Chưa thể điều chỉnh lương tối thiểu 2021
Theo tính toán của Bộ phận kĩ thuật (Văn phòng Giới sử dụng lao động - VCCI) lần điều chỉnh vừa qua, mức lương tối thiểu đã cao hơn 1,51% mức sống tối thiểu.
Chính vì vậy, trước thềm phiên họp Hội đồng Tiền lương quốc gia bàn về phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, dự kiến sẽ diễn ra vào khoảng giữa tháng 6 hàng năm, nhiều hiệp hội doanh nghiệp cho rằng chưa nên bàn về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2021.
Đảm bảo mục tiêu phục hồi sản xuất
Tại phiên họp Thường trực Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì bàn về vấn đề cải cách chính sách tiền lương vừa qua, Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần cải cách tiền lương phải thể hiện được tính tổng thể và đồng bộ. Phải xây dựng và ban hành chế độ tiền lương mới theo đúng nội dung cải cách tiền lương tại Nghị quyết 27-NQ/TW. Phải làm rõ hơn, thuyết phục hơn tính hợp lý và công bằng trong cải cách tiền lương.
Nghị quyết 27 đã quy đinh, "đối với khu vực doanh nghiệp, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp để đến năm 2020 mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ".
Theo Nghị quyết 27, Nhà nước quy định tiền lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động yếu thế, đồng thời là một trong những căn cứ để thoả thuận tiền lương và điều tiết thị trường lao động.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, với mức tăng lương tối thiểu vùng 5,5% năm 2020 được đánh giá là sự chia sẻ lớn của doanh nghiệp với người lao động.
Tuy nhiên, thời gian gần đây tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 đã khiến việc đáp ứng, duy trì mức tăng lương tối thiểu vùng 5,5% là rất khó khăn. “Do đó, nếu mức lương tối thiểu vùng tiếp tục được điều chỉnh tăng sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn chồng khó khăn. Mục tiêu bảo vệ doanh nghiệp, hồi phục sản xuất kinh doanh sau dịch sẽ không đạt được”, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Trên thực tế, chia sẻ về những khó khăn đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, 100% doanh nghiệp dệt may bị ảnh hưởng bởi đại dịch này. Qua khảo sát của VITAS, 5 tháng đầu năm, tăng trưởng của doanh nghiệp dệt may âm (-)15,5%, trong khi đó, mức tăng bình quân mỗi năm trước đó là 9-10%. “Nói như vậy để thấy, ngành top đầu của xuất khẩu Việt Nam-ngành dệt may đã chịu tác động tới 25%. Mức độ ảnh hưởng lớn do thiếu nguyên vật liệu trong 3 tháng đầu năm, mức độ giảm lớn hơn ở tháng 4 và tháng 5 do nhu cầu của các thị trường lớn sụt giảm, giãn hoãn đơn hàng hay chậm hoặc không thanh toán xảy ra”, Phó Chủ tịch VITAS chia sẻ.
Cùng quan điểm, đại diện Hiệp hội da giày cho biết, 95% sản lượng ngành da giày phục vụ xuất khẩu, nguyên phụ liệu 60% phụ thuộc nguồn nhập khẩu. Do đó, hoạt động sản xuất 3 tháng đầu năm trì trệ vì thiếu nguyên liệu, tới hai tháng gần đây thì các thị trường lại hoãn, ngừng các đơn hàng do đó ngành da giày đang chịu tổn thất nặng nề.
“Chúng tôi tới thăm các nhà máy tại Bình Dương, có những nhà máy cho công nhân làm việc 20 ngày/tháng còn 10 ngày nghỉ, một số thì cho lao động nghỉ luân phiên do muốn giữ lao động. Dù mức lương đã giảm nhưng doanh nghiệp vẫn đang phải vay tiền ngân hàng để trả lương cho lao động, như vậy đủ thấy doanh nghiệp khó khăn như thế nào”, đại diện Hiệp hội Da giày cho biết.
Theo VCCI, tình hình doanh nghiệp 5 tháng đầu năm 2020, số doanh nghiệp thành lập mới và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 70.031 doanh nghiệp. Trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, doanh nghiệp ngừng kinh doanh, chờ thủ tục giải thể và giải thể khoảng 97.242 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, qua kiểm tra của cơ quan thuế thì không tìm thấy và không liên lạc được là 17.436 doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp: VCCI đề nghị không điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho năm 2021
12:49, 09/05/2020
Doanh nghiệp may xin điều chỉnh lương tối thiểu
06:23, 08/04/2020
Đồng Nai: Nhiều doanh nghiệp áp dụng lương tối thiểu vùng mới
15:23, 04/02/2020
Từ 1/1/2020, lương tối thiểu vùng sẽ tăng tối đa 240.000 đồng/tháng
06:33, 18/07/2019
Tác động kép của tăng 5,5% lương tối thiểu
06:10, 13/07/2019
Lương tối thiểu vùng vượt quá năng lực chi trả?
Để khắc phục khó khăn này, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, giảm, giãn thuế, khoanh nợ... Đặc biệt là một số chính sách liên quan lao động như tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất; Lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn; Được vay tiền để trả lương ngừng việc cho người lao động… Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn cho biết khó tiếp cận bởi những điều kiện như “đánh đố”. Ví dụ như biện pháp đi đầu là hỗ trợ giãn hoãn phí công đoàn nhưng lại kèm yêu cầu giảm 50% lao động, mà nếu giảm 50% lao động thì doanh nghiệp đã đóng cửa rồi.
Đặc biệt, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng cần được xem xét trong bối cảnh lương tối thiểu vùng 2020 mức 5,5% vừa qua đã đáp ứng được yêu cầu “lương tối thiểu vùng đáp ứng mức sống tối thiểu” như đúng tinh thần, mục tiêu của Nghị quyết 27-NQ/TW về chính sách tiền lương.
Thậm chí, theo phân tích của Bộ phận kỹ thuật (Văn phòng Giới chủ của VCCI), mức lương tối thiểu vùng 2020 được tính toán theo mức CPI dự kiến là 4%. Tuy nhiên, thực tế khi đánh giá lại CPI 2019 chỉ 2,79%. Như vậy, lương tối thiểu vùng 2020 đã cao hơn mức sống tối thiểu 1,51% và vượt quá năng lực chi trả của một số doanh nghiệp tại thời điểm hiện nay.
Một căn cứ khác để xem xét việc điều chỉnh, Chính phủ mới đây cũng đã yêu cầu dừng tăng lương cơ sở. Do đó, nếu lương tối thiểu vùng tiếp tục được điều chỉnh tăng sẽ là bất hợp lý với doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn sau đại dịch. Tinh thần trong chỉ đạo đổi mới về chính sách cải cách tiền lương của Chính phủ cũng luôn nhấn mạnh yếu tố năng lực chi trả của doanh nghiệp.
Các ý kiến cho rằng, quan trọng nhất là phải triển khai nhanh các gói hỗ trợ, cứu trợ doanh nghiệp để doanh nghiệp hồi phục sau đại dịch COVID-19. “Bảo vệ được doanh nghiệp cũng là bảo vệ nguồn cung cấp việc làm, nguồn thu và sự phát triển của nền kinh tế. Điều cần nhất lúc này là đưa nhanh những gói hỗ trợ đến với doanh nghiệp, chứ không phải bàn việc điều chỉnh lương tối thiểu thế nào. Chính sách đáng chờ đợi nhất là hỗ trợ doanh nghiệp giữ chân người lao động”, Phó Chủ tịch VITAS nhấn mạnh.
Bà Đào Thị Thu Huyền, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI):
Khảo sát của Hiệp hội JCCI cho thấy, doanh nghiệp đang trả lương cho lao động cao hơn rất nhiều so với lương tối thiểu vùng, thậm chí cao hơn 2-3 triệu đồng. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cũng tăng lương 6 tháng/lần cho lao động. Nhưng mỗi lần điều chỉnh lương tối thiểu vùng mà lao động không thấy tăng lương sẽ đình công. Do đó, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng không cần và không nên được thực hiện hàng năm khiến doanh nghiệp bị kéo theo nhiều biến động, phát sinh thủ tục hành chính và chi phí. Đặc biệt, phải nhìn vào mặt bằng chung là doanh nghiệp đang rất khó khăn, chứ không nên nhìn vào một số doanh nghiệp lớn để áp tăng lương tối thiểu vùng cho các doanh nghiệp là không hợp lý.
Bà Vi Thị Hồng Minh, Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động VCCI:
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc dừng tăng mức lương cơ sở năm 2020 theo kế hoạch từ ngày 1/7 để có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách. Do đó, doanh nghiệp cũng có thể đề xuất tạm dừng điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng để có dư địa hồi phục sản xuất sau đại dịch. Bộ luật Lao động quy định phải xây dựng mức lương tối thiểu vùng theo tháng. Tới đây, chúng ta sẽ phải tính đến tính lương tối thiểu vùng theo giờ để đáp ứng thực tiễn của thị trường lao động.