Cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ động vật hoang dã

CẨM ANH 16/12/2020 05:15

Việc Mỹ và nhiều nước châu Âu liên tiếp phát hiện các trường hợp đột biến của chủng virus SARS-CoV-2 đang làm giới khoa học lo ngại về một đợt dịch mới.

Buôn bán động vật hoang dã được xem là một trong những nguyên nhân gây lây lan dịch COVID-19.

Buôn bán động vật hoang dã được xem là một trong những nguyên nhân gây lây lan dịch COVID-19.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, mối liên hệ giữa đại dịch COVID-19 với việc buôn bán trái phép động vật hoang dã đã thu hút nhiều sự chú ý và đây được coi là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc dịch bệnh lây lan nhanh chóng giữa các quốc gia.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết họ đã xác nhận trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên ở động vật hoang dã thả rông là một con chồn. Đây không phải lần đầu tiên các chuyên gia lo ngại về vấn đề lây nhiễm COVID-19 từ động vật hoang dã.

Mặc dù cho đến nay chưa có bằng chứng cho thấy những con chồn lây virus cho nhau trong điều kiện hoang dã, tuy nhiên việc phát hiện cá thể chồn hoang dã nhiễm COVID-19 đang làm tăng lo ngại nguy cơ khó kiểm soát việc lây bệnh từ động vật sang người.

Trước đó, các cảnh báo đã được đưa ra khi có nghiên cứu chỉ ra rằng có tới 850.000 virus chưa được phát hiện ẩn náu trên các loài chim và động vật có vú, một ngày nào đó có thể lây nhiễm sang con người nếu không hành động để bảo vệ thế giới hoang dã.

Một trong những tài liệu nghiên cứu chi tiết nhất của hai nhà nghiên cứu Decaro và Lorusso được công bố trong năm nay cho rằng dơi và động vật gặm nhấm như tê tê là những vật chủ của chủng chính gây dịch bệnh COVID-19, trong khi một số loài chim là vật chủ của những phân họ Coronavirus khác.

Dơi vật chủ chính gây dịch bệnh COVID-19.

Dơi vật chủ chính gây dịch bệnh COVID-19.

Căn cứ vào một số nghiên cứu liên quan và các kênh lây lan từ động vật sang người, điều quan trọng cần lưu ý rằng những người tiếp xúc thường xuyên với động vật hoang dã có khả năng nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều hơn. Thậm chí, rủi ro lây lan này đang ngày càng gia tăng với ít nhất 5 loại bệnh mới xuất hiện ở người hàng năm và bệnh nào cũng có nguy cơ biến thành đại dịch.

Hiểu được điểm xuất phát cuối cùng sẽ giúp thực hiện các biện pháp giảm thiểu để ngăn chặn các đại dịch như COVID-19 trong tương lai. Theo các chuyên gia phân tích, có thể tận dụng dịch COVID-19 như một cơ hội để hướng đến những lựa chọn sinh kế nhân đạo và bền vững hơn; đồng thời hướng đến việc ngăn chặn dịch bệnh có nguồn gốc động vật ngay từ đầu hơn là đối phó bằng các biện pháp y tế và vắc xin mới.

Mặc dù vậy, cho đến nay, các chính sách hạn chế tiêu thụ thịt động vật hoang dã tại nhiều quốc gia đều chưa hoàn chỉnh để có thể hạn chế hoạt động này. Việc áp đặt lệnh cấm toàn diện đối với các chợ động vật hoang dã được đẩy mạnh như một cách giảm thiểu khả năng bùng phát dịch bệnh COVID-19 hoặc ngăn ngừa đại dịch khác do các bệnh lây truyền từ động vật gây ra.

Tuy nhiên, theo góc nhìn của một số nhà sinh thái học, việc buôn bán gia súc, động vật hoang dã và sản phẩm từ động vật là một quá trình phức tạp, nhưng nếu như điều này được hợp pháp hóa thì nó mới bị ràng buộc bởi các quy tắc của các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động vật của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Hiện nay các quy định liên quan đến sự dịch chuyển của động vật hoang dã cũng như các hướng dẫn chi tiết về những điều tương tự được đưa ra bởi Công ước Quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), Công ước Đa dạng Sinh học (CBD) và Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN) đều đã và đang góp phần giảm thiểu buôn bán động vật hoang dã thành công, nhưng điều này vẫn đang đòi hỏi những nỗ lực thực thi đáng kể ở cấp địa phương và quốc gia cùng với sự hợp tác xuyên quốc gia.

Về cơ bản, như nhà sinh thái Guy Poppy bình luận, “COVID-19 đã khiến sự liên kết giữa sức khỏe hành tinh và sức khỏe con người ngày một rõ rệt hơn bao giờ hết. Nếu chúng ta định duy trì sức khỏe con người, chúng ta cũng phải đảm bảo sức khỏe hành tinh".

Có thể bạn quan tâm

  • Đồ cũ Nhật Bản “lên ngôi” trong đại dịch COVID-19

    Đồ cũ Nhật Bản “lên ngôi” trong đại dịch COVID-19

    00:18, 15/12/2020

  • Fintech và áp lực sinh tồn hậu COVID-19

    Fintech và áp lực sinh tồn hậu COVID-19

    11:00, 14/12/2020

  • Vắc xin chống COVID-19 và bước ngoặt lịch sử của Mỹ

    Vắc xin chống COVID-19 và bước ngoặt lịch sử của Mỹ

    05:00, 14/12/2020

CẨM ANH