“Lợi ích nhóm” trong lựa chọn công nghệ xử lý rác thải?
Đốt rác phát điện hiện là công nghệ tiên tiến đang được nhiều nước áp dụng.
Tuy nhiên, khi vào Việt Nam, đa phần các dự án này đều “chết yểu” bởi ngoài khó khăn về cơ chế, chính sách còn có “nhóm lợi ích” chi phối.
TS. Mai Huy Tân, Giám đốc Công ty TNHH Nhịp cầu Việt Đức (VIDEBRIDGE) cho rằng, mỗi năm, cả nước thải ra khoảng 30 triệu tấn rác thải và tỷ lệ gia tăng là 8%/năm. Tỷ lệ rác thải tăng cao nhất ở các đô thị lớn là áp lực với chính quyền các thành phố.
Địa phương thận trọng
Theo TS. Tân, với thực trạng hiện nay ở Việt Nam, mô hình đốt rác phát điện là phù hợp nhất. Nhưng thực tế, rất ít địa phương xây dựng các nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ đốt rác phát điện, mà chủ yếu vẫn là chôn lấp. “Mỗi thành phố trực thuộc trung ương nhất thiết phải có nhà máy điện rác. Đối với những địa phương ở gần nhau, ví dụ như các tỉnh Đông Bắc Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ có thể tính đến phương án liên kết hình thành một nhà máy xử lý điện rác”, ông Tân chia sẻ.
Tại buổi Tọa đàm trực tuyến “Ô nhiễm rác thải và giải pháp phát triển công nghệ điện tác tại Việt Nam” được tổ chức tại Đà Nẵng ngày 29/5/2020 do Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP Đà Nẵng cho rằng, khi đề cập loại công nghệ xử lý ô nhiễm, chính quyền phải cân nhắc vì liên quan đến chi phí. Đặc biệt, với công nghệ đốt rác phát điện, chính quyền phải xem xét kỹ hơn bởi để đưa vào quy hoạch một nhà máy điện rác vào điện lưới quốc gia cần phải xin kiến của nhiều cơ quan chức năng. Khi đàm phán hợp đồng, hiện chưa có định giá về công nghệ xử lý và kinh phí nên chính quyền địa phương cũng “bối rối”. Trong khi đó, việc tìm kiếm nhà đầu tư, kêu gọi cũng là khâu phức tạp để phù hợp với hoàn cảnh từng địa bàn.
Theo ông Hùng, tại Đà Nẵng, hiện có tới 26 nhà đầu tư quan tâm đến dự án nhà máy đốt rác phát điện (quy mô 1.000 tấn/ngày). Tuy nhiên, qua sàng lọc chưa có nhà đầu tư nào đáp ứng được yêu cầu. Do đó, địa phương vẫn đang xử lý theo phương pháp chôn lấp.
Doanh nghiệp “méo mặt”
Ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, hiện nay các dự án điện rác có nhiều khó khăn, từ thủ tục, giấy phép về môi trường, giấy phép xây dựng. “Qua tìm hiểu, tôi thấy khi vào địa phương, doanh nghiệp bị gây khó khăn do lợi ích nhóm. Bởi khi một dự án xử lý rác vào, ảnh hưởng đến một nhóm nào đó đang thực hiện ở địa phương. Tất nhiên, trong nhóm lợi ích đó có cả lãnh đạo của chính quyền, vì vậy họ sẽ tìm cách gây khó khăn cho nhà đầu tư”, ông Vi chia sẻ.
Còn theo GS.TS Đặng Kim Chi, Hội đồng khoa học công nghệ giáo dục và môi trường (Ủy ban MTTQ Việt Nam), đốt rác phát điện là lựa chọn tốt nhất cho các khu vực có diện tích hẹp, mật độ dân số cao, công nghiệp phát triển và có nguồn lực tài chính. Tuy nhiên, tại Việt Nam rác không được phân loại tại nguồn gây khó xử lý. Trong khi đó, doanh nghiệp không thể vận hành một nhà máy đốt rác phát điện mà mỗi ngày chỉ xử lý vài trăm tấn rác. Vì vậy, các dự án điện rác Việt Nam đa số chết yểu do công nghệ chi phí quá cao.
Là một nhà đầu tư đi đầu với các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, trong đó có điện rác, ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam cho rằng, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đã đề cập sâu đến việc phát triển năng lượng điện rác ưu tiên áp dụng công nghệ mới, tiên tiến. Tuy nhiên, thực tế các địa phương còn khá “thận trọng”, không dám đầu tư. Bởi công nghệ mới nên chưa có tiêu chí cụ thể, chưa được Bộ ngành hướng dẫn nên không địa phương nào tiên phong áp dụng. Bên cạnh đó, cơ chế chưa minh bạch, chưa có sự đồng hành của Bộ, ngành, chính quyền địa phương trong quá trình nhà đầu tư tìm hiểu một dự án điện rác.
“Nhà đầu tư sợ nhất là chính quyền lúc đầu hứa, lúc sau thay đổi khiến doanh nghiệp điêu đứng”, ông Huân chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT): “Trong tương lai cần nhắm tới chủ đề các công nghệ xử lý rác thải. Trong đó, sẽ tổng kết một cách khái quát thực trạng hiện nay, đánh giá các công nghệ đã và đang được áp dụng tại Việt Nam, phân tích nguyên nhân vì sao ô nhiễm rác thải chưa được giải quyết một cách cơ bản và lâu dài. Từ đó, đề xuất định hướng và các giải pháp công nghệ phù hợp.
Có thể bạn quan tâm
Ô nhiễm rác thải và các giải pháp phát triển công nghệ điện rác tại Việt Nam
14:09, 29/05/2020
TRỰC TIẾP: Toạ đàm “Ô nhiễm rác thải và các giải pháp phát triển công nghệ điện rác tại Việt Nam”
14:00, 29/05/2020
Giải pháp nào phát triển điện rác?
13:00, 29/05/2020
Mở cơ chế cho điện rác phát triển
11:32, 29/05/2020