Điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2021: Doanh nghiệp chưa sẵn sàng
Trước những khủng hoảng COVID-19 mang lại, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2021 vẫn là một vấn đề lớn, doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng.
Hội đồng tiền lương Quốc gia vừa tổ chức phiên họp đầu tiên về việc điều chỉnh lương tối thiểu năm 2021, dự kiến phiên họp thứ 2 sẽ diễn ra vào tháng 7 này.
Giải bài toán khó
Giữa “tâm bão” Covid-19 đang hoành hành tại các quốc gia khác trên thế giới, việc các doanh nghiệp có thể hòa nhập lại với guồng quay như bình thường là rất khó. Việc điều chỉnh lương tối thiểu hiện nay giống như là một bài toán vẫn chưa tìm được lời giải thỏa đáng quyền lợi đôi bên giữa doanh nghiệp và người lao động (NLĐ).
Phía doanh nghiệp muốn có thể duy trì sản xuất, muốn người lao động có thể cùng sẻ chia những có khăn để cùng nhau vượt qua thời kỳ gian khó. Dẫu biết, NLĐ vẫn có những khó khăn trong đời sống, cần phải trang trải trong cuộc sống sinh hoạt, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn của đại dịch COVID-19. Doanh nghiệp cũng đồng cảm với NLĐ, điều đáng nói, các doanh hiện nay đang “mắc kẹt” giữa các đối tác lớn, hàng hóa sản xuất không thể tiêu thụ đồng nghĩa với nguồn thu không có.
Chia sẻ với phóng viên, đại diện Công ty cổ phần dệt may Hòa Thọ, tình hình khó khăn vẫn sẽ kéo dài đến ít nhất là giữa năm sau, việc điều chỉnh lương cần hoãn lại để doanh nghiệp có thể gượng dậy.
“Khả năng chi trả của các doanh nghiệp hiện nay khá kém, ưu tiên hàng đầu là duy trì việc làm nhưng tiền lương không thể khá hơn được, chỉ đủ để NLĐ trang trải mà thôi. Vì lượng cung cầu hiện nay vẫn chưa ổn, chúng ta cơ bản kiểm soát dịch nhưng các đối tác lớn vẫn còn khó khăn cho dịch bệnh gây ra nên phía doanh nghiệp mong muốn NLĐ hay thông cảm trong giai đoạn này” , đại điện doanh nghiệp cho biết.
Cần phải cộng sinh
Trao đổi về vấn đề này, ông Huỳnh Trinh - Giám đốc công ty Cổ phần lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng cho rằng việc tăng lương tối thiểu hiện nay chưa phải là thiết yếu. Theo ông Trinh, hằng năm đều có tăng lương tối thiểu cho NLĐ, tuy nhiên thời gian này việc tăng lương là một bài toán khó bởi lẽ, hiện nay phía doanh nghiệp chỉ mới gượng dậy nhưng lại chịu việc tăng lương thì rõ ràng là một sức ép lớn.
“Hãy để cho doanh nghiệp làm việc khi vừa đi qua giai đoạn khó, hiện nay các đối tác vẫn chưa hết dịch bệnh, nguồn hàng vẫn chưa xuất đi được thì làm sao chịu nổi việc tăng lương trong giai đoạn này. Việc tăng lương tối thiểu cũng sẽ kéo theo việc tăng giá thành sản phẩm, khách khàng chỉ vừa quay lại đây nhưng giá thành liền tăng thì họ sẽ thoái lui ngay, như vậy thì phía doanh nghiệp cũng “chết”, làm sao đứng dậy được.” - ông Huỳnh Trinh nói.
Trước những tổn thất to lớn về mặc kinh tế đối với doanh nghiệp, việc tăng lương tối thiểu trong giai đoạn hiện nay là điều khó có thể thực hiện. Bởi lẽ lượng cầu giảm sút, lượng cung hiện nay cũng chủ yếu sản xuất ra là để níu chân NLĐ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Quang - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng) nhận định, hiện nay tất cả các chỉ tiêu đều sụt giảm, ngành kinh tế của các đối tác thì như đóng băng. Lúc này cần nhất vẫn là sự “cộng sinh” giữa doanh nghiệp và NLĐ.
"Doanh nghiệp duy trì được việc là và NLĐ vẫn có được nguồn thu, như thế mới đảm bảo được đời sống cho cả hai. Nếu như chúng ta cứ quyết định tăng lương thì sẽ đẩy nhanh tiến trình phá sản của doanh nghiệp, đẩy nhanh việc sa thải nhân công thì NLĐ sẽ mất việc làm.” - Ông Nguyễn Tiến Quang cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Chưa có phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2021
17:00, 23/06/2020
Lương tối thiểu vùng đã cao hơn năng lực chi trả của doanh nghiệp
16:46, 23/06/2020
Lương tối thiểu vùng 2021 sẽ khó tăng
11:04, 23/06/2020
Chưa thể điều chỉnh lương tối thiểu 2021
11:00, 03/06/2020