Vì sao 8 Hiệp hội doanh nghiệp đồng loạt đề xuất giảm phí công đoàn còn 1% quỹ lương?
8 hiệp hội ngành hàng đồng loạt kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các bộ, ngành về việc giảm kinh phí công đoàn còn tối đa 1% quỹ tiền lương.
Theo đó, 8 Hiệp hội Doanh nghiệp gồm Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS), Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM), Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam (VEIA), Hiệp hội Da giày _ Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hội Lương thực Thực phẩm TP.Hồ Chí Minh (FFA) và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) đã đồng loạt ký tên kiến nghị vào công văn 06102020/HHDN về việc đóng góp ý kiến xây dựng Luật Công đoàn sửa đổi từ các hiệp hội doanh nghiệp.
Cụ thể, các hiệp hội đồng loạt kiến nghị, giảm kinh phí công đoàn xuống còn tối đa 1% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, và dùng toàn bộ kinh phí công đoàn chăm lo tốt hơn nữa cho người lao động.
Theo quan điểm của các hiệp hội, kiến nghị trên được các hiệp hội ngành hàng sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng đã thấy có sự không đồng nhất giữa Luật ngân sách nhà nước và Luật công đoàn về kinh phí hoạt động của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.
Cũng như việc doanh nghiệp đóng thuế, tức là đã gián tiếp đóng góp kinh phí cho công đoàn thông qua ngân sách nhà nước, nay phải trích nộp thêm kinh phí công đoàn nghĩa là doanh nghiệp phải đóng thêm 2% thuế trên quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp.
Chủ tịch 8 hiệp hội ngành hàng cũng cho rằng tỉ lệ nộp kinh phí công đoàn phải dựa trên điều kiện kinh tế xã hội của từng thời kỳ, và sự thay đổi của cơ sở tính quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội qua thời gian, cấp thiết "nên dùng toàn bộ kinh phí công đoàn chăm lo tốt hơn nữa cho người lao động".
"Chúng tôi kiến nghị Luật công đoàn cần sửa đổi và quy định mức nộp kinh phí công đoàn tối đa 1% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Chính phủ có quyền quyết định tỉ lệ đóng này theo từng thời kỳ, tùy theo tình hình kinh tế xã hội. Điều này nhằm đảm bảo quy định có tính chất linh hoạt và phù hợp với tình hình biến động kinh tế, xã hội của Việt Nam, khu vực và thế giới qua từng thời kỳ. Cách thức quy định này đã từng được áp dụng trong một số luật, ví dụ quy định về tỉ lệ đóng bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành", kiến nghị nhấn mạnh quan điểm.
Theo quy định tại Luật Công đoàn, kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trích nộp là 2% quỹ tiền lương đơn vị. Người lao động đóng tiền đoàn phí công đoàn là 1% tiền lương. Mức phí này cao hơn nhiều so với các tổ chức đoàn thể khác như: Đảng phí (0.5% -1%/người/năm lương đóng BHXH), đoàn phí đoàn thanh niên (60.000 đồng/người năm), Hội phụ nữ (20.000 đồng/năm).
Theo tính toán của các chuyên gia, với mức đóng nộp như hiện nay thì cả nước với 18-20 triệu người lao động đang hưởng lương thì nguồn thu phí công đoàn khoảng 24.000 tỷ đồng/năm. Trong khi Đảng phí 0.5%-1% của trên 4 triệu đảng viên (gần 2.000 tỷ đồng/năm).
Vậy với DNNVV có 2.000 người lao động phải đóng khoảng 2 tỷ đồng/năm, có doanh nghiệp lớn phải đóng 21 tỷ đồng/năm, đôi khi còn “nhiều hơn cả tiền thuế” thu nhập doanh nghiệp. Do vậy, không chỉ là gánh nặng lớn với doanh nghiệp, khoản phí này còn nghịch lý ở chỗ doanh nghiệp càng tạo nhiều công ăn việc làm càng phải nộp phí cao.
TS Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, khi nghiên cứu Luật Công đoàn, Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã đặt câu hỏi: Khoản kinh phí công đoàn 2% mà Luật Công đoàn quy định có bản chất như một loại thuế, chứ không phải phí? Phí công đoàn là khoản 1% công đoàn viên phải nộp, đó là phí. Còn khoản 2% này, với cách thiết kế như hiện nay, bản chất như thuế, bắt buộc phải nộp, bất kể có dùng dịch vụ hay không.
Không chỉ vậy, theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, nguồn thu 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của đơn vị sử dụng lao động là lượng kinh phí rất lớn. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn kinh phí này còn rất bất cập.
“Có những thời điểm, công đoàn cơ sở cũng muốn sử dụng nguồn thu này vào nguồn phúc lợi cho người lao động, ví dụ xây siêu thị giá rẻ ở khu công nghiệp, khu kinh tế, nhưng hiện tại không có cơ chế để thực hiện”, ông Dương nói. Điều này khiến Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, phí công đoàn hiện kết dư lên tới gần 29.000 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
Minh bạch quản lí phí công đoàn
07:39, 04/10/2020
Cần xem xét lại mức thu phí công đoàn
20:20, 24/09/2020
Cần xem xét lại mức thu phí công đoàn
16:56, 24/09/2020
Miễn, giảm đóng phí công đoàn thay vì hoãn: Chính phủ có đề xuất cũng phải tháng 10/2020 Quốc hội mới bàn
11:00, 28/04/2020