Liên minh Trung Quốc- Iran sắp lộ diện?
Sau nhiều năm giằng co đường lối giữa Đông và Tây, gần đây Iran có thiên hướng thân thiện hơn với Trung Quốc. Điều này làm dấy lên đồn đoán về liên minh Trung Quốc- Iran.
Sở dĩ Iran có xu hướng thân Trung Quốc, do Mỹ ngày càng có chính sách cứng rắn hơn đối với quốc gia hồi giáo này.
Thời của liên minh hẹp
Động thái nói trên của Iran bắt đầu từ năm 2016, khi tỷ phú Donald Trump bước vào Nhà trắng nhậm chức Tổng thống Mỹ với chính sách “Nước Mỹ trên hết”.
Bằng chứng là Mỹ rời xa WTO, ghẻ lạnh LHQ, UNESCO, từ bỏ TPP, tuyên chiến với Trung Quốc, Iran, cả WHO cũng không ngoại lệ,… Thay vào đó, ông Trump thắt chặt các mối quan hệ truyền thống với Úc, Nhật Bản, Saudi Arabia. Về kinh tế, người Mỹ chỉ giữ chặt liên minh Bắc Mỹ (USMCA).
Quan điểm đối ngoại của Mỹ đã phá vỡ trật tự cũ, khiến nhiều quốc gia tự tìm kiếm liên minh hẹp để chống đỡ. Trong đó, Trung Quốc và Nga thiết lập liên minh tài chính; Iran có xu hướng ngã về Bắc Kinh; Châu Âu thu mình, chia rẽ nội bộ, và hàng loạt nước khác đang mất phương hướng,…
Trên thực tế, Trung Quốc và Iran có lý do để xích lại gần nhau - ít nhất họ có chung kẻ thù, đó là nước Mỹ; lợi ích song trùng trong lĩnh vực năng lượng, tài chính, đầu tư; đồng quan điểm về xử lý khủng hoảng tại eo biển Hormuz - nơi được mệnh danh là “van dầu” của thế giới.
Phong trào thân Trung Quốc
Thực ra, chọn Đông hay Tây là cuộc đấu tranh dai dẳng đã diễn ra vài thập kỷ nay ở Iran. Tổng thống đương nhiệm Hassan Rouhani từng hy vọng “đàm phán với Mỹ dễ hơn Châu Âu”, nhưng đến nay Mỹ hoàn toàn quay lưng lại Iran.
Sau 2 năm bị Mỹ trừng phạt, Iran chịu tổn thất nặng nề, điều này đã thúc đẩy phong trào “thân Trung Quốc” bùng phát trở lại. Vào ngày 21/6 vừa qua, Iran đã thông qua dự thảo thỏa thuận hợp tác giữa Iran và Trung Quốc trong 25 năm.
Theo một số báo cáo, trong cuộc hội đàm Trung Quốc- Iran vào tháng 9/2019, Trung Quốc đã đồng ý đầu tư 280 tỷ USD vào phát triển lĩnh vực dầu khí và hóa dầu ở Iran. Bắc Kinh cũng dự kiến sẽ đầu tư 120 tỷ USD để cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông và công nghiệp của Iran.
Trung Quốc cần Iran, tức là cần nguồn dầu mỏ để vận hành nền kinh tế, cũng như níu giữ mỏ neo hiếm hoi còn sót lại ở vùng Vịnh. Trong khi Washington cũng cần Iran để khống chế Trung Đông, nhưng lại gây áp lực tối đa với con át chủ bài này.
Teheran đang bị mắc kẹt giữa cuộc đối đầu Trung - Mỹ, nếu Iran công khai thân Trung Quốc, sẽ khó ngồi yên với Mỹ. Còn nếu Iran thân Mỹ, sẽ buộc phải từ bỏ các chương trình quân sự trọng yếu trong bối cảnh Trung Đông luôn có nguy cơ xung đột vũ trang.
Hình ảnh Iran lúc này là bài học rất đáng giá cho những quốc gia đang đứng trước sự lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm
Áp lực ngành năng lượng từ xung đột Mỹ - Iran
07:00, 08/01/2020
Xung đột Mỹ- Iran leo thang, giá vàng sẽ bay tới đâu?
11:32, 08/01/2020