Mức phạt “khuyến khích những kẻ bệnh hoạn”
Hành vi sàm sỡ chỉ xuất hiện ở những kẻ bệnh hoạn. Phải có biện pháp để ngăn chặn những kẻ biến thái ấy và một cách thiết thực nhất chỉ có thay đổi quy định, luật lệ mới làm được điều đó.
Dư luận phẫn nộ khi đón nhận tin tức một người đàn ông nước ngoài vỗ mông một người phụ nữ Việt trong thang máy tại một chung cư T.S.A (quận 2, TP.HCM). Tuy nhiên, đáng nói sau đó, người đàn ông ấy cũng chỉ bị phạt 200.000 đồng về hành vi Vi phạm quy định về trật tự công cộng.
Theo đó, mức phạt dành cho người này chỉ 100.000-300.000 đồng theo Nghị định 167/2013. Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó. Nghĩa là một người thực hiện hành vi sàm sỡ, quấy rối người khác chỉ bị phạt ở mức trung bình là 200.000 đồng.
Trước đó, nhiều đối tượng thực hiện hành vi cưỡng hôn, quấy rối tình dục đã bị xử phạt 200.000 đồng như: Nữ sinh bị cưỡng hôn trong thang máy chung cư Golden Palm; Sự việc một người phụ nữ ngồi trên xe buýt tuyến 103A, hướng Mỹ Đức đi Bến xe Mỹ Đình bị một người đàn ông sờ ngực 3 lần;…v..v.
Một nghịch lý tồn tại khá lâu là đang không có quy định nào của pháp luật cho đó là quấy rối tình dục để có mức phạt tương xứng. Hiện chỉ mới có khái niệm “quấy rối tình dục tại nơi làm việc” được nêu trong Bộ luật Lao động năm 2012 nhưng như thế nào là quấy rối tình dục thì chẳng rõ.
Đối chiếu kỹ lưỡng nội dung quy định của điều khoản, các thủ phạm không phải có “cử chỉ, lời nói khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm…” mà là đã có hành động xúc phạm. Theo đó, không thể không phạt, nhưng lại không có quy định nào thích hợp hơn để phạt, nếu phải trách thì trách luật của chúng ta đang thiếu.
Tức là, việc xử phạt theo đồng Nghị định 167/2013 đã bộc lộ nhiều bất cập khi nhiều trường hợp quấy rối tình dục có mức độ nghiêm trọng vượt xa các hành vi có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác theo Nghị định.
Nói vậy để thấy phạt 200.000 đồng với bất kỳ ai có hành vi quấy rối tình dục đều là không tôn trọng nhân phẩm và danh dự của người phụ nữ bị xâm hại. Nhìn dưới góc độ bình đẳng giới, cách vận dụng quy định pháp lý và mức phạt hiện hành là chưa công bằng với phụ nữ bởi hầu hết nạn nhân của hành vi này là phụ nữ.
Hơn thế, mức phạt này có thể “truyền cảm hứng” cho bất kỳ đối tượng xấu nào đang có ý định quấy rối tình dục. Chỉ bị phạt 200.000 đồng khiến người có hành vi quấy rối tình dục xem thường pháp luật, đồng thời mức phạt trên không có tác dụng răn đe nhằm phòng ngừa từ xa để bảo vệ phái yếu.
Nói cách khác, mức phạt ấy dường như “khuyến khích” những kẻ bệnh hoạn. Dù cho dư luận có ồn ào, giận dữ và bức xúc nhưng với mức răn đe như vậy thì một thời gian rồi đâu lại vào đấy. Và thậm chí lại xuất hiện hành vi tương tự, có khi trắng trợn, thách thức hơn như vụ ở quận 2 mới đây.
Vì thế, có nhiều người ta cứ ví von: “Nếu bỏ ra 1.000.000 đồng mà được cưỡng hôn năm cái hay sàm sỡ năm người phụ nữ thì cũng đáng đồng tiền”. Xin đừng bao biện là do luật định thế rồi không thể khác. Luật do con người làm ra và hoàn toàn có thể sửa đổi như việc hôn vào môi bé gái đã có thể là tội dâm ô..v..v.
Một vấn đề đặt ra ở đây là: Tại sao không mang khẩu trang – một việc có khi vô ý lại phạt đến 3 triệu đồng, đi vệ sinh bậy cũng phạt đến 2 triệu đồng, nhưng sàm sỡ phụ nữ hoàn toàn cố ý như thế lại chỉ có 200.000 đồng. Số tiền có khi chưa bằng tiền bo sau một chầu nhậu, số tiền như xát thêm muối vào nỗi đau, chua xót của những phụ nữ bị hại.
Đến lúc phải có quy định riêng về hành vi vi phạm này, nhất là khi ai nấy đều cùng xác định quấy rối tình dục là một tệ nạn nhức nhối của xã hội hiện đại. Phải đấu tranh và đòi hỏi mạnh mẽ nhất thay vì im lặng để không còn những cú vỗ mông 200.000 đồng cợt nhả, bỉ bôi thân phận phụ nữ nước nhà.
Cũng hay là Luật Xử lý vi phạm hành chính vừa được Quốc hội thông qua quy định mức phạt 30 triệu đồng cho hành vi quấy rối, sàm sỡ phụ nữ, trẻ em. Nhưng quy định này đến đầu năm 2022 mới có hiệu lực.
Dẫu vậy, 2 năm chờ luật mới, đồng nghĩa với việc có thể vẫn còn những hành động bỉ bôi, sỉ nhục phụ nữ “bằng 200.000 đồng”. 2 năm này quả thật quá dài để điều chỉnh hành vi “không thể chấp nhận được”.
Có thể bạn quan tâm
“Quấy rối tình dục phạt 200.000 đồng, đổi 1 USD phạt 90 triệu’
17:05, 25/03/2019
Nhân phẩm của con người đáng giá 200 nghìn?
11:00, 19/03/2019