Ban hành Luật Hải cảnh: Trung Quốc tự “phá huỷ niềm tin” của các nước trong khu vực

BẢO LAM 30/01/2021 09:00

Các nước trong khu vực sẽ không bao giờ chấp nhận việc dùng vũ lực chống lại tàu và nhân dân họ trong vùng biển của họ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 22/1/2021 đã ký lệnh ban hành Luật hải cảnh cho phép lực lượng hải cảnh (cảnh sát biển) sử dụng vũ khí đối với tàu nước ngoài, sau khi dự luật này được Quốc hội nước này thông qua.

Cụ thể, Luật Hải cảnh cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc có thể dùng các loại vũ khí khác nhau, bao gồm vũ khí cầm tay, vũ khí được phóng từ tàu hoặc từ trên không.

Theo Luật hải cảnh được Trung Quốc thông "hải cảnh có quyền áp dụng tất cả biện pháp cần thiết, gồm sử dụng vũ khí" khi cái gọi là "chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán Trung Quốc" bị các cá nhân và tổ chức nước ngoài xâm phạm phi pháp hoặc đối diện mối nguy cấp bách bị xâm phạm phi pháp.

Một tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông - Ảnh: REUTERS

Một tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông - Ảnh: REUTERS

"Các trường hợp lực lượng này sử dụng những loại vũ khí khác nhau gồm vũ khí cầm tay, phóng từ tàu hoặc từ trên không; cho phép thành viên lực lượng được phá công trình nước khác xây dựng trên các thực thể và kiểm tra các tàu nước ngoài trong vùng biển mà Trung Quốc nêu yêu sách chủ quyền". - Luật Hải cảnh Trung Quốc nêu. Đáng chú ý, đạo luật này cũng trao cho hải cảnh Trung Quốc quyền thiết lập các vùng cấm di chuyển "khi cần" để ngăn các tàu thuyền và người đi vào.

Rủi ro xung đột lớn

Ngay sau khi Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh, các quốc gia trong khu vực đã bày tỏ phản đối và cho biết sẽ không bao giờ chấp nhận việc dùng vũ lực chống lại tàu và nhân dân họ trong vùng biển của họ.

Cụ thể, chỉ 5 ngày sau khi Trung Quốc ban hành Luật hải cảnh cho phép hải cảnh nước này dùng vũ khí nhắm vào tàu nước ngoài, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. đã chính thức lên tiếng phản đối. "Hành động này của Trung Quốc là mối đe doạ chiến tranh bằng lời với các nước phản đối luật" - Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. nói và nhấn mạnh "nếu không phản đối, tức sẽ phục tùng".

Trước đó, Thượng nghị sĩ Richard Gordon và thượng nghị sĩ Francis Tolentino của Philippines cũng bày tỏ lo lắng về luật hải cảnh vừa được Trung Quốc thông qua, vốn cho phép hải cảnh của Trung Quốc dùng vũ khí nhắm vào tàu nước ngoài. "Các ngư trường đã bị lấy đi từ tay chúng ta. Người dân của chúng ta đã bị tước đoạt sinh kế và tôi nghĩ Trung Quốc nợ chúng ta một lời giải thích về ý định thật sự của họ", thượng nghị sĩ Richard Gordon phát biểu trong một phiên họp toàn thể của Thượng viện Philippines.

Ông Gordon cũng cảnh báo về khả năng xảy ra "chiến tranh nóng" nếu nhân viên hải cảnh Trung Quốc yêu cầu kiểm tra tàu của nước khác. Việc lên tàu và kiểm tra tàu nước khác là một nội dung trong luật hải cảnh mà Trung Quốc tự đưa ra. "Đây là ngoại giao pháo hạm, khi mà nhân viên hải cảnh của họ được phép lên tàu của chúng ta. Họ không hài lòng với việc chỉ đâm vào tàu của chúng ta rồi bỏ mặc các tàu, và giờ họ còn sẵn sàng kiểm tra tàu nước ngoài", thượng nghị sĩ Gordon nói.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 27/1/2021, Tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đưa ra quan điểm đầu tiên về vấn đề Biển Đông sau khi nhậm chức. Theo đó, ông Antony Blinken tuyên bố Mỹ phản đối yêu sách biển của Trung Quốc ở Biển Đông - vốn vượt khỏi phạm vi được phép theo luật quốc tế, đồng thời cam kết sát cánh cùng với các quốc gia Đông Nam Á đối phó với sức ép từ Trung Quốc.

Trong một thông báo, Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận, ông Blinken đã đưa ra tuyên bố trên trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Philippines Teodoro Locsin cùng ngày. "Bộ trưởng Blinken đã cam kết sát cánh cùng với các bên ở Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông để đối phó với sức ép từ Trung Quốc". - Thông báo nêu rõ.

Đầu năm 2020, tàu cá Việt Nam đã bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa ẢNH: NGƯ DÂN CUNG CẤP

Đầu năm 2020, tàu cá Việt Nam đã bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: Ngư dân cung cấp

Mới đây nhất, ngày 22/1/2021, Bà Lê Thị Thu Hằng - Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng lên tiếng về vấn đề này. "Trong việc ban hành và triển khai văn bản pháp luật quốc gia liên quan đến biển, các quốc gia có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp quốc tế, các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982". - Bà Hằng nhấn mạnh.

Theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và sẽ kiên quyết, kiên trì các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ các quyền hợp pháp, chính đáng đó.

"Việt Nam yêu cầu các nước liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, có trách nhiệm thực thi một cách thiện chí luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, không có hành động làm gia tăng căng thẳng, tích cực đóng góp vào việc tạo dựng lòng tin, gìn giữ hòa bình, ổn định, thúc đẩy trật tự quốc tế trên biển và an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông". - Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định.

"Phép thử" cho Tổng thống Mỹ Joe Biden

Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói thì luật này phù hợp với thông lệ quốc tế, bất chấp nhiều bên lo ngại. Điều đầu tiên trong Luật Hải cảnh giải thích đạo luật cần để "bảo vệ chủ quyền, an ninh và các quyền hàng hải của Trung Quốc". Đúng là việc bảo vệ chủ quyền của một quốc gia thì không sai, nhưng vấn đề đặt ra đâu là vùng biển thuộc chủ quyền hợp pháp của Trung Quốc, đâu là vùng biển mà hải cảnh Trung Quốc được thực thi pháp luật hợp pháp?

“Các quy tắc mới được áp dụng cho vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc, nhưng như cách hành xử lâu nay, Bắc Kinh né tránh mô tả chi tiết các vùng biển nào. Nói cách khác, từ đó, các “tàu chấp pháp” của Trung Quốc sẽ được sử dụng vũ khí ở bất cứ khu vực nào, vào bất cứ lúc nào mà họ cho là cần thiết, như ở Biển Đông hay biển Hoa Đông, rồi sau đó lại tự biện minh để hợp thức hóa hành động”, ông Greg Poling, Giám đốc chương trình AMTI - Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ).

Có thể khẳng định, với Luật Hải cảnh của Trung Quốc vừa được thông qua, có thể khẳng định rằng Trung Quốc đã trực tiếp gây tổn hại mối quan hệ với ASEAN, tạo nên tâm lý nghi ngại từ phía Hiệp hội trước các đề xuất có vẻ tích cực từ phía Bắc Kinh. Lực lượng hải cảnh Trung Quốc thực hiện hầu hết các hoạt động cưỡng chế hàng hải ở các vùng biển gần, vì vậy Luật mới vừa được thông qua sẽ khiến các quốc gia Đông Nam Á thêm quan ngại về các hành động quấy rối với tần suất cao hơn của hải cảnh Trung Quốc.

Đáng chý ý, bên cạnh gây xói mòn lòng tin với ASEAN thì động thái mới nhất của Trung Quốc cũng có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ của Trung Quốc với Mỹ, quốc gia duy trì các liên minh chiến lược với một số quốc gia châu Á - Thái Bình Dương.  Theo TS Satoru Nagao - nghiên cứu viên khách mời Viện Hudson, Mỹ, dù chưa có nhiều cam kết rõ ràng từ chính quyền Biden đối với Đông Nam Á, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng Mỹ vẫn duy trì các cam kết với ASEAN và tăng cường can dự vào Biển Đông. "Và lần này, Trung Quốc đã hành động vào thời điểm chính quyền mới của Mỹ khởi đầu nhiệm kỳ. Tôi cho rằng có khả năng Trung Quốc "thử" ông Biden, và đây cũng nhiều khả năng là bước đi đầu tiên để làm điều đó". - TS Satoru Nagao nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Mỹ nhấn mạnh lập trường cứng rắn với Trung Quốc tại Biển Đông

    06:00, 29/01/2021

  • Trung Quốc “chơi rắn” trên Biển Đông, thử thách đầu tiên với J. Biden!

    11:05, 25/01/2021

  • Cuộc chiến công hàm ở Biển Đông: Nhật Bản phản đối lập trường ngang ngược của Trung Quốc

    02:02, 21/01/2021

  • Mỹ "hợp lực" hải quân để "kìm chân" Trung Quốc ở Biển Đông

    05:00, 13/01/2021

  • Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông: Quan chức Úc nói gì?

    05:00, 22/12/2020

  • Đuổi tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam

    21:49, 21/12/2020

  • Thấy gì từ việc Mỹ giám sát các đập của Trung Quốc trên sông Mekong?

    10:26, 16/12/2020

  • Tổ chức tập trận ở Biển Đông: Mỹ gửi thông điệp gì tới Trung Quốc?

    05:00, 15/12/2020

BẢO LAM