Việt - Mỹ dưới thời Biden (Kỳ II): Linh hoạt thích ứng

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 20/12/2020 05:05

Nhiều chuyên gia cho rằng, chơi với các nước lớn, Việt Nam cần có chính sách lớn để tương thích, đồng thời phải linh hoạt để kịp thời thay đổi khi đối tác xoay trục.

 Đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam qua các năm. Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT)

Đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam qua các năm. Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT)

Sau 25 năm lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Mỹ đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.

Chất xúc tác kinh tế

Trong lĩnh vực kinh tế, Việt Nam và Mỹ còn rất nhiều tiềm năng để cùng nhau khai thác nếu mối quan hệ ngoại giao được nâng chất. Dĩ nhiên, với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam sẽ rất cần nguồn vốn đầu tư để công nghiệp hóa và thị trường Mỹ để làm quen với sân chơi toàn cầu.

Dưới thời ông Biden, chiến lược giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng Trung Quốc cũng cần được xem xét kỹ lưỡng. Lợi thế đầu tiên của Việt Nam so với Ấn Độ, Malaysia, Indonesia và Thái Lan là giá lao động rẻ hơn.
Văn hóa lao động và kinh doanh Việt- Trung khá tương đồng, cộng với khoảng cách vị trí địa lý thuận lợi là tham chiếu tốt để các doanh nghiệp Mỹ lựa chọn Việt Nam làm điểm đến, nếu phải dịch chuyển.

Nhiều khả năng ông Biden sẽ tiếp tục coi Châu Á-Thái Bình Dương là trọng tâm chính sách đối ngoại. Có thể thấy trong gần 1 thập kỷ nay, người Mỹ không còn gói gọn mối quan hệ với các đồng minh truyền thống, mà mở rộng về Đông Nam Á bằng các chương trình kinh tế lớn.

Thậm chí, tại Châu Á đã xuất hiện cuộc đua ngấm ngầm giữa Mỹ và Trung Quốc về cả quân sự, an ninh hàng hải lẫn vốn đầu tư cũng như thúc đẩy quan hệ ngoại giao với các nước nhỏ, trong đó có Việt Nam.

Cần chiến lược phù hợp

Quan hệ kinh tế Việt- Mỹ sau 25 năm đã để lại những con số khá ấn tượng. Kim ngạch thương mại 2 chiều tăng 168 lần. Hầu hết các tập đoàn lớn nhất của Mỹ đều đã có mặt tại nước ta, như Exxon Mobil, Murphy Oil, Chevron, Boeing, Ford, Intel, Wal-Mart, Nike, Coca-Cola, P&G…

Đón được nhà đầu tư mới chỉ là bắt đầu, quan trọng vẫn là hợp tác như thế nào với nhà đầu tư mới? Như quan sát của ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Đại học Fulbright: “Trong chuỗi cung ứng cho thấy doanh nghiệp Việt Nam nhiều khi không thể là nhà cung ứng cấp một…”.

Bởi vậy, Việt Nam phải nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp Mỹ, phải trở thành nhà cung ứng cấp 1 nếu muốn hưởng lợi nhiều hơn.

Nếu Việt Nam muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc thì Mỹ là lựa chọn khả dĩ nhất, thậm chí thuận lợi hơn EU, Nhật Bản và Úc. Bởi Mỹ là nơi cộng đồng người Việt sinh sống nhiều nhất, trong đó nhiều khi Việt kiều là cầu nối kinh tế hữu hiệu hơn cả FTA.

Ngoài mặt hàng truyền thống như da dày, may mặc, đồ gỗ, điện tử,… thị trường Mỹ rất cần nông sản nhiệt đới. Trong khi đó, chúng ta có sản lượng, có bản sắc tạo thành nông sản độc đáo. Khâu còn lại là sản xuất theo quy chuẩn để đáp ứng nhu cầu thị trường Mỹ. Bởi vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược phù hợp thì mới thâm nhập sâu vào thị trường Mỹ.

Có thể bạn quan tâm

  • Việt - Mỹ dưới thời Biden (Kỳ I): Tinh chỉnh cấu trúc quan hệ ngoại giao

    05:00, 13/12/2020

  • Tương lai nào cho quan hệ Việt - Mỹ?

    06:30, 07/12/2020

  • 25 năm quan hệ Việt - Mỹ (Kỳ II): Định hình tương lai qua các con số

    16:00, 11/07/2020

  • 25 năm quan hệ Việt - Mỹ Kỳ I: “Cẩm nang” ngoại giao giá trị

    11:00, 09/07/2020

  • Joe Biden: Đã đến lúc lật ngược tình thế, đoàn kết và hàn gắn

    09:05, 15/12/2020

  • Giành 302 phiếu đại cử tri, ông Biden chính thức đắc cử Tổng thống Mỹ

    05:50, 15/12/2020

TRƯƠNG KHẮC TRÀ