Ngộ độc pate Minh Chay: Botulinum nguy hiểm thế nào và phòng tránh ra sao?
Chuyên gia nhấn mạnh từ việc patê Minh Chay chứa độc tố vi khuẩn Clostridium botulinum typ B rất nguy hiểm, cần lưu ý những biện pháp khi sử dụng thực phẩm có nguy cơ chứa vi khuẩn nhóm này.
Theo thông báo của cục an toàn thực phẩm, từ 13/7 đến 18/8, đã có 9 người được xác định bị ngộ độc do thực phẩm nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum. Tổng cộng đã có 9 ca bệnh phải điều trị tại các bệnh viện, trong đó, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận 2 ca, tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) 5 ca và Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM 2 ca.
Qua điều tra cho thấy các bệnh nhân đều sử dụng sản phẩm Pate Minh Chay và kết quả kiểm nghiệm ban đầu một số sản phẩm của các lô khác nhau đã phát hiện vi khuẩn Clostridium botulinum typ B.
Hiếm gặp nhưng nguy hiểm nhất thế giới
Theo TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA, Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím, đây là một loại ngộ độc thực phẩm hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm.
Cụ thể, theo TS Nguyễn Hồng Vũ, ngộ độc do vi khuẩn Clostridium botulinum có tên gọi là “Botulism”. Đây là loại ngộ độc hiếm gặp nhưng nếu bị có thể gây hậu quả nghiêm trọng do loại độc tố được tạo ra bởi vi khuẩn này có thể tấn công các dây thần kinh của cơ thể.
Nó xâm nhập vào các tế bào thần kinh, ngăn chặn sự giải phóng chất dẫn truyền acetylcholine. Khi chất dẫn truyền thần kinh này bị chặn, giao tiếp tế bào không được thực hiện, làm cho các cơ bị tê liệt.
“Các triệu chứng ban đầu bao gồm mệt mỏi, suy nhược và chóng mặt, sau đó thường là mờ mắt, khô miệng và khó nuốt, khó nói. Nôn mửa, tiêu chảy, táo bón và sưng bụng cũng có thể xảy ra. Bệnh có thể tiến triển thành tê liệt ở cổ và cánh tay, sau đó ảnh hưởng các cơ thuộc hệ hô hấp và các cơ vùng hạ vị. Các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng 12 đến 36 giờ sau khi ăn phải thực phẩm có chứa độc tố. Có 7 dạng độc tố botulinum riêng biệt, loại A – G. Bốn trong số này (loại A, B, E và hiếm khi là F) gây ngộ độc thịt ở người. Loại C, D và E gây bệnh cho các loài động vật có vú, chim và cá khác”.
TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA.
Thậm chí, bác sĩ Trần Văn Phúc, khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội còn nhận định: “Botulinum là chất độc nguy hiểm nhất thế giới. Với liều 0,004 μg/kg, nó sẽ giết chết một người trưởng thành. Mỗi kg botulinum đủ giết chết một tỷ người. Trong Thế chiến II, độc tố botulinum được ưu tiên để nghiên cứu sản xuất vũ khí hóa sinh học”.
Do đó, các chuyên gia nhấn mạnh người bị nhiễm độc bởi độc tố của Clostridium botulinum cần điều trị càng sớm càng tốt bằng thuốc kháng độc tố (antitoxin).
“Sự phát triển của y học hiện đại, những người bị ngộ độc này ngày nay có nguy cơ tử vong thấp hơn nhiều so với trước đây. Khoảng 50 năm trước, cứ 100 người bị ngộ độc này thì có 50 người chết. Hiện nay, với sự phát triển của thuốc chống độc và điều trị y tế thích hợp, cứ 100 người thì có ít hơn 5 người bị ngộ độc chết. tuy nhiên, ngay cả khi với thuốc chống độc và chăm sóc y tế, điều trị tích cực, một số bệnh nhân vẫn chết vì nhiễm trùng hoặc các vấn đề khác do bị liệt trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Một số bệnh nhân sống sót sau ngộ độc này có thể bị mệt mỏi và khó thở trong nhiều năm sau, và có thể cần điều trị lâu dài để giúp họ hồi phục”, TS Nguyễn Hồng Vũ chia sẻ.
Vi khuẩn tồn tại rộng rãi trong tự nhiên
Đáng nói, vi khuẩn Clostridium botulinum không phải là sinh vật hiếm. Ngược lại, nó tồn tại rộng rãi trong tự nhiên, có thể tìm thấy trong đất, phân, sông, hồ, thậm chí các hạt bụi bẩn, động vật đều có thể tìm thấy chúng.
Clostridium botulinum thích thức ăn giàu protein. Điều đó có nghĩa là tất cả sản phẩm từ động vật đều dễ nhiễm khuẩn. Sữa và các sản phẩm làm từ sữa đều có thể trở thành nơi trú ngụ của Clostrium botulinum.
Điều đáng mừng là loại vi khuẩn này rất sợ axit và nhiệt. Điểm yếu lớn nhất của nó là kỵ khí. Vi khuẩn sẽ không phát triển mạnh ở những nơi thông gió tốt. Đặc biệt, ở môi trường đủ oxy, chúng không thể hoạt động.
“Đặc biệt, botulinum không chịu được nhiệt, nếu đun ở 100 độ C, sau 2 phút, chất độc bắt đầu biến tính và giảm độc lực. Khi đun đến 10 phút, chúng có thể bị phá hủy. Đây là điều may mắn, bởi thực phẩm đun sôi có nhiệt độ xấp xỉ 100 độ C. Chúng ta có thể yên tâm với đồ ăn tươi được nấu chín”, Bác sĩ Trần Văn Phúc cho biết.
Tuy nhiên, với thực phẩm chế biến sẵn, chúng đã đun nóng ở nơi sản xuất, tuy nhiên vẫn còn công đoạn vận chuyển và lưu thông. Nó được bảo quản từ vài ngày đến vài tháng, người sử dụng sẽ ăn ngay, không đun sôi lại. Vì vậy, chúng ta khó đảm bảo an toàn.
Do đó, để tránh bị độc tố botulinum, từ lâu, các nhà sản xuất đã tìm ra phương pháp bổ sung nitrit. Đây là chất hiệu quả trong việc ức chế độc tố botulinum. Mặc dù Nitrit cũng có độc nhưng với liều lượng nhỏ vẫn sử dụng được. Nó sẽ tổng hợp thành nitrosamine trong thịt. Các nước trên thế giới đều cho phép bổ sung nitrit vào các sản phẩm thịt đã qua chế biến.
Clostrium botulinum cũng được cho là không thể sinh sản hoặc tạo ra chất độc ở nhiệt độ dưới 10 độ C của tủ lạnh. Vì vậy, chuyên gia khuyến cáo phải để thức ăn thừa vào tủ lạnh. Đó là biện pháp quan trọng để phòng ngừa ngộ độc botulinum trong gia đình.
“Việc bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ lạnh (dưới 4°C), trong môi trường có tính acid (pH<4.6) và sử dụng các chất bảo quản như nitrite, sorbic acid, phenolic antioxidants, polyphosphates, ascorbates cũng được cho thấy giảm được sự phát triển vi sinh vật và giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm”, TS Nguyễn Hồng Vũ nhấn mạnh.
Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) thuộc Bộ NN&PTNT vừa có văn bản gửi Sở NN&PTNT, ban quản lý an toàn thực phẩm các địa phương gồm TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh về việc phối hợp xử lý sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm liên quan đến vụ chất độc có trong pate Minh Chay. Đồng thời báo cáo nhanh kết quả triển khai về Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản trước ngày 3/9 để tổng hợp báo cáo Bộ NNPTNT. |
Có thể bạn quan tâm
Biến động của pate Minh Chay trước khi gặp sự cố
11:00, 01/09/2020
Pate Minh Chay chứa độc tố: Công ty Lối Sống Mới phải chịu trách nhiệm thế nào?
04:20, 01/09/2020
Pate Minh Chay chứa độc tố: Bộ Công Thương cảnh báo khẩn cấp
18:23, 31/08/2020
Pate Minh Chay chứa độc tố: Bộ Y tế yêu cầu báo cáo về các ca bệnh
16:13, 31/08/2020