Ứng phó bão số 9: Thủ tướng thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương để chỉ đạo ứng phó bão số 9.
Thành phần Ban Chỉ đạo tiền phương gồm: Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn làm Trưởng ban.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai làm Phó Trưởng ban.
Các thành viên gồm đại diện lãnh đạo các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Xây dựng và Văn phòng Chính phủ.
Ban Chỉ đạo tiền phương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương triển khai công tác ứng phó với bão số 9 một cách hiệu quả nhất nhằm giảm thiểu thiệt hại, thường xuyên cập nhật tình hình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối họp với Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và các Bộ, ngành liên quan chuẩn bị hậu cần, bố trí trang thiết bị, phương tiện, thông tin liên lạc bảo đảm cho hoạt động của Ban Chỉ đạo tiền phương trong mọi tình huống.
Ban Chỉ đạo tiền phương tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Trước đó, để ứng phó với cơn bão số 9, tại cuộc họp trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai với các tỉnh miền Trung ngày 26/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo tập trung tối đa cho công tác ứng phó.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương không được mất cảnh giác, chủ quan mà tập trung tối đa cho công tác ứng phó để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người, tài sản. Công tác ứng phó bão đảm bảo an toàn cho người ở các tàu, thuyền trên biển, nơi tránh trú bão và đặc biệt trên các lồng, bè khi bão đổ bộ vào khu vực diện tích nuôi trồng rất lớn.
Thủ tướng cũng lưu ý ngay sau bão là ứng phó với mưa lũ khi hiện tại các sông miền Trung đã đầy nước, mưa lớn trở lại lũ lên nhanh, ngập lụt diện rộng uy hiếp đến tính mạng người dân. Theo đó, quân đội và công an phải có lực lượng thường trực, hỗ trợ các địa phương ứng cứu người dân. Đối với các tỉnh miền Trung, Thủ tướng yêu cầu triển khai các phương án sơ tán người dân ở vùng nguy hiểm đến khu vực an toàn.
Ngày 27/10, tỉnh Quảng Nam phát công điện khẩn để triển khai công tác ứng phó với bão số 9. Theo đó, tỉnh Quảng Nam đình hoãn các cuộc họp không liên quan đến công tác chỉ đạo phòng, chống bão, lũ cho đến khi bão tan. Lãnh đạo các Sở, Ban, ngành, thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp tổ chức đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác ứng phó theo địa bàn đã được phân công.
Tại công điện, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị, Sở, ngành liên quan rà soát phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống, sự cố bất thường. Tập trung kiểm tra, rà soát ngay các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân của các đơn vị, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt sâu để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước.
Yêu cầu lực lượng Sở Giao thông vận tải, lực lượng Cảnh sát giao thông bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn. Kiên quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực ngập sâu, nguy hiểm, nơi dễ sạt lở đất.
Cũng trong ngày 27/10, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã có công văn khẩn gửi UBND các quận huyện, đơn vị khẩn trương thực hiện công tác ứng phó.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố tổ chức kiểm tra tình hình triển khai công tác ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nhằm bảo đảm công tác ứng phó bão số 9 an toàn cao nhất cho người dân và lực lượng ứng cứu. Khi bão đến tất cả phải tránh trú an toàn, đảm bảo an toàn cho nơi di dân đến. Lực lượng chức năng chỉ ra ngoài làm nhiệm vụ và ứng cứu khi có lệnh của người có thẩm quyền.
Đồng thời, thành phố yêu cầu tuyệt đối không để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, trên tàu, thuyền neo đậu, trong các lán trại công trình đang xây dựng bắt đầu từ 18 giờ 00 phút ngày 27/10. Yêu cầu người dân rời khỏi các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, đá. Đối với các trường hợp không chấp hành thì tiến hành cưỡng chế và xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Song song, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 20 giờ 00 phút ngày 27/10 cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (kể cả trong khu công nghiệp, công nghệ cao) nghỉ làm việc trong ngày 28/10 (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt).
Hiện người dân cùng các đơn vị, lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng đang khẩn trương triển khai công tác kiên cố nhà cửa, giằng chống các kiến trúc xây dựng. Thành phố Đà Nẵng cũng đã lên phương án di tản người dân tại các vùng trũng thấp đến nơi an toàn, giảm thiệt hại do bão gây ra đồng thời vẫn tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Hồi 10 giờ ngày 27/10, vị trí tâm bão ở khoảng 13,4 độ Vĩ Bắc; 113,8 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 220km về phía Bắc Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Đến 10 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão ở 14,8 độ Vĩ Bắc; 108,8 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền từ Quảng Nam đến Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-115km/giờ), giật cấp 15. Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 11,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 116,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 22 giờ ngày 29/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa và vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12-14, giật cấp 17; sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội. Từ chiều nay (27/10), vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-11, sau tăng lên cấp 12-13, giật cấp 16; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6-8m. Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió đông bắc cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m. Khu vực ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-1,5m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi. Gió mạnh trên đất liền: Bão bắt đầu gây gió mạnh trên đất liền từ tối và đêm nay (27/10); thời gian có gió mạnh nhất trên đất liền từ sáng sớm đến chiều tối ngày 28/10. Các tỉnh/thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11; riêng đất liền ven biển các tỉnh/thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15. Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10. Từ đêm 27/10 đến ngày 29/10, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; Bắc Tây Nguyên 100-200mm/đợt. Từ 28-31/10 khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; riêng Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có lượng mưa phổ biến 500-700mm/đợt. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 9: cấp 4. |
Có thể bạn quan tâm
Ứng phó với bão số 9: Người dân Quảng Nam hối hả chằng chống nhà cửa
12:40, 27/10/2020
Ứng phó bão số 9: Đà Nẵng yêu cầu người dân không ra khỏi nhà từ 20 giờ hôm nay (27/10)
10:00, 27/10/2020
Dốc toàn lực ứng phó bão số 9 giật cấp 17
06:25, 27/10/2020
Ứng phó bão số 9: Quảng Nam sơ tán dân, kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền
05:00, 27/10/2020