Việt Nam phản đối Trung Quốc điều vũ khí ra Hoàng Sa

LAM SONG 20/08/2020 17:01

"Việc các bên đưa các loại vũ khí cũng như máy bay chiến đấu ra Hoàng Sa không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam mà còn làm phức tạp tình hình Biển Đông".

Bà Lê Thị Thu Hằng - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói trong họp báo thường kỳ chiều nay (20/8).

Bà Lê Thị Thu Hằng - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam

Bà Lê Thị Thu Hằng - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam

Ngày 13/8, trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc xuất hiện hình ảnh một oanh tạc cơ H-6J đậu trên đường băng ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, trong khi các kỹ thuật viên kiểm tra máy bay.

Trước đó, blog Chinese Military Aviation cho biết oanh tạc cơ H-6J không vũ trang hạ cánh xuống đảo Phú Lâm vào đầu tháng 8. Một số nhà quan sát quân sự cũng cho rằng đặc điểm địa hình trong bức ảnh phù hợp với các mốc thực địa như trạm radar, cầu cảng trên đảo Phú Lâm. 

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến thông tin Trung Quốc đưa máy bay H-6J ra đảo Phú Lâm, thuộc Hoàng Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: "Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định và xin nhắc lại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không thể tách rời của Việt Nam. Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế".

Hình ảnh chiếc H-6J cùng phi hành đoàn được cho là đã đáp xuống đảo Phú Lâm vào đầu tháng 8. (Ảnh: Drive)

Hình ảnh chiếc H-6J cùng phi hành đoàn được cho là đã đáp xuống đảo Phú Lâm vào đầu tháng 8. (Ảnh: Drive)

Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, việc các bên đưa các loại vũ khí cũng như máy bay chiến đấu ra Hoàng Sa không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam mà còn làm phức tạp tình hình Biển Đông. "Chúng tôi kêu gọi các bên có đóng góp, có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam kêu gọi.

Đảo Phú Lâm là đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng và cải tạo bất hợp pháp. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần phản đối các động thái đơn phương của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý và lịch sử cho tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo.

Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi về thông tin hàng nghìn tàu cá của Trung Quốc sắp sửa tràn xuống Biển Đông sau khi lệnh cấm bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông hết hiệu lực vào ngày 16/8 và liệu có cơ chế nào để ngăn va chạm giữa tàu cá Việt Nam và tàu cá Trung Quốc, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: "Quan điểm của Việt Nam về cái gọi là lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông đã được nêu rất rõ". 

Theo bà Lê Thị Thu Hằng, là quốc gia ven Biển Đông và thành viên Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán tại các vùng biển của mình được xác lập phù hợp Công ước, đồng thời cũng được hưởng các quyền lợi hợp pháp khác trên biển theo quy định của Công ước. "Trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay, Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông” - Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói thêm.

Có thể bạn quan tâm

  • Tàu ngầm Trung Quốc xuất hiện tại cửa hang bí ẩn ở Biển Đông

    11:00, 20/08/2020

  • Biển Đông: Mỹ - Trung “đối đầu” và lựa chọn của Việt Nam

    05:30, 18/08/2020

  • Trung Quốc muốn gì khi đưa hơn 1.600 tàu cá ra Biển Đông?

    15:57, 17/08/2020

  • Cái giá phải trả cho âm mưu chiếm đoạt Biển Đông của Trung Quốc

    06:50, 15/08/2020

LAM SONG