Vắc xin COVID-19 Việt Nam có giá dự kiến hơn 200.000 đồng/2 liều

BẢO LAM 08/12/2020 14:30

Đại diện Công ty Nanogen cho biết, đơn vị sẽ cố gắng phối hợp với các cơ quan liên quan để đưa vắc xin vào danh mục thuốc bảo hiểm y tế nên mức giá dự kiến là hơn 200.000 đồng/2 liều.

Với việc chính thức tiêm thử nghiệm trên người, vắc xin Covid-19 do Việt Nam sản xuất được kỳ vọng ra thương phẩm vào giữa năm 2021.

Với việc chính thức tiêm thử nghiệm trên người, vắc xin COVID-19 do Việt Nam sản xuất được kỳ vọng ra thương phẩm vào giữa năm 2021.

Chỉ còn 2 ngày nữa, chương trình thử nghiệm vắc xin COVID-19 của Việt Nam sẽ chính thức bắt đầu. Hiện tại, điều mà dư luận quan tâm đó là mức giá cho 2 mũi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của Việt Nam trị giá bao nhiêu tiền?

Theo dự kiến, sẽ có khoảng 40 tình nguyện khỏe mạnh sẽ được tiêm thử nghiệm những mũi vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên. Đây là một bước tiến đáng ghi nhận trong hành trình sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 tại Việt Nam.

Đại diện Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen - nhà sản xuất vắc xinNanocovax, cho biết, trường hợp đưa vào đại trà, đơn vị này có thể sản xuất được 2 triệu liều/năm ở giai đoạn đầu. Sau đó, trong quá trình vận hành, công suất sẽ được nâng lên mức 30-50 triệu liều/năm.

Vắc xin COVID-19 của Việt Nam có thể bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh thông thường (2-8 độ C), thay vì ở nhiệt độ từ -50 đến -80 độ C như vắc xin của một số nước trên thế giới.

"Đơn vị sẽ cố gắng phối hợp với các cơ quan liên quan để đưa vắc xin vào danh mục thuốc bảo hiểm y tế nên mức giá dự kiến 200.000 đồng/2 liều. Mỗi người sẽ tiêm 2 mũi, cách nhau 28 ngày. Đây là dạng vắc xin cúm, có tác dụng miễn dịch trong vòng một năm". - Đại diện Công ty Nanogen cho biết thêm.

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), Chánh Văn phòng Chương trình Quốc gia nghiên cứu phát triển vắc xin, cho biết, vắc xin COVID-19 được thử nghiệm trên người lần này do Công ty Nanogen (TP.HCM) nghiên cứu phát triển.

Trong giai đoạn thử nghiệm, người tình nguyện bắt buộc phải được sàng lọc và phải đảm bảo có sức khỏe tốt. Không mắc các bệnh mãn tính, các bệnh truyền nhiễm...

Dự kiến đến ngày 17/12 sẽ bắt đầu tiêm mũi tiêm thử nghiệm chính thức đầu tiên. Những người tham gia vào cuộc thử nghiệm đầu tiên dự kiến trong độ tuổi từ 18-40, khỏe mạnh, không có bệnh mãn tính, cơ địa dị ứng cũng như không trong quá trình điều trị trong các cơ sở y tế...

Giai đoạn 1 tiến hành tiêm thử nghiệm vắc xin COVID-19 trên người, dự kiến số lượng khoảng 40-60 người, với các mức liều khác nhau để xác định tính an toàn cho các mức liều tương ứng. Trên cơ sở đó mới kết luận ở mức liều nào thì có độ an toàn cao nhất.

Giai đoạn 2 dự kiến vào tháng 3/2021 nghiên cứu trên số lượng rộng hơn (tối thiểu 400 người) để tiếp tục đánh giá độ an toàn và tính sinh miễn dịch. Trên cơ sở kết quả giai đoạn 2, đơn vị nghiên cứu sẽ chuyển sang giai đoạn 3 với cỡ mẫu khoảng 10.000 người hoặc vài chục ngàn người.

"Công nghệ sản xuất vắc xin của Nanogen dựa trên phương pháp protein tái tổ hợp, sau đó can thiệp vào gen để sản sinh kháng thể. Phương pháp này khác với việc dùng kháng thể (virus bất hoạt hoặc virus sống giảm độc lực), do đó các nhà khoa học đánh giá là an toàn" - ông Quang nhận định.

Cho ý kiến thêm về vấn đề này, ông Hồ Nhân, nhà sáng lập, Tổng giám đốc Công ty Nanogen, cho biết sẽ mất khoảng 6 tháng để thử nghiệm lâm sàng, dự kiến đến tháng 5/2021 có thể đưa vào tiêm chủng.

“Nhưng cũng không loại trừ nếu dịch bùng phát thì Thủ tướng có thể cho kích hoạch tiêm sớm hơn. Trước mắt, công suất nhà máy có thể làm 30 triệu liều vắc xin COVID-19 tiêm mỗi năm và giá thành ước khoảng 200.000 đồng/2 liều tiêm cách nhau nửa tháng”, ông Nhân nói.

Vắc xin COVID-19 là dự án khoa học công nghệ cấp quốc gia, do Bộ Y tế đặt hàng, đáp ứng tình trạng khẩn cấp quốc gia, sử dụng cho cộng đồng nên giá thành không chỉ do một mình nhà sản xuất quyết định.

Nanogen thực hiện nghiên cứu và sản xuất vắc xin độc lập, kinh phí đầu tư ban đầu đều do công ty tự chi phí. Công ty chỉ nhập khẩu bộ hóa chất kiểm nghiệm để kiểm nghiệm sản phẩm tinh khiết hay không và hiệu quả đến đâu, còn lại các nguyên liệu bào chế vaccine Nanogen đều tự sản xuất. 

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định: “Bộ Y tế sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sản xuất vắc xin, bao gồm việc cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính và sẽ giải quyết nhanh việc đăng ký, cấp phép sản phẩm, nhưng vẫn đảm bảo an toàn. Bộ Y tế sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư cho các đơn vị sản xuất vắc xin, đồng thời phối hợp các đơn vị liên quan để hỗ trợ các đơn vị có thể tiếp cận được nguồn vốn cho việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin COVID-19”.

Có thể bạn quan tâm

  • Việt Nam thử nghiệm vắc xin COVID-19 từ ngày 10/12

    04:00, 06/12/2020

  • Người Mỹ có thể bắt đầu tiêm vắc xin COVID-19 trước Giáng sinh

    05:00, 03/12/2020

  • Mỹ, Đức và Anh bắt đầu tiêm chủng vắc xin COVID-19 vào tháng 12

    14:44, 23/11/2020

  • “Đại công" của Donald Trump trong phát triển vắc xin COVID-19

    05:00, 18/11/2020

  • Dự kiến Việt Nam sẽ sản xuất vắc xin COVID-19 vào năm 2022

    06:40, 12/11/2020

BẢO LAM