Lũ lụt miền Trung: Năng lực dự báo... “có vấn đề”
Cần nâng cao năng lực cảnh báo không chỉ trong xả lũ của các thủy điện.
Ông Lê Minh Nhật, Phó cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai - Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh: Hàng loạt thủy điện phải xả lũ cấp tập, rồi sự cố sạt lở tại công trình thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế), cho thấy có nhiều vấn đề rất đáng quan ngại khi mùa mưa bão lũ đến.
- Việc ngập nặng ở các tỉnh miền Trung ngoài những nguyên nhân khách quan còn do nguyên nhân từ... không bám sát thông tin dự báo về nguy cơ mưa lũ do La Nina và thủy điện cấp tập xả lũ, thưa ông?
Quyết định vận hành các hồ chứa phụ thuộc rất nhiều vào công tác dự báo. Quy trình vận hành liên hồ chứa hiện nay cũng đã được điều chỉnh nhiều lần, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại. Vì vậy, hiện chúng tôi đang rà soát, tổng hợp gửi cơ quan chủ trì, trình Thủ tướng quyết định điều chỉnh lại quy trình cho phù hợp với tình hình thực tiễn để vừa đảm bảo an toàn công trình, an toàn hạ du lại vừa sử dụng được hiệu quả nguồn nước cho thủy điện và sản xuất.
- Nhưng với hiện tượng thời tiết ngày càng cực đoan như hiện nay, giải pháp phải theo hướng nào?
Tư duy mới về “sống chung với lũ” không chỉ là tận dụng lũ mà còn phải "sống chung" với hạn hán, xâm mặn... Tôn trọng quy luật tự nhiên, nhưng cần kéo dài hơn nữa những cảnh báo phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên…
Đơn cử như đối với việc xả lũ, hiện nay, chúng tôi cũng đang áp dụng công nghệ của Nhật Bản để theo dõi giám sát việc vận hành của các hồ chứa theo thời gian thực và có những can thiệp cụ thể cho từng trường hợp.
- Còn tình trạng “lũ chồng lũ” cần những phương án đối phó nào, thưa ông?
Đến nay, Thủ tướng đã ban hành 11 quy trình vận hành liên hồ chứa trên cả nước, là một trong những quy trình bắt buộc các thủy điện phải tuân thủ. Để tránh tình trạng lũ chồng lũ, khi có dự báo mưa lũ lớn, các thủy điện ở miền Trung cùng chính quyền các địa phương phải chủ động rà soát, quyết định phương án xả lũ thích hợp để không gây nguy hiểm cho an toàn hồ đập và làm tăng ngập lụt cho hạ du khi mưa lũ lớn.
- Nhưng vẫn cần có những giải pháp lâu dài, thưa ông?
Đầu tiên, tính đối phó với loại hình thiên tai lũ, lũ quét, vẫn còn chưa được cao, đặc biệt trong công tác dự báo, trong khi đây là loại hình thiên tai khi xuất hiện gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Công tác dự báo, định lượng mưa vẫn đang là thách thức của phòng chống thiên tai Việt Nam, một số công tác còn gặp nhiều khó khăn.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Tạm cấp 500 tỷ đồng hỗ trợ khẩn cấp các tỉnh miền Trung
09:00, 24/10/2020
Lũ lụt miền Trung: Ăn của rừng rưng rưng nước mắt...
11:00, 23/10/2020
Lũ lụt miền Trung: Thiên tai hay nhân họa?
11:05, 22/10/2020
ĐIỂM BÁO NGÀY 21/10: Lũ lụt miền Trung - sống chung với những bất thường
06:15, 21/10/2020