Biển Hội An hoang tàn (Bài 3): Loay hoay “chống đỡ”
Đến thời điểm hiện tại, thành phố Hội An vẫn đang loay hoay tìm giải pháp ngăn chặn việc sạt lở bờ biển về sau.
Đã 10 năm Hội An thực hiện việc kè biển, hơn 250 tỷ đồng đổ xuống nhưng việc sạt lở vẫn tiếp diễn và ngày càng nghiêm trọng hơn.
Chỉ biết “cố thủ”
Những năm gần đây, do hậu quả của biến đối khí hậu, thời tiết cực đoan, khu vực bờ biển Cửa Đại và Cẩm An - TP. Hội An bị sạt lở nghiêm trọng, có nơi bị ăn sâu vào đất liề hàng trăm mét, làm hư hỏng nhiều công trình hạ tầng, đặc biệt là các khu du lịch ven biển. Nguy cơ đe dọa đến tính mạng con người và tài sản của nhân dân.
Thành phố Hội An đã huy động mọi nguồn lực có thể để giữ lấy bờ biển. Trong đó, nhiều doanh nghiệp ven biển cũng đã tự mình thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ tài sản. Tuy nhiên, với sức lực có hạn, các doanh nghiệp vẫn cần được thành phố hỗ trợ.
Ông Nguyễn Thành Sang – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phước Thịnh - Palm Garden Resort cho biết, phía doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc gia cố bờ biển. Thời gian tới, mối đe dọa vẫn còn đó nên ông tiếp tục đề nghị thành phố cho triển khai thêm phương án kè chắn nhưng chưa được thông qua.
“Bản thân doanh nghiệp đã chi hàng chục tỷ đồng để kè chắn khi đường ra biển bị sạt lở hơn 100 m. Việc kinh doanh bị thiệt hại nặng nề cả trước mắt lẫn lâu dài. Cần sớm có giải pháp để bảo vệ tài sản của doanh nghiệp và nhân dân, giữ lại tài nguyên du lịch cho thành phố.” Ông Nguyễn Thành Sang thông tin.
Bà Trần Hạnh An – Chủ hộ kinh doanh ven biển nhìn nhận rằng, khi kinh doanh phát triển thì các doanh nghiệp sẽ ngày càng tiến sát ra biển. Cho nên, thành phố Hội An cần tuyên truyền để các doanh nghiệp kinh doanh hiểu, ngưng việc lấn sát ra biển để bảo toàn tài sản của mình.
Bà An cho biết, các chủ hộ kinh doanh ven biển đã cùng ngồi lại với nhau để bàn phương án kè biển bằng những giải pháp truyền thống như đóng cọc tre, sử dụng bao chứa cát,... để “cố thủ”. Tuy nhiên, vì kinh phí và nguồn lực hạn chế nên việc triển khai kè chắn vẫn chưa được đồng bộ, dẫn đến thiếu hiệu quả.
“Những khó khăn về việc nhân công và điều kiện thi công vô cùng khó và chưa có phương án thiết kế tổng thể, phương án lâu dài và thiết kế tổng thể rất là quan trọng và chưa đạt được hiệu quả về việc mỹ quan. Thời gian thi công gấp rút và vật liệu chưa thân thiện có thể dẫn đến một bãi rác khổng lồ trên biển. Chúng tôi nhận ra những khó khăn như vậy và mong muốn được hỗ trợ đểthực đồng bộ, tránh để lại những hệ quả không đáng có.” Bà Trần Hạnh An nói.
Cần một giải pháp đồng bộ, lâu dài
Có thể nói, việc chỉnh trị bờ biển tránh khỏi sạt lở phải cần vận dụng kiến thức sâu rộng. Hiện tại, bờ biển bị sạt lở tại những địa điểm trước đây con người không thấy nên không chuẩn bị kè chắn. Hoặc tại những điểm đã được kè chắn nhưng chưa chắc chắn, bền vững.
Dễ dàng nhìn thấy, việc hư hại, sạt lở bờ biển là theo di truyền, các vệt sạt lở sẽ nối theo nhau kéo dài. Việc cần thiết lúc này là phải có phương án chỉnh trị toàn bộ đường bờ biển. Nếu như không có một giải pháp đồng bộ thì chỉ việc chỉnh trị chỉ ngăn ngừa được những tác hại trung bình. Và mỗi khi thiên tai xảy ra thì chắc chắn hậu quả sẽ đến.
Có lẽ, thành phố Hội An cần chia lại cả đoạn bờ biển, tại những đoạn chưa gia cố cần tổ chức gia cố, và phải gia cố thật chắc chắn vì tương lai sẽ có nhiều cơn bão lớn. Những đoạn gia cố chưa đủ độ bền vững thì phải gia cố lại. Đối với những đoạn không thể “thoái lui”, thiết nghĩ thành phố nên tính đến phương án thực hiện giải pháp công trình, xây dựng kè cứng để bảo vệ các cơ sở hạ tầng bên trong.
Liên quan đến vấn đề này, ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thông tin, hiện nay tỉnh Quảng Nam đang thử nghiệm làm kè phá sóng cách xa bờ biển 250 mét và âm dưới nước 150 mét. Dự án tiếp theo khoảng 300 tỷ đồng sẽ tiếp tục kè ra phía Palm Garden Resort, vào quý I năm 2021 sẽ thi công.
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã làm việc với Bộ Giao thông vận tải, cam kết sẽ khơi thông dòng chảy Cửa Đại trong thời gian tới. Còn lại một dự án 1000 tỷ đồng chủ yếu làm từ phía kè về cửa sông, chỉnh trị dòng sông là chính, nếu được thì 2022 mới bắt đầu.
“Hiện nay tỉnh rất quan tâm đến việc kè biển Hội An. Phải làm đồng bộ cứng hoặc mềm, không thể làm như kiểu răng cưa được. Phải giữ lại được bãi cát. Có thể cứng hóa khu vực đường đi lại và khu vực An Bàng đi ra. Nguồn lực có thể lấy từ TP. Hội An là chính và phần hỗ trợ của tỉnh. Đặc biệt là sự hỗ trợ của người dân và doanh nghiệp.” Ông Hồ Quang Bửu nói.
Tuy nhiên, theo ông Bửu cần phải có một thời gian nhất định để sớm triển khai phương án kè chắn. Nhiều cửa biển đã được kè rồi lại sạt, đó là vấn đề nan giải. Thành phố Hội An có thể trưng cầu ý tưởng doanh nghiệp để cùng tìm cách “cứu” biển.
“Hiện tại, thành phố phải tìm cách giữ lại bờ biển và chỉnh trị dòng chảy như thế nào cho hợp lý.” Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói thêm.
Ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP. Hội An nhận định việc giữ bờ biển về lâu dài phải có phương án công trình. Ông Sơn thông tin trước mắt sẽ không làm hết toàn tuyến, nhưng trong năm tới phải làm ít nhất được vài kilomet. Một mặt nên kết hợp giải pháp công trình và mềm tại nhiều khu vực khác nhau.
“Nhiều khu không nghiêm trọng có thể sử dụng giải pháp chống đỡ, còn các khu vực không thể chống đỡ được phải làm ngay, nếu cứ thử nghiệm thì không thể bảo vệ được tài sản của doanh nghiệp. Tốn bao nhiêu tiền cũng phải cứu bằng được biển Hội An”. Ông Nguyễn Văn Sơn khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Biển Hội An hoang tàn (Bài 2): Hệ lụy từ đâu?
05:00, 25/11/2020
Biển Hội An hoang tàn (Bài 1): Sống chung với nỗi lo sợ
05:00, 24/11/2020
Người Hội An bàng hoàng khi biển lại sạt lở nghiêm trọng
14:03, 15/11/2020
Toàn bộ bờ biển của Hội An bị sạt lở nghiêm trọng
12:43, 15/11/2020