Dốc toàn lực ứng phó bão số 9 giật cấp 17
Sáng nay (27/10), bão số 9 với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 17 đang tiến dần vào đất liền từ TP Đà Nẵng đến Phú Yên gây sóng to, gió lớn.
Bản tin mới nhất ngày 27/10 của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hồi 04 giờ ngày 27/10, vị trí tâm bão ở khoảng 13,7 độ Vĩ Bắc; 115,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 320km về phía Bắc Đông Bắc.
Bão số 9 có khả năng mạnh thêm
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km và có khả năng mạnh thêm. Đến 04 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão ở khoảng 14,6 độ Vĩ Bắc; 110,3 độ Kinh Đông trên vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 17.
Bão số 9 có khả năng mạnh thêm trong 24 giờ tới.
Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 11,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 118,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Dự báo, trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 04 giờ ngày 29/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở 15,4 độ Vĩ Bắc; 104,8 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực phía Đông Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 ( dưới 40km/giờ).
Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa và vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12-14, giật cấp 17; sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội.
Từ trưa và chiều nay (27/10), vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-11, sau tăng lên cấp 12-13, giật cấp 15; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6-8m. Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió đông bắc cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m.
Khu vực ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-1,5m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.
Gió mạnh trên đất liền: Bão bắt đầu gây gió mạnh trên đất liền từ tối và đêm nay (27/10); thời gian có gió mạnh nhất trên đất liền từ sáng sớm đến chiều tối ngày 28/10. Các tỉnh/thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11; riêng đất liền ven biển các tỉnh/thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15. Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10.
Từ đêm 27/10 đến ngày 29/10, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; Bắc Tây Nguyên 100-200mm/đợt. Từ 28-31/10 khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; riêng Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có lượng mưa phổ biến 500-700mm/đợt. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 9: cấp 4.
Dốc toàn lực ứng phó
Để ứng phó với cơn bão số 9, tại cuộc họp trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai với các tỉnh miền Trung ngày 26/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo tập trung tối đa cho công tác ứng phó.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương không được mất cảnh giác, chủ quan mà tập trung tối đa cho công tác ứng phó để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người, tài sản. Công tác ứng phó bão đảm bảo an toàn cho người ở các tàu, thuyền trên biển, nơi tránh trú bão và đặc biệt trên các lồng, bè khi bão đổ bộ vào khu vực diện tích nuôi trồng rất lớn.
Thủ tướng cũng lưu ý ngay sau bão là ứng phó với mưa lũ khi hiện tại các sông miền Trung đã đầy nước, mưa lớn trở lại lũ lên nhanh, ngập lụt diện rộng uy hiếp đến tính mạng người dân. Theo đó, quân đội và công an phải có lực lượng thường trực, hỗ trợ các địa phương ứng cứu người dân. Đối với các tỉnh miền Trung, Thủ tướng yêu cầu triển khai các phương án sơ tán người dân ở vùng nguy hiểm đến khu vực an toàn.
Ngày 26/10, Trung tâm quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cho biết đến cuối giờ chiều cùng ngày, lực lượng hải quân, biên phòng, cảnh sát biển, phòng không - không quân đã huy động gần 8.000 cán bộ, chiến sĩ và 354 ô tô, phương tiện các loại. Trong đó, Quân chủng Hải quân huy động 7 máy bay; 50 tàu chuyên dụng của hải quân, biên phòng, cảnh sát biển và 105 tàu, xuồng, ca nô cũng đã trực sẵn sàng triển khai ứng phó bão số 9 và cứu hộ cứu nạn.
Cũng trong ngày 26/10, Bộ Quốc phòng đã có Công điện số 72 gửi các đơn vị quân đội trong toàn quân yêu cầu duy trì nghiêm chế độ trực, thường xuyên cập nhật, nắm chắc diễn biến bão số 9, mưa lũ do hoàn lưu sau bão. Bộ Quốc phòng yêu cầu các đơn vị chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư tại nơi xung yếu; sẵn sàng xử lý các tình huống khẩn cấp và ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố trong mưa bão.
Tối 26/10, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề nghị Chủ tịch UBND TP ban hành lệnh thông báo về việc cấm người dân và các phương tiện không được lưu thông trên đường từ tối nay (27/10).
"Sau khi đảm bảo các điều kiện thì UBND TP lựa chọn một thời điểm cụ thể để yêu cầu rõ người dân không được đi ra đường. Các phương tiện không được lưu thông trừ các phương tiện đang làm nhiệm vụ. Trên cơ sở đó mới có thể kiểm soát tốt tình hình”, ông Quảng nhấn mạnh.
Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng cũng đề nghị lập danh sách lực lượng ứng trực các địa phương và lực lượng cứu hộ để khi xảy ra các tình huống thì có đầu mối chỉ đạo. Các địa phương tại Đà Nẵng cũng đã rà soát, lên danh sách và lập kế hoạch sơ tán theo phương án. Dự kiến số lượng sơ tán đối với kịch bản bão gió cấp 8 - 11 là hơn 72.000 người; dự kiến số lượng sơ tán đối với kịch bản bão gió cấp 12 - 13 là gần 141.000 người. Theo công điện của UBND TP.Đà Nẵng, trước 15 giờ hôm nay, công tác chống bão số 9 sẽ phải hoàn thành.
Có thể bạn quan tâm
Ứng phó bão số 9: Đà Nẵng di tản dân cư, học sinh nghỉ học
15:48, 26/10/2020
Bão số 9 mạnh thêm, tỉnh Quảng Nam khẩn trương sơ tán dân, kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền
10:31, 26/10/2020
Bão số 9 mạnh thêm, Quảng Nam phát công điện khẩn
10:04, 26/10/2020
Bình Thuận: Hơn 1000 hecta Thanh Long bị ngập úng sau bão số 9
01:56, 28/11/2018
TP.HCM: Hoạt động nhiều doanh nghiệp bị đình trệ vì bão số 9
11:30, 27/11/2018