc.
Tại New Zealand và Úc, mô hình "du lịch biệt lập" có thể được triển khai vào tháng 8 - mùa trượt tuyết ở New Zealand và mùa nghỉ của học sinh. Hiện hai nước vẫn hạn chế đi lại trong nước và cách ly bắt buộc 14 ngày với tất cả người nhập cảnh.
Theo phân tích của các chuyên gia du lịch trên trang CNN, có nhiều nguyên nhân giúp mô hình "du lịch biệt lập" thành công ở Úc và New Zealand.
Thứ nhất, mặc dù có biển ngăn cách, quan hệ giữa Úc và New Zealand rất gần gũi, đủ tin tưởng lẫn nhau. Người mang hộ chiếu Úc có thể đi du lịch và làm việc ở New Zealand vô thời hạn mà không cần thị thực, và ngược lại.
Thứ hai, hai nước này đã đóng góp rất nhiều cho ngành du lịch của nhau. Người Úc chiếm gần 40% lượng khách quốc tế đến New Zealand và khoảng 24% chi tiêu của khách quốc tế ở New Zealand. Ở Úc, người New Zealand chiếm khoảng 15% khách quốc tế, 6% tổng chi tiêu khách nước ngoài.
Tại Việt Nam, chúng ta đã ghi nhận lượng du khách giảm 98% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm 2019 do đại dịch. Nhưng thành công của Việt Nam trong việc chống lại virus với 324 ca nhiễm và 0 ca tử vong giờ đây đã giúp ngành du lịch phục hồi trở lại.
Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á đầu tiên bắt đầu phục hồi nền kinh tế. Nhưng với lệnh cấm du khách nước ngoài vẫn còn, nhiều thị trường du lịch lớn đang bị đóng băng, các khách sạn và khu nghỉ dưỡng đang tích cực giảm giá để thu hút khách du lịch nội địa.
Bình luận về hướng đi này trên Đất Việt, ông Phạm Ngọc Hải - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, việc hợp tác với các nước đã tạm ổn dịch bệnh Covid-19 để hình thành các tuyến "du lịch biệt lập" có thể sẽ mở ra hướng đi mới trong thời buổi khó khăn.
Tuy nhiên, việc phát triển tuyến du lịch biệt lập không phải là hướng đi lâu dài. Bởi nguồn khách du lịch đến Việt Nam chủ yếu từ Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc... mà tại những nước này thì chưa ổn định về tình hình dịch bệnh. Nếu vội vàng mở ra tuyến du lịch biệt lập, có thể chúng ta sẽ mất nguồn khách từ các nơi này trong tương lai.
Đúng vậy, mặc dù đã bảo toàn thành quả bước đầu trong công cuộc chống dịch COVID- 19. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh trên thế giới rất phức tạp, căng thẳng mỗi ngày xuất hiện hàng chục ngàn ca nhiễm mới, hàng nghìn người chết.
Do đó vẫn, Việt Nam tiếp tục chính sách quản lý chặt chẽ người nhập cảnh để bảo đảm an toàn. Những người nhâp cảnh đều được cách ly 14 ngày ngay tại sân bay nhằm sàng lọc người dương tính với COVID-19, tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: “Việt Nam đang tiếp tục thực hiện bảo hộ công dân, đưa công dân Việt Nam kẹt lại ở nước ngoài hoặc có nhu cầu về nước, vì vậy vẫn có nguy cơ phát sinh thêm ca bệnh mới” - ông Tuyên nói.
Còn theo PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Việt Nam trải qua hơn 30 ngày không ghi nhận thêm ca nhiễm trong cộng đồng, dù học sinh đã trở lại trường học, cuộc sống của người dân đã trở lại ở trạng thái “bình thường mới”, nhưng chúng ta vẫn chưa thể yên tâm.
Bởi thực tế, không một quốc gia nào có thể khẳng định kiểm soát được 100% ca bệnh trong cộng đồng, đặc biệt khi có tới 60% bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ.
“Khi không rà được hết thì dịch có nguy cơ bùng lên bất cứ lúc nào”, PGS Phu cảnh báo.
"Du lịch biệt lập" được xác định là một hướng đi mới để phát triển ngành du lịch trong nước. Việc hợp tác "du lịch biệt lập" với các nước ổn định tình hình dịch bệnh sẽ mở rộng thị trường khách du lịch nhưng bên cạnh đó cũng là mối nguy khiến cho dịch bệnh có thể trở lại như trước.
Do đó, theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu, thay vì hợp tác với các nước đến từ các châu lục xa xôi thì trước tiên Việt Nam nên hợp tác với các nước ở khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Lào, Campuchia...
"Đây đều là những nước gần gũi với chúng ta nên khả năng kiểm soát sẽ tốt hơn, điều kiện người dân ở các nước đó cũng tương đồng với Việt Nam nên khi phong trào "người Việt Nam du lịch Việt Nam" có thể dễ dàng mở rộng ra thêm cả người ở những nước khu vực Đông Nam Á" - ông Hải nói.
Ông Hải cho rằng, để vực dậy ngành du lịch thì trước tiên phải dựa vào nội lực trong nước. "Nhu cầu du lịch của người dân Việt Nam ngày một tăng lên. Nhân cơ hội này chúng ta có thể mở rộng quảng bá, truyền thông những địa điểm du lịch mới mà ít người biết đến. Tôi nghĩ chắc chắn sẽ thành công" - ông Hải bày tỏ.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, để thực hiện được một tour du lịch phù hợp với điều kiện của người dân khu vực Đông Nam Á hiện nay là khó khăn, bởi thực tế có nhiều tour cao cấp, giá cả rất đắt đỏ.
"Để giải quyết vấn đề này, các đơn vị tổ chức tour du lịch cần ngồi lại với nhau để đưa ra giải pháp, hạ giá thành các gói tour xuống. Thực tế cho thấy, như ở Đà Nẵng có những khách sạn giá trị cả ngàn USD/đêm nhưng chất lượng chưa chắc đã hơn những nơi thu từ 500 - 700 USD/đêm. Điều đó cho thấy, chúng ta có thể hạ giá thành các tour xuống để kích cầu người du lịch, tạo ra điểm nhất tốt hơn" - ông Hải bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
Kích cầu du lịch: Bài 7 - Giảm giá có “hút” khách?
05:00, 21/05/2020
Kích cầu du lịch: Bài 6 - “Đòn bẩy” phục hồi!
06:00, 19/05/2020
Kích cầu du lịch: Bài 5 - Khách nội địa có giúp phục hồi du lịch?
11:00, 16/05/2020
Kích cầu du lịch: Bài 4 - Tái khởi động thị trường khách du lịch quốc tế
06:00, 15/05/2020
Kích cầu du lịch: Bài 3 - An toàn là ưu tiên hàng đầu!
05:00, 14/05/2020
Kích cầu du lịch: Bài 2 - Doanh nghiệp đồng hành cùng du khách!
05:00, 12/05/2020
Kích cầu du lịch: Bài 1 - Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam!
14:54, 11/05/2020