"Cuộc chiến" với virus SARS CoV2 sẽ còn kéo dài

BẢO LAM 14/01/2021 11:01

Với việc Nga đã tìm thấy 18 biến thể của virus SARS-CoV-2 trong cơ thể một nữ bệnh nhân mắc COVID-19 hơn 4 tháng qua, có thể khẳng định "cuộc chiến" với virus SARS CoV2 sẽ còn kéo dài.

Bộ trang phục bảo hộ phòng lây nhiễm COVID-19 trưng bày bên ngoài một trung tâm xét nghiệm ở Frankfurt, Đức ngày 6/1. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ trang phục bảo hộ phòng lây nhiễm COVID-19 trưng bày bên ngoài một trung tâm xét nghiệm ở Frankfurt, Đức ngày 6/1. Ảnh: THX/TTXVN

Thế giới tiếp tục trải qua những ngày tháng khó khăn khi số ca mắc và tử vong vì dịch COVID-19 ngày càng tăng cao.

Trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 675.000 ca bệnh COVID-19 và 15.194 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 92,6 triệu ca, trong đó trên 1,98 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 195.000 ca), Brazil (60.899 ca) và Anh (47.525 ca). Nhiều nước khác tiếp tục ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc COVID-19 mới.

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (3.422 ca), Anh (1.564 ca) và Mexico (1.314 ca). Ngoài ra, còn hai nước ghi nhận trên 1.000 ca tử vong mới: Brazil (1.238 ca), Đức (1.201 ca)

Hungary là nước mới nhất phát hiện các ca nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 xuất hiện lần đầu ở Anh mới đây. Tổng Y sĩ Cecilia Muller ngày 13/1 cho biết rằng các bác sĩ đã tìm thấy biến thể của SARS-CoV-2 trong mẫu bệnh phẩm của 3 bệnh nhân COVID-19. 

Trong ngày 13/1, Philippines và Sri Lanka cũng thông báo ghi nhận các ca nhiễm biến thể SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Anh. Bộ Y tế và Trung tâm Gen Quốc gia Philippines chính thức xác nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể này là một người Philippines từ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) về nước hôm 7/1. Còn ca nhiễm được ghi nhận tại Sri Lanka là một người Anh mới nhập cảnh.

Hình ảnh đồ họa vể virus corona chủng mới. Nguồn: Thailandmedical.

Hình ảnh đồ họa vể virus corona chủng mới. Nguồn: Thailandmedical.

Đáng chú ý, mới đây, các nhà nghiên cứu tại Nga đã tìm thấy 18 biến thể của virus SARS-CoV-2 trong cơ thể một nữ bệnh nhân mắc Covid-19 hơn 4 tháng qua. “Chúng tôi ghi nhận một bản phân tích gien của virus SARS-CoV-2 từ một bệnh nhân có bệnh lý nền ung thư hạch mắc COVID-19. Bộ gien chứng kiến sự gia tăng độc lập của 18 biến thể mới trong hơn 4 tháng mắc bệnh. Chúng bao gồm các đột biến S: Y453F và Δ69-70HV được tìm thấy ở những ổ dịch liên quan đến loài chồn”. - nghiên cứu từ các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Skolkovo, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Đại học Y khoa Pavlov First State tại St.Petersburg, Viện Nghiên cứu Bệnh cúm Smorodintsev và một bệnh viện ở thành phố St. Petersburg cho biết.

Các biến thể phát triển trên cơ thể của nữ bệnh nhân 47 tuổi, được gọi là Bệnh nhân S. Nữ bệnh nhân này có thể đã nhiễm virus khi đang được hóa trị liệu tại bệnh viện. “Từ ngày 10/4 đến 16/4/2020, nữ bệnh nhân này có tiếp xúc gần với một phụ nữ lớn tuổi, Bệnh nhân A. Người này sau đó cũng nhận kết quả dương tính với COVID-19 và tử vong vì viêm phổi”, bản nghiên cứu đăng trên trang web virological.org đề cập.

Đáng chú ý, theo bản nghiên cứu này, những biến thể COVID-19 được tìm thấy trong cơ thể người phụ nữ kia có những điểm giống với biến thể phát hiện ở Anh. “Biến thể mới được tìm thấy ở Nga cùng nhóm chủng với biến thể tìm được ở Anh. Cũng có những đột biến giống nhau, và có những đột biến khác nhau”. - chuyên gia Volchkov nói khi trả lời tờ Izvestia.

Tính đến nay, số lượng chủng biến thể của SARS-CoV-2 trên thế giới được phát hiện bằng phương pháp giải trình tự bộ gene từ người bệnh một cách ngẫu nhiên đã đạt con số vài nghìn, tuy nhiên con số thực tế của chủng biến thể có thể nhiều hơn. Vì vậy, các biến thể của virus không phải là điều bất thường hay hiếm gặp, bởi vì, các nhà khoa học cũng đã từng tìm thấy hàng loạt biến thể khác nhau giữa các mẫu virus gây dịch Covid-19. Đặc biệt, phần lớn những biến thể này không ảnh hưởng đến tốc độ lây lan của virus hoặc mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng bệnh do chúng gây ra.

Theo nhận định ban đầu, một số biến thể mới không ảnh hưởng (không đề kháng) với các vắc xin, bởi vì, các nhà nghiên cứu đã hiểu rõ cơ chế biến đổi của SARS-CoV-2 và đã tính đến yếu tố này trong hoạt động bào chế vắc-xin. Kết luận này được các nhà khoa học Richard Neher thuộc Đại học Basel ở Thụy Sĩ và Andreas Bergthaler từ Viện Hàn lâm khoa học Áo giải thích rằng, vắc-xin tạo ra phản ứng miễn dịch chống lại nhiều đặc điểm của virus cùng một lúc.

Do đó, ngay cả khi một trong những đặc điểm đó thay đổi, hệ thống miễn dịch của con người vẫn có thể nhận ra mầm bệnh và bảo vệ người được nhận vắc-xin (người được tiêm chủng vắc-xin), có nghĩa là biến chủng HUI 202012/01 không làm ảnh hưởng đến tác động của vắc-xin chống lại SARS-CoV-2.

Nhiều nghiên cứu gần đây cũng đã chỉ ra SARS-CoV-2 có thể tiến hóa để tránh bị các kháng thể phát hiện, nhưng may mắn là cho tới lúc này toàn bộ hệ miễn dịch của con người vẫn là lá chắn mạnh mẽ hơn và có thể khắc chế được SARS-CoV-2. Vì vậy, các nhà khoa học khuyến cáo “không nên quá lo lắng về việc sẽ có một biến thể thảm họa tới mức đột ngột khiến mọi khả năng miễn dịch và kháng thể với virus trở nên vô dụng”.

Do đó, có thể nói là bất kể virus có thể có nhiều biến thể khác nhau, nhưng nó vẫn rất khó thoát khỏi lớp lá chắn phòng vệ của cơ thể con người. Tuy nhiên, căn cứ vào thực tế tỉ lệ miễn dịch cộng đồng gia tăng và việc tiêm phòng vắc xin COVID-19 được triển khai đến nhiều người hơn, giới khoa học tin rằng SARS-CoV-2 cũng sẽ có thêm những biến thể để lẩn trốn hoặc kháng lại phản ứng miễn dịch.

Tính đến thời điểm hiện tại, virus SARS-CoV-2 đã làm hơn 92 triệu người mắc bệnh COVID-19 trên toàn thế giới và cướp đi sinh mạng của gần 2 triệu người. Các nhà khoa học của Tổ chức Y tế cảnh báo, bất chấp các chiến dịch tiêm chủng đại trà, diện bao phủ của vaccine vẫn chưa đủ rộng để tạo khả năng miễn dịch cộng đồng trong năm nay.

Có thể bạn quan tâm

  • Phát hiện biến thể hoàn toàn mới của virus SARS-CoV-2

    04:29, 12/01/2021

  • Biến thể virus Corona mới đang đe dọa nỗ lực chống COVID-19 toàn cầu?

    05:00, 28/12/2020

  • Vắc xin COVID-19 hiện hành có tác dụng với biến thể virus ở Anh?

    11:16, 22/12/2020

  • COVID-19 đã có 8 biến thể

    07:00, 01/04/2020

  • Vì một cái Tết không COVID-19

    05:00, 14/01/2021

  • Việt Nam tiêm thử nghiệm vắc xin COVID-19 liều cao nhất

    04:30, 12/01/2021

  • Hải Dương: Tiếp nhận cách ly bệnh nhân COVID-19 mới

    07:35, 10/01/2021

  • Vắc xin COVID-19 thứ 2 của Việt Nam được tiêm thử nghiệm trên người vào ngày 21/1

    01:04, 07/01/2021

  • Châu Âu, Mỹ và bài học chống dịch COVID-19 từ châu Á

    06:00, 06/01/2021

BẢO LAM