COVID-19 và giá trị của niềm tin

Tiến sĩ FARIDA KBAR - Chủ nhiệm bộ môn Truyền thông chuyên nghiệp tại RMIT Việt Nam 21/06/2020 06:00

Niềm tin của người dân vào truyền thông và chính phủ đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát thành công COVID-19 tại Việt Nam.

Tiến sĩ Farida Kbar - Chủ nhiệm bộ môn Truyền thông chuyên nghiệp tại RMIT Việt Nam, cho biết có thể tìm kiếm thông tin đáng tin cậy nhanh chóng đã trở nên quan trọng đối với công chúng hơn bao giờ hết.

Tiến sĩ Farida Kbar - Chủ nhiệm bộ môn Truyền thông chuyên nghiệp tại RMIT Việt Nam, cho biết có thể tìm kiếm thông tin đáng tin cậy nhanh chóng đã trở nên quan trọng đối với công chúng hơn bao giờ hết.

Niềm tin của công chúng vào cơ quan truyền thông

Khi gặp phải vấn đề mới, chúng ta tìm kiếm thông tin để cân nhắc lựa chọn. Và đại dịch COVID-19 không phải ngoại lệ.

Trong những thời điểm hỗn loạn và không chắc chắn, khi cảm xúc có thể che mờ mất khả năng kiểm tra tính xác thực của thông tin, việc tìm kiếm một cơ quan thẩm quyền có thể cung cấp thông tin kịp thời và đáng tin cậy trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Các cơ quan truyền thông tại Việt Nam đã thể hiện được năng lực này. Họ đã đóng vai trò mấu chốt trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 qua việc chia sẻ thông tin đáng tin cậy và chi tiết hàng ngày từ Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 về các trường hợp nhiễm mới.

Tuổi Trẻ, một trong những tờ báo chính thống lớn nhất, đã lập chuyên mục Giả - Thật để kiểm tra tính chính xác của thông tin và những thông tin không đúng sự thật đang lan truyền trên mạng xã hội.

Các cơ quan thông tấn báo chí chính thống tại Việt Nam cũng kiểm tra tính chính xác thông tin mà họ đưa ra, chỉ ra những thông tin sai sự thật và chia sẻ kịp thời đến độc giả nhiều thông tin đa dạng chứ không chỉ những thông tin về khả năng ảnh hưởng của vi rút đến sức khỏe.

Thông qua những hoạt động này, báo chí Việt Nam đã nâng cao được vị thế là nguồn tin đáng tin cậy trong những giai đoạn mập mờ, không chắc chắn.

Sự tin tưởng của độc giả đã phản ánh rõ nét qua kết quả khảo sát mới nhất của công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường YouGov từ ngày 5 đến 13/5/2020. Theo đó, trong số 26 quốc gia được khảo sát, Việt Nam là nơi có độ tin cậy vào báo chí cao nhất (89%).

Niềm tin công chúng trong cộng đồng và với chính phủ

Cho đến ngày 19/6/2020, Việt Nam chỉ có 349 trường hợp xác định nhiễm COVID-19 mặc dù chiếm tới 1,25% tổng dân số thế giới.

Thành công này đến từ nhiều yếu tố, trong đó có hành động kịp thời của chính phủ. Tuy nhiên, để thực thi thành công, chính phủ cần phải tin tưởng rằng người dân sẽ có hành động đúng đắn và điều này sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự tin tưởng của người dân vào cộng đồng, báo chí và Chính phủ Việt Nam.

Trong một cuộc phỏng vấn trên kênh 7News (Úc), ông Matt Young, Thư ký Phòng thương mại Úc tại Việt Nam, cho biết: “Cộng đồng người Việt đã kết nối và chăm sóc lẫn nhau”.

Bên cạnh việc cung cấp thông tin xác thực, đúng thời điểm và chi tiết hằng ngày cho người dân, chính phủ cũng đã nỗ lực ngăn chặn lan truyền thông tin sai lệch. Trong một nghị định mới ban hành vào tháng 2/2020, mức phạt từ 10-20 triệu đồng sẽ được áp dụng đối với người có hành vi dùng mạng xã hội để chia sẻ tin giả, sai sự thật, xuyên tạc hoặc vu khống.

Các cơ quan chức năng đã phát động chiến dịch truyền thông công để xây dựng nhận thức và hiểu biết cho cộng đồng về hậu quả của việc đưa tin sai lệch với khẩu hiệu “Tung tin giả, hậu quả thật”.

Niềm tin công chúng vào mạng xã hội so với báo chí truyền thống

Theo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Pew năm 2017, phần lớn người dân đọc tin tức hằng ngày trên các nguồn thông tin trực tuyến và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Thông tin tiếp nhận là thật hay giả là do nhiều yếu tố, trong đó có niềm tin của bạn đọc với nguồn tin.

Mạng xã hội đã trao quyền cung cấp thông tin cho nhiều cá nhân không có kiến thức cũng như kinh nghiệm trong việc đưa ra những thông tin đáng tin cậy và cụ thể.

Theo báo cáo từ Trung tâm Phòng chống nội dung tiêu cực trên nền tảng số, hơn 90% bài lan truyền thông tin sai lệch về COVID-19 vẫn hiển thị trên Facebook, Instagram và Twitter dù đã bị trình báo.

Có 649 bài đăng từ ngày 20/4 đến ngày 26/5/2020 trên mạng xã hội đã bị trình báo nhưng chỉ có 61 bài (tương đương 9,4%) bị xử lý. 6,3% trong số đó bị gỡ xuống, 2% tài khoản đăng bài bị xoá và 1% bị cảnh báo đưa thông tin sai lệch nhưng vẫn còn bài trên mạng.

Với độc giả, khi đề cập đến thông tin đáng tin cậy, các nhà báo công dân trên mạng xã hội không thể thay thế những kênh truyền thông chính thống cũng như chính phủ.

Không thể phủ nhận vai trò hết sức quan trọng của những điều vừa đề cập trên và lờ đi tác động của chúng là một sai lầm có thể khiến các chính phủ phải trả giá không chỉ cho niềm tin của công chúng mà còn cho cuộc sống của người dân.

Có thể bạn quan tâm

  • Hợp tác hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hậu COVID-19

    17:06, 19/06/2020

  • 95% ca khỏi COVID-19, đừng vội chủ quan!

    05:00, 19/06/2020

  • Bất động sản hậu COVID-19: "Cái khó ló cái khôn"

    06:00, 18/06/2020

  • Sự phục hồi của các ngành công nghiệp hậu COVID-19: Ô tô tăng tốc?

    11:30, 17/06/2020

  • Hướng đi nào cho ngành bán lẻ hậu COVID-19?

    06:15, 16/06/2020

  • Việt Nam phòng dịch COVID-19 thế nào để không bùng phát trở lại?

    05:00, 16/06/2020

Tiến sĩ FARIDA KBAR - Chủ nhiệm bộ môn Truyền thông chuyên nghiệp tại RMIT Việt Nam