Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng, liệt sĩ
Nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020), vào tối 26/7.
Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức lễ thắp nến tri ân các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm).
Trong không khí trang nghiêm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và các đại biểu đã thành kính dâng hương, hoa tưởng nhớ các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng, liệt sĩ.
Dành một phút mặc niệm tưởng nhớ, các đồng chí lãnh đạo thành phố cùng cán bộ, nhân dân thành kính bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã hiến dâng những người con thân yêu cho Tổ quốc, các Anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh cho nền độc lập, tự do, hòa bình của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân.
Tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và lãnh đạo thành phố đã tặng quà, bày tỏ lòng biết ơn với đại biểu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng tham gia chương trình.
Thay mặt lãnh đạo thành phố, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, chiến tranh đã lùi vào quá khứ 45 năm qua, nhưng để có được ngày hội toàn thắng, đất nước ta, dân tộc ta đã mất đi hàng triệu người con ưu tú nơi chiến trường, hàng triệu người khác mang trên mình thương tật và bao nhiêu cảnh đời chịu mất mát, ly tan...
“Máu xương của các anh, các chị đã tô thắm thêm màu cờ Tổ quốc. Chiến công của các anh, các chị đã trở thành những trang sử vàng chói lọi, tự hào”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn phát biểu.
Thay mặt tuổi trẻ Thủ đô, Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Ngọc Việt khẳng định: “Tuổi trẻ Thủ đô nguyện ra sức học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức để xây dựng Thủ đô, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh và hiện đại”.
Vẫn theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn, với gần 80.000 người có công với cách mạng, chiếm gần 10% tổng số người có công cả nước, thành phố Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc ý nghĩa; thực hiện đúng, đầy đủ chính sách đối với người có công với cách mạng; đạt được những kết quả thiết thực.
Từ khi điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan (năm 2008) đến nay, toàn thành phố đã vận động Quỹ đền ơn đáp nghĩa được hơn 400 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ gần 15.000 gia đình người có công với cách mạng xây mới, sửa chữa nhà ở.
Tặng gần 70.000 sổ tiết kiệm “Tình nghĩa”; đưa hơn 160.000 lượt người đi điều dưỡng luân phiên… Đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội không còn hộ người có công thuộc diện hộ nghèo.
Tuy đạt được những kết quả nêu trên, nhưng thành phố luôn xác định phải thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chăm sóc người có công với cách mạng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn nêu rõ: “Chương trình Lễ thắp nến tri ân là lời nhắc nhở chúng ta về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc và trách nhiệm phải sống, học tập, lao động, bảo vệ Tổ quốc xứng đáng với sự hy sinh, mất mát của lớp lớp các thế hệ cha anh đi trước”.
Có thể bạn quan tâm
"Huyền thoại" bến tàu không số K15
05:32, 27/07/2020
Ngày 27/7: Thấm thía giá trị của độc lập, tự do!
05:29, 27/07/2020
Vị Xuyên những ngày tháng 7
13:09, 15/07/2020
Doanh nhân Hoàng Mạnh Cường và tố chất người lính trong kinh doanh
11:40, 23/06/2020
Doanh nhân Cựu chiến binh Trịnh Xuân Lâm: Bí quyết thành công của “người lính” xứ Thanh
05:00, 26/05/2020
[GIỮ LỬA TRÊN MỌI MẶT TRẬN] Doanh nhân Đường bia: Chuyện người lính Cụ Hồ làm bất động sản
16:14, 30/04/2020