Israel chữa khỏi cho bệnh nhân mắc COVID-19 như thế nào?

LAM SONG (tổng hợp) 09/02/2021 13:29

Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Ichilov ở Tel Aviv (Israel) cho biết đã phát hiện kết quả khả quan trong các thử nghiệm sơ bộ về phương pháp chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19.

Phương pháp này sử dụng chất EXO-CD24, do Giáo sư Nadir Arber điều chế từ trước đó nhiều năm.

Nhân viên y tế vui mừng khi Israel bắt đầu đợt tiêm vaccine coronavirus, tại Trung tâm Y tế Tel Aviv Sourasky (Bệnh viện Ichilov) ở Tel Aviv, Israel, ngày 20-12-2020.

Nhân viên y tế vui mừng khi Israel bắt đầu đợt tiêm vaccine coronavirus, tại Trung tâm Y tế Tel Aviv Sourasky (Bệnh viện Ichilov) ở Tel Aviv, Israel, ngày 20/12/2020.

Thông tin từ Trung tâm Y tế Ichilov cho biết, khi sử dụng chất EXO-CD24 cho 30 bệnh nhân COVID-19, hầu hết trong số này đã hồi phục chỉ sau 3 - 5 ngày.

Theo công bố, chất EXO-CD24 giúp cơ thể người bệnh kháng lại triệu chứng "bão cytokine" - một phản ứng thái quá của hệ miễn dịch trước một số bệnh lây nhiễm khiến cơ thể mệt mỏi, đau nhức, buồn nôn, thậm chí tử vong. Hiện giới y khoa tin rằng chính phản ứng thái quá của hệ miễn dịch cơ thể là nguyên nhân gây ra phần lớn các ca tử vong vì COVID-19 thời gian qua.

Chuyên gia Shiran Shapira, một cộng sự của Giáo sư Arber cho biết, chất EXO-CD24 được các bác sĩ đưa vào cơ thể bệnh nhân qua đường mũi mỗi ngày một lần và đi thẳng vào phổi. Vì vậy, thuốc không gây tác dụng phụ và có thể được dễ dàng theo dõi, kiểm soát.

"Phương pháp điều trị này còn phải được tiếp tục thử nghiệm trong các giai đoạn tiếp theo, nhưng họ hy vọng đây sẽ là bước đột phá trong điều trị bệnh COVID-19". - Các bác sĩ Trung tâm Y tế Ichilov cho biết.

Được biết, sau kết quả thử nghiệm với 30 bệnh nhân COVID-19, Trung tâm Y tế Ichilov đã nộp đơn lên Ủy ban Helsinki của Bộ Y tế Israel để yêu cầu mở rộng thử nghiệm cho nhiều bệnh nhân hơn.

Trước đó, Trung tâm y tế Hadassah ở Jerusalem cũng cho biết họ phát hiện phương pháp có thể chữa khỏi cho bệnh nhân COVID-19. Trung tâm này đã điều trị cho 21 bệnh nhân nhiễm COVID-19 có các bệnh nền trong tình trạng nguy kịch bằng một loại thuốc gọi là Allocetra.

Theo các bác sĩ, 19 bệnh nhân hồi phục trong vòng 6 ngày và được xuất viện trung bình sau 8 ngày.

Thuốc này do GS Dror Mevorach, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh thấp khớp và Nội khoa, phát triển nhằm điều trị trường hợp hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức gây tiết cytokine.

Hiện tại, Israel đang dẫn đầu cuộc đua tiêm chủng trên thế giới, với hơn 20% dân số đã được tiêm đầy đủ hai mũi vắc xin và 37% nhận được ít nhất một liều. Chính phủ Israel đặt mục tiêu tiêm vắc xin cho 5 triệu dân tính đến giữa tháng 3, trước cuộc bầu cử dự kiến vào ngày 23/3.

Vaccine giúp giảm số ca mắc COVID-19 tại Israel

Vaccine giúp giảm số ca mắc COVID-19 tại Israel

Ngày 5/2 vừa qua, Thủ tướng Israel Netanyahu đã tuyên bố chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 ở nước này đã làm giảm gần một nửa tỷ lệ mắc bệnh ở nhóm trên 60 tuổi, và những ca bệnh nghiêm trọng ở độ tuổi này cũng giảm hơn 25% trong 2 tuần qua.

Thủ tướng Netanyahu khẳng định sự thành công này là công sức của nội các, vốn vừa được triệu tập để thảo luận về đề xuất gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc đã kéo dài được 5 tuần qua.

Theo Thủ tướng Israel, trong 16 ngày qua, số bệnh nhân trên 60 tuổi phải nhập viện do diễn biến nguy kịch đã giảm đến 26%, và giảm khoảng 45% số ca được xác nhận là mắc COVID-19. Ông Netanyahu nhấn mạnh, đây là kết quả trực tiếp của vắc xin.

Chính phủ Israel cho biết, nước này đã khởi động chương trình tiêm chủng từ hôm 19/12/2020 và đã tiêm được 35% trong tổng số 9 triệu người dân. Israel đặt mục tiêu đến tháng 3 tới sẽ có 50% dân số được tiêm vắc xin với hy vọng bắt kịp với tốc độ lây lan của biến thể virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, mục tiêu này đang gặp khó khăn do số người đăng ký tiêm vắc xin giảm đi.

Mặc dù Israel cho rằng, tiêm chủng vắc xin COVID-19 có hiệu quả thực sự ở đất nước này, thế nhưng dường như giới khoa học vẫn chưa tin. Theo giải thích của GS Michael Edelstein, trước hết dữ liệu về tiêm chủng vắc xin phần lớn dựa vào thông cáo báo chí chứ không phải nghiên cứu khoa học. Điều này thể hiện sự thiếu minh bạch từ các tổ chức. Họ cho biết bản thảo dữ liệu đang được chuẩn bị. Do dữ liệu có tầm quan trọng nên cần chia sẻ càng sớm càng tốt trước khi công bố".

Kế đến vẫn còn nhiều ẩn số. "Còn phải đánh giá vắc xin kiềm hãm dịch đến mức nào, về khôi phục cuộc sống bình thường, giảm tỉ lệ nhiễm phải nhập viện và tỉ lệ tử vong, đồng thời đạt hiệu quả thế nào với các biến thể mới. Chúng ta sẽ biết tất cả điều đó trong những tháng tới". - Giám đốc Viện Sức khỏe toàn cầu Antoine Flahault ở Đại học Genève (Thụy Sĩ) giải thích.

Thực tế trước đó, Israel đã phong tỏa trở lại từ ngày 27/12/2020 đến ngày 30/1/2021. Trong bối cảnh như thế, GS Michael Edelstein thừa nhận "rất khó đánh giá rạch ròi tác động của phong tỏa với tác động của tiêm vắc xin và tác động do biến thể ở Anh". GS Antoine Flahault cho rằng Israel dần dần kiểm soát được dịch bệnh chủ yếu do tác động của phong tỏa hơn là tiêm chủng vắc xin.

Có thể bạn quan tâm

  • Vaccine của Việt Nam tạo ra phản ứng tốt với cả biến chủng SARS-CoV-2

    10:23, 09/02/2021

  • Vaccine AstraZeneca an toàn và hiệu quả trong việc ngăn ngừa COVID-19

    16:22, 05/02/2021

  • Vaccine COVID-19 đầu tiên được cấp phép lưu hành ở Việt Nam có gì đặc biệt?

    14:40, 30/01/2021

  • Vì sao các tập đoàn lớn hăm hở tham gia phân phối vaccine?

    13:08, 30/01/2021

  • Vaccine covid-19 đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam

    08:17, 30/01/2021

  • Bao giờ Việt Nam có thể tiêm vaccine phòng COVID-19 đại trà?

    22:08, 29/01/2021

  • Vaccine COVID-19 thứ hai “make in Việt Nam” chuẩn bị thử nghiệm trên người

    11:06, 31/12/2020

  • “Tác dụng phụ” của vaccine COVID-19

    06:25, 29/12/2020

LAM SONG (tổng hợp)