Châu Á đã sẵn sàng "phục hồi" sau đại dịch COVID-19?
Khi COVID-19 mới xuất hiện, đã có những lo ngại về những tác động tiêu cực lên nền kinh tế sẽ đẩy các quốc gia thuộc khu vực châu Á rơi vào suy thoái. Nhưng chỉ sau một năm, mọi thứ giờ đây đã khác.
Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhất châu Á, sẽ quay trở lại mức tăng trưởng 8% vào năm 2021, so với 3,2% của Mỹ. Ngân hàng Phát triển châu Á kỳ vọng nền kinh tế các nước khu vực sẽ phục hồi 6,8% trong năm tới.
Các nền kinh tế tiên tiến khác như Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản và New Zealand, mặc dù vẫn đang gặp tình trạng suy thoái, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng, nếu chính phủ tiếp tục kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, nền kinh tế sẽ bắt đầu tăng trưởng trở lại từ giữa năm 2021.
Về khu vực, Đông Á hiện trở thành đầu tàu về lĩnh vực công nghệ tiên tiến trong đại dịch COVID-19, Nam Á đã có thể rút ra những bài học kinh nghiệm trong kiểm soát dịch bệnh và thiên tai. Và trên thực tế, khi năm 2020 kết thúc, bối cảnh chính trị của nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đã tương đối ổn định với mức độ xung đột bạo lực thấp.
Có thể thấy, châu Á đã trở thành tâm điểm không chỉ cho thương mại toàn cầu mà còn được đánh giá cao sẽ là khu vực phục hồi nhanh nhất trong năm 2021. Nhận định về điều này, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Aaditya Mattoo cho biết, việc tiến hành song song giữa các biện pháp kiểm soát dịch và phục hồi kinh tế là:
Thứ nhất, với phương châm đặt sức khỏe và tính mạng của người dân lên trên hết, dù nguồn lực vẫn còn hạn chế, chính phủ nhiều quốc gia tại châu Á đã cho thấy, tiến hành kích hoạt hệ thống y tế cộng đồng sớm khi tỷ lệ lây nhiễm vẫn còn thấp là bước đệm cần thiết để làm phẳng đường cong của vi rút.
Thứ hai, việc chỉ nới lỏng các biện pháp ngăn chặn sau khi vi rút đã được ngăn chặn đi kèm với các chính sách thích hợp như xét nghiệm diện rộng và truy tìm các ca lây nhiễm F0 đã giúp chính quyền nhanh chóng khoanh vùng dập dịch.
Như ông Aaditya đánh giá, “về cả hai khía cạnh nêu trên, châu Á đã thực hiện tốt hơn so với các khu vực khác, có thể là do kinh nghiệm từ các trận đại dịch trước đây”. Mặt khác, các chính sách hỗ trợ tài khóa cũng rất quan trọng để giảm chi phí kinh tế và củng cố sự phục hồi. Ở đây, châu Á đã đề ra các chính sách kích thích phù hợp và đúng thời điểm”.
Chính vì vậy, điều này đã đem đến cơ hội phục hồi nền kinh tế trong năm 2021 trong bối cảnh nhiều nước thuộc châu Âu và châu Mỹ vẫn đang vật lộn với dịch bệnh đang có chiều hướng phức tạp.
Mặc dù vậy, chuyên gia Armida Salsiah Alisjahbana, Thư ký điều hành của Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á – Thái Bình Dương, Liên Hợp Quốc (ESCAP) vẫn đưa cảnh báo rằng con đường hướng tới phục hồi hoàn toàn nền kinh tế với các nước châu Á vẫn còn không chắc chắn, khi các điều kiện kinh tế vĩ mô không thuận lợi ở nhiều nền kinh tế cùng với tỷ lệ thất nghiệp cao do đại dịch.
Tình trạng bất bình đẳng gia tăng cũng là một yếu tố được nhiều chuyên gia nhấn mạnh. Bất bình đẳng về thu nhập và giàu nghèo, vốn đã gia tăng trước đại dịch, có khả năng sẽ tăng thêm trừ khi có các chính sách can thiệp kịp thời. Các chỉ số thị trường lao động của châu Á đã xấu đi nhiều so với thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu, đặc biệt là đối với phụ nữ và lao động trẻ.
Mặt khác, các yếu tố tác động bên ngoài như tăng trưởng toàn cầu yếu, biên giới bị đóng cửa và căng thẳng ngày càng nặng nề xung quanh các vấn đề thương mại, công nghệ và an ninh cũng sẽ là những rào cản.
Do đó, các nền kinh tế châu Á cần tranh thủ cơ hội để đa dạng hóa nền kinh tế, thoát khỏi việc phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu là công việc cần được tiến hành trong thời gian sớm nhất.
“Có rất nhiều “vết sẹo” do COVID-19 để lại cần phải được “chữa lành” như lực lượng lao động suy giảm mạnh, niềm tin suy yếu làm giảm sút đầu tư tư nhân… Chính vì vậy, các chính phủ trong khu vực cần hướng tới việc phát triển một bộ quy tắc thương mại tốt hơn, có khả năng chống chịu trong thời kỳ khủng hoảng và kích thích sự phục hồi kinh tế bền vững để các quốc gia có thể đứng vững và phát triển trong bất kỳ hoàn cảnh nào”, chuyên gia Armida nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm