Quy định mã vạch trong xuất khẩu "làm khó" doanh nghiệp Hàn Quốc
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM miền Bắc) đã đưa ra một số vướng mắc cho Hội đồng tư vấn cải cải cách thủ tục hành chính.
Chiều nay (17/7), tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Đối thoại của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (Hội đồng) và Đại sứ quán Hàn Quốc với cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam. Hội nghị nhằm lắng nghe ý kiến, giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Cơ hội cho doanh nghiệp Hàn Quốc
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá, qua số liệu thực tế cho thấy hiện số doanh nghiệp đăng ký và tổng số vốn đăng ký đầu tư của nhà đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam vẫn đang dẫn đầu trong số vốn đầu tư ngoài vào Việt Nam trong suốt thời gian qua.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, mặc dù trên thế giới đến nay đại dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát, nhưng Việt Nam đã mở đường bay thương mại giữa Việt Nam và Seoul (Hàn Quốc). “Đây là hành động tạo thuận lợi cho các chuyên gia, lao động, gia đình các chuyên gia có thể từ Hàn Quốc sang Việt Nam đồng thời các nhà đầu tư, doanh nhân Hàn Quốc có thể sang Việt Nam thực hiện công việc. Doanh nghiệp đầu tiên được áp dụng cơ chế này chính là tập đoàn Samsung” - Bộ trưởng cho biết.
Về hội nghị đối thoại hôm nay, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhận định hội nghị mang đến cho cộng đồng doanh nghiệp những thông tin mới về chính sách, đặc biệt các chính sách mới có hiệu lực sau dịch COVID-19.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, đây là cơ hội để lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần chia sẻ những ý kiến thẳng thắn về những khó khăn, rào cản trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt “hết sức hoan nghênh các doanh nghiệp hiến kế cho Chính phủ để tháo gỡ các khó khăn”.
“Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính sẽ tập hợp các kiến nghị của doanh nghiệp để báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ” - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết thêm.
Đồng tính với bài phát biểu của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Park Noh Wan cho rằng: “Bên cạnh lắng nghe những khó khăn từ phía doanh nghiệp và ứng phó, khắc phục khó khăn do dịch bệnh COVID-19 của Chính phủ, đây là dịp thảo luận phương hướng hợp tác trong tương lai sau dịch COVID-19 giữa hai nước”.
Các quy định làm khó doanh nghiệp Hàn
Trong phiên đối thoại với doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM miền Bắc) đã đưa ra hai vướng mắc cho Hội đồng tư vấn cải cải cách thủ tục hành chính.
Thứ nhất, liên quan đến Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Hàn Quốc, thuế nhà thầu nước ngoài. Theo kiến nghị của công ty, công tỵ mẹ Hàn Quốc đầu tư vào pháp nhân ở Việt Nam, pháp nhân Việt Nam thực hiện gia công hàng hóa và xuất khẩu tại chỗ cho Samsung Việt Nam.
Hiện tại công tỵ mẹ đang phải nộp thuế nhà thầu, thuế thu nhập doanh nghiệp 1% đối với khoản thu nhập công ty Samsung Việt Nam trả cho công ty mẹ do thực hiện giao dịch ba bên. Phần thuế nhà thầu trên vốn dĩ phải được miễn giảm khi xác định thuế thu doanh nghiệp tại Hàn Quốc nhưng phía Hàn Quốc nói rằng không có quy định hay luật nào như vậy nên Hàn Quốc không xét miễn giảm cho doanh nghiệp. Theo đó thuế nhà thầu nước ngoài không được nêu rõ trong hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa hai quốc gia nên những doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đang phải chỉ trả một số tiền lớn cho khoản thuế nhà thầu này.
Với trường hợp này, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp không chỉ là tổn thất về tiền bạc mà còn liên quan đến định hướng của công ty về việc có nên đầu tư thêm vào Việt Nam hay không.
Thứ hai, hiện hải quan Việt Nam đang yêu cầu các doanh nghiệp Hàn Quốc phải có các hồ sơ chứng từ của cơ quan quản lý mã vạch nước ngoài hoặc đơn vị sở hữu mã vạch, trong trường hợp các doanh nghiệp này sử dụng mã vạch nước ngoài trong quá trình kiểm hóa hàng hóa xuất khẩu.
Hiện các doanh nghiệp Hàn Quốc đang bị xử phạt hành chính do vi phạm các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm trong trường hợp không thể cung cấp được các chứng từ. Có trường hợp kiểm soát Vendor cấp 2 (Buyer nước ngoài -> Vendor cấp 1 -> Vendor cấp 2) đối với hàng hóa xuất khẩu thực tế. Việc quản lý cả mã vạch hàng hóa xuất khẩu không được phân phối tại Việt Nam có thể là gánh nặng lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Đặc biệt, đối với trường hợp Vendor cấp 2 không có giao dịch trực tiếp với Buyer nước ngoài, thì một thực tế là việc chứng minh mã vạch này thực sự khó khăn cho doanh nghiệp.
Qua đó, KORCHAM miền Bắc kiến nghị doanh nghiệp mong muốn Hiệp định tránh đánh thuế hai lần sẽ được sửa đổi trong thời gian sớm nhất. Tại Hàn Quốc, vấn đề này cũng đang được yêu cầu đối với chính phủ Hàn Quốc, vì vậy mong rằng chính phủ Việt Nam có thể giải quyết vấn đề càng sớm càng tốt.
Về vấn đề mã vạch, đề nghị chính phủ Việt Nam bãi bỏ quy trình chứng từ của đơn vị sở hữu mã vạch hoặc cung cấp hướng dẫn cụ thể về đối tượng, phạm vi và thủ tục đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Cơ quan quản lý trả lời
Trả lời những thắc mắc trên, đại diện cơ quan Tổng cục Thuế, ông Vũ Chí Hùng Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, về vấn đề doanh nghiệp Hàn Quốc đang chịu thuế ở Việt Nam lẫn Hàn Quốc, thuế nhà thầu 1%, theo quy định tổ chức thương mại kinh doanh ở Việt Nam nếu có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì có nghĩa vụ nộp thuế, Hàn Quốc có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp chống đánh thuế hai lần. Theo đó, số thuế doanh nghiệp nộp ở Việt Nam sẽ được khấu trừ vào số thuế doanh nghiệp Hàn Quốc phải nộp thu nhập phát sinh tại Việt Nam.
Tuy nhiên, phát sinh vướng mắc khi cơ quan thuế Hàn Quốc không cho phép các doanh nghiệp Hàn Quốc khấu trừ số thuế phải nộp tại Hàn Quốc, lý do bởi trong Hiệp định không có từ “thuế nhà thầu nước ngoài”.
Vì vậy, phía Hàn Quốc đề nghị sửa hiệp định để có thể khấu trừ thuế tại Hàn Quốc.
Tổng cục Thuế cho rằng theo quy định của luật thuế doanh nghiệp Thông tư 103/2014/TT-BTC Hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam. Theo đó, các tổ chức có nghĩa vụ nộp thuế giá trị gia tăng như vậy theo quy định của Việt Nam không có thuế nhà thầu nước ngoài, chỉ có thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tuy nhiên trong thực tiễn, cơ quan quản lý thuế thường gọi tắt thuế thu nhập với nhà thầu nước ngoài là thuế nhà thầu nước ngoài. Chính vì vậy, phía Việt Nam cũng đã giải thích với phía Hàn Quốc trong quá trình đàm phán, nghị định thư làm rõ vấn đề này. Tại nghị định thư đã ghi rõ thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng với nhà thầu nước ngoài. Nghị định thư đã được ký vào ngày 27/11/2019 tại Hàn Quốc.
“Hiện tại, phía Việt Nam đã phê duyệt hiệu lực nghị định thư này và chúng tôi đang chờ phía Hàn Quốc phê duyệt để áp dụng” – ông Vũ Chí Hùng thông tin.
Về vấn đề mã số, mã vạch, ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo trên cơ sở đó Tổng Cục tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã thống nhất với cơ quan hải quan. “Theo đó chúng tôi đã có văn bản hướng dẫn việc kiểm tra mã số, mã vạch sẽ không do cơ quan hải quan thực hiện mà sẽ được Tổng Cục tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng kiểm tra về sau.
Như vậy khi làm thủ tục hải quan doanh nghiệp sẽ không phải xuất trình bất cứ giấy tờ nào liên quan đến mã số, mã vạch cho cơ quan hải quan.
Có thể bạn quan tâm
Nhân sự chủ chốt của doanh nghiệp Hàn Quốc được nhập cảnh vào Việt Nam trong tháng 4/2020
07:15, 16/04/2020
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: “Chính phủ Việt Nam luôn hỗ trợ doanh nghiệp Hàn Quốc”
11:14, 09/11/2019
Thái Bình: Doanh nghiệp Hàn Quốc đề xuất đầu tư xử lý rác thải phát điện
07:30, 07/08/2019