Giải pháp nào phát triển điện rác?
Hiện nay, để xử lý rác thải, Việt Nam đã áp dụng nhiều công nghệ, nhưng đều không mang lại kết quả như mong muốn.
Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT công ty Halcom Việt Nam.
- Tình trạng ô nhiễm rác thải, đặc biệt là rác thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam hiện nay như thế nào, đâu là nguyên nhân, thưa ông?
Rác thải đang là một thảm hoạ với nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Theo thống kê của Bộ TN&MT, mỗi năm, tổng lượng rác thải rắn sinh hoạt của cả nước khoảng 24,5 triệu tấn. Trong số đó, chỉ 1% số rác thải được sử dụng để phát điện; 27% được xử lý nhưng cũng chỉ ở mức “tạm” được, như một phần xử lý làm phân bón. Một phần làm biogas.
Số 72% lượng rác thải còn lại từng giờ gây ô nhiễm môi trường. Các bãi rác còn lại đang bị thả nổi hoặc quản lý lỏng lẻo. Vì vậy, tại những thành phố lớn như Hải Phòng, Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh rác thải đang là vấn đề cấp bách.
- Thưa ông, tại Việt Nam hiện đang áp dụng những công nghệ xử lý rác thải nào, ưu nhược điểm của mỗi công nghệ ra sao?
Hiện nay, Việt Nam áp dụng khá nhiều công nghệ xử lý rác thải. Ví như chôn lấp đúng cách; đổ rác vào nơi chứa rác thải tập trung hoặc đốt rác. Tuy nhiên, việc xử lý rác thải không đúng cách nên khói bụi lại gây ô nhiễm môi trường bao gồm cả môi trường đất, nước, không khí.
Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức buổi Toạ đàm trực tuyến với chủ đề: “Ô nhiễm rác thải và các giải pháp phát triển công nghệ điện rác tại Việt Nam”
Thời gian: Từ 13h30 - 17 h00 thứ Sáu, ngày 29 tháng 5 năm 2020. Địa điểm: Hội trường Gic Luxury Hotel, 59 Lê Duẩn, TP. Đà Nẵng.
Ngoài ra, hiện nay cũng có một số tỉnh thành áp dụng mô hình đốt rác phát điện. Tuy nhiên, hầu hết công nghệ điện rác đang áp dụng đã lạc hậu, các nước Châu Âu đã không dùng từ hàng chục năm trước.
Tại Việt Nam, chúng ta không phân loại được rác thải tại nguồn mà đốt “hỗn tạp”, bao gồm cả rác thải vô cơ và hữu cơ. Cũng vì thế, hiện nay chưa có một công nghệ rác nào phù hợp tuyệt đối tại Việt Nam.
- Vậy, theo ông công nghệ điện rác nào phù hợp với xử lý rác thải tại Việt Nam hiện nay?
Nhìn vào quy trình cơ bản của một mô hình đốt rác phát điện, có thể thấy khó khăn chính ở Việt Nam là việc lựa chọn công nghệ đốt rác với loại rác thải không được phân loại từ nguồn.
Hiện nay, công nghệ đốt rác phát điện Intec TCT đã vào việt Nam. Công nghệ Intec là thành tựu của các nhà khoa học Đức sau 10 năm nghiên cứu và được cấp bằng sáng chế.
Công nghệ này có những điểm khác biệt với những công nghệ khác ở chỗ không “đốt” mà sẽ “nung” rác. Rác sẽ được nung với nhiệt độ nhất định thì toàn bộ chất rắn biến thành khí. Hơn nữa, đốt rác thì phải dùng oxy và thải khí Cacbon ra môi trường và đây cũng là nguy cơ gây ô nhiễm. Tuy nhiên, với công nghệ Intec TCT, khi nung khí nóng sẽ quay tuabin để phát ra điện. Khí này được đốt trong lồng kín nên không bị thải độc hại ra môi trường. Một phần không thành khí khi nung sẽ chuyển hoá thành than cốc, dùng cho những lò luyện thép, còn lại lượng sỉ không đáng kể thì mang chôn lấp (dưới 2%).
- Cụ thể hóa từ hoạt động thực tiễn của công ty mình, để phát triển công nghệ điện rác cần những điều kiện gì? Trong quá trình triển khai dự án, doanh nghiệp của ông gặp những khó khăn gì?
Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 đã đề cập rất sâu đến việc phát triển năng lượng điện rác, ưu tiên phát triển, áp dụng công nghệ mới. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là quyết định của chính quyền địa phương.
Thứ nhất, do là công nghệ quá mới nên không địa phương nào dám đi đầu áp dụng công nghệ mới. Thay vào đó, họ lại đồng ý cho triển khai công nghệ lạc hậu và được áp dụng đại trà. Hơn nữa, việc định chế khoa học về thế nào là tốt tại Việt Nam. Cũng vì thế, địa phương sẽ có cái cớ để “khước từ” công nghệ mới vì chưa có tiêu chí đánh giá, chưa được TW hướng dẫn.
Thứ hai là cơ chế chưa minh bạch. Nếu có khó khăn thì nhà đầu tư, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cùng bàn bạc, giải quyết vướng mắc, nhưng ở Việt Nam thì không.
Thứ ba là về ngân sách. Thực tế, đầu tư xử lý rác thải là tốn chi phí. Vì vậy, một số địa phương tìm cách để trả giá xử lý rác thải rất rẻ như ở Bắc Giang chỉ muốn trả 16 USD/tấn. Nhưng với chi phí như vậy việc xử lý rác thải sẽ không triệt để.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm