Kích cầu du lịch nội địa: Cần sự nỗ lực từ nhiều phía!

BẢO LAM 12/10/2020 05:00

Dịch bệnh COVID-19 đã tạm thời được khống chế. Đây là lúc cần kích cầu du lịch nội địa. Thế nhưng, để làm được điều này cần sự nỗ lực từ nhiều phía.

Chương trình kích cầu du lịch nội địa lần hai dự kiến đạt nhiều kết quả khả quan.

Du lịch khó chồng khó

Đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực tới nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó du lịch là ngành chịu tác động đầu tiên, kéo dài và chịu thiệt hại nặng nề nhất qua hai đợt bùng phát của đại dịch.

Tính tới tháng 9/2020, đã có 95% doanh nghiệp lữ hành dừng hoạt động; doanh nghiệp vận tải du lịch (ô tô) gần như đóng cửa vì không có khách; các doanh nghiệp lớn với vốn tư nhân chỉ bố trí khoảng 30% nhân sự trực tại công ty, nhân viên được cho nghỉ không hưởng lương hoặc giảm đến 80% lương.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch cũng trong tình trạng khó khăn. Báo cáo của Tổng cục Du lịch cho thấy, trong tháng 8/2020, tỷ lệ hủy phòng gần 100%. Đối với các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng có công suất cao như: Đà Lạt (Lâm Đồng), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Sa Pa (Lào Cai), Hạ Long (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang)..., tỷ lệ hủy phòng khách du lịch đã đặt trong tháng 8-2020 cao hơn 80% và sẽ tiếp tục hủy phòng trước diễn biến khó lường của dịch bệnh.

Doanh thu 8 tháng đầu năm của các cơ sở lưu trú  trên cả nước ước tính chỉ đạt khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các đơn vị kinh doanh thua lỗ, có nguy cơ phá sản, hoặc chuyển sang loại hình kinh doanh khác. Ngoài ra, các sự kiện xúc tiến du lịch năm 2020 như Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam (VITM Hà Nội 2020); các hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia 2020 tại Ninh Bình..đều bị tạm dừng hoạt động.

Hiện tình hình dịch bệnh trên cả nước đã cơ bản được kiểm soát, để kích cầu du lịch nội địa, Bộ VH-TT&DL tiếp tục phát động Chương trình kích cầu du lịch nội địa những tháng cuối năm 2020, với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”. Đối tượng kích cầu là khách du lịch người Việt Nam và người nước ngoài làm việc, sinh sống tại Việt Nam.

Việc phát động thị trường, giới thiệu điểm đến, thu hút khách trên cơ sở liên minh kích cầu giai đoạn trước, khuyến khích hình thành các liên minh kích cầu mới dựa trên sản phẩm phù hợp nhu cầu du lịch tham quan, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ngắn ngày, chăm sóc sức khỏe, du lịch golf và du lịch MICE,...

Chương trình kích cầu du lịch nội địa lần đầu do Bộ VH-TT&DL phát động ngày 8/5/2020 đã mang lại hiệu quả tích cực. Lượng khách du lịch nội địa tăng mạnh trong tháng 5, 6, 7/2020, đạt và vượt so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, từ ngày 25/7/2020, dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại một số địa phương khiến hoạt động du lịch một lần nữa bị ảnh hưởng nặng nề.

Ngoài ra, cần xây dựng những gói sản phẩm kích cầu hấp dẫn về giá, đa dạng về chương trình, đảm bảo chất lượng, uy tín và thương hiệu; đồng thời có những chính sách hoàn hủy, hoán đổi linh hoạt, đảm bảo quyền lợi của khách du lịch.

Cùng với kích cầu du lịch, các địa phương, DN lữ hành cần nghiêm túc thực hiện các hướng dẫn về phòng, chống dịch COVID-19. Khuyến khích du khách, doanh nghiệp thường xuyên cập nhật thông tin về điểm đến an toàn. Ngoài ra, đẩy mạnh truyền thông về du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn, góp phần xóa bỏ tâm lý e ngại đi du lịch trong bối cảnh dịch COVID-19.

Cầu Vàng (Đà Nẵng) là điểm đến yêu thích của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Cầu Vàng (Đà Nẵng) là điểm đến yêu thích của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Kỳ vọng chương trình kích cầu du lịch nội địa lần hai

Trao đổi với báo Nhân dân, ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, chương trình kích cầu du lịch nội địa lần hai sẽ khắc phục một số vấn đề xảy ra ở giai đoạn trước, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân du lịch tới các vùng miền trong cả nước, vừa giúp cộng đồng doanh nghiệp du lịch vượt qua giai đoạn khó khăn, góp phần ổn định phát triển kinh tế, an sinh xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế xã hội.

Có thể kể đến mấy điểm khác trong đợt kích cầu đợt hai như sau: Thứ nhất, bên cạnh đối tượng du khách là người Việt Nam như giai đoạn trước, đợt kích cầu đợt này sẽ chú trọng thêm đối tượng khách là người nước ngoài đang làm việc, sinh sống tại Việt Nam. Đây có thể là những đại sứ du lịch an toàn Việt Nam giới thiệu ra với thị trường khách quốc tế.

Thứ hai, trong đợt này Tổng cục Du lịch nhắm tới việc xây dựng thông điệp du lịch truyền tải phù hợp với bối cảnh chung và riêng của từng địa phương; Thứ ba, Tổng cục Du lịch khuyến khích các địa phương, công ty lữ hành tạo ra sản phẩm có định hướng chủ đạo là ngắn ngày, phù hợp nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch MICE, golf,…

"Chúng tôi mong muốn Liên minh kích cầu thực hiện rõ nét hơn vai trò tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đa dạng. Các địa phương trọng điểm du lịch và doanh nghiệp đầu tàu cũng phải có cam kết và tính đến các chính sách hoãn hủy linh hoạt". - ông Phúc nói.

Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, trong bối cảnh ngành du lịch chịu thiệt hại nặng nề do Covid-19 hiện nay, số lượng nhân sự trong ngành du lịch sụt giảm, nguồn lực và quy mô bị hạn chế, ảnh hưởng tới khả năng cung ứng dịch vụ, nhân lực triển khai hoạt động an toàn.

Ngoài ra, khi triển khai chương trình kích cầu du lịch lần hai, ngành Du lịch cũng phải đối mặt với nhiều thách thức: thời điểm “vàng” của du lịch đã qua ở nhiều tỉnh miền Bắc và miền Trung, tâm lý hạn chế chi tiêu ảnh hưởng lớn tới tiêu dùng du lịch của đại bộ phận người dân, nhu cầu của thị trường giảm sút,…

"Chúng tôi đã nhận được nhiều phản ánh từ các doanh nghiệp du lịch về việc gặp nhiều khó khăn do du khách gây ra như: Một bộ phận khách du lịch do nhận thức chưa đầy đủ nên đã không thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y Tế;  trốn tránh việc khai báo y tế… Do đó, để bảo đảm an toàn cho du khách và cả chính người làm du lịch, ngành du lịch cũng rất cần sự hợp tác cả ở phía du khách". - ông Phúc nói.

Theo nhận định của các chuyên gia, ngành du lịch chỉ có thể phục hồi sau khi có vaccine phòng chống dịch Covid-19 và các hoạt động giao thương kinh tế thế giới trở lại bình thường. Vì vậy hiện chưa thể đưa ra các dự báo chắc chắn về xu hướng du lịch hậu Covid-19 tại Việt Nam.

Tuy nhiên, có thể nói, khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19 đã thay đổi nhu cầu của khách du lịch và dẫn đến nhiều thay đổi về hành vi. Thị trường du lịch được dự đoán sẽ chuyển dịch từ chú trọng tới thị trường du lịch quốc tế sang đẩy mạnh phát triển du lịch nội địa.

Theo đó, khách du lịch sẽ chú trọng hơn tới các yếu tố an toàn sức khỏe, vệ sinh, bảo hiểm du lịch, tránh tiếp xúc đông người, nhu cầu đối với các kỳ nghỉ dưỡng cao cấp ở các không gian mở, biệt lập gia tăng, xu hướng đi du lịch gần, cắt ngắn thời gian các kỳ nghỉ, kế hoạch đi du lịch được xây dựng sát với thời điểm chuyến đi và có thể thay đổi linh hoạt hơn trước.

Thay vì ưu tiên về giá cả, khách hàng sẽ ưu tiên về an toàn và lựa chọn sản phẩm du lịch có chất lượng cao; xu hướng du lịch biển và thiên nhiên tăng lên nhanh chóng; Khách lựa chọn đi ngắn ngày, gần nơi sinh sống và 70% là lựa chọn đi cùng nhóm nhỏ, bạn bè; cuối cùng là xu hướng khách muốn đặt tour trực tiếp với các nhà cung cấp thông qua dịch vụ trực tuyến, trong đó có tới 62,1% muốn đi du lịch tự túc. "Nhu cầu du lịch được dự báo sẽ tăng, mặc dù sẽ ở mức độ tăng chậm trong thời gian tới". - ông Phúc dự báo.

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020, Chính phủ đã yêu cầu một số bộ nghiên cứu xây dựng chương trình này. Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo đảm an toàn; nghiên cứu xây dựng chương trình kích cầu du lịch nội địa với chủ đề du lịch Việt Nam an toàn và hấp dẫn để phục hồi du lịch những tháng cuối năm.

Bộ Lao  động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đồng thời đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng cao góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia, nhất là trong thời kỳ chuyển đổi số.

Các địa phương phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan rà soát, xử lý dứt điểm các vụ việc phức tạp, kéo dài, không để tình trạng khiếu kiện đông người, gây mất an ninh trật tự, nhất là trong thời gian diễn ra kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. 

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức tốt Hội nghị cấp cao ASEAN 37 và các hội nghị, diễn đàn cấp cao liên quan. Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác bảo hộ công dân ở nước ngoài, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19.

Bộ Quốc phòng nắm chắc tình hình, dự báo kịp thời, chính xác các tình huống, nhất là vấn đề biển Đông để có phương án ứng phó phù hợp, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc. Thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng gắn với nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19. 

Bộ Công an theo dõi sát tình hình, chủ động phương án, kế hoạch đấu tranh với các thế lực thù địch, trấn áp các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm sử dụng công nghệ để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tội phạm ma túy, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội. Bảo vệ tuyệt đối an toàn Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 13 và kỳ họp thứ 10 Quốc hội XIV.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông về những kết quả tích cực đạt được trong việc thực hiện ‟mục tiêu kép” và các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Xử lý nghiêm các trường hợp thông tin không đúng sự thật; kịp thời phản bác lại các thông tin, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Cùng các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử theo Nghị quyết số 17/NQ-CP.

Có thể bạn quan tâm

  • Thừa Thiên Huế: Du lịch sẽ sớm phục hồi trở lại

    01:12, 09/10/2020

  • Tương lai nào đang chờ ngành du lịch Việt Nam?

    06:02, 06/10/2020

  • "Điểm sáng" với doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu và lữ hành du lịch

    02:03, 03/10/2020

  • Khi nào du lịch an toàn và hấp dẫn?

    06:35, 29/09/2020

  • Khánh Hòa: Giải pháp phục hồi hoạt động du lịch quốc tế sau dịch COVID-19

    02:31, 30/09/2020

BẢO LAM