Nhiều hoài nghi xung quanh kết quả điều tra nguồn gốc virus gây COVID-19
Các nhà khoa học thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kết thúc cuộc điều tra tại Trung Quốc mà vẫn bỏ ngỏ về kết quả nguồn gốc của đại dịch COVID-19.
Theo đó, tại cuộc họp báo chung, ông Lương Vạn Niên, chuyên gia thuộc Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), tin rằng virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19 có thể bắt nguồn từ động vật nhưng vật chủ mang mầm bệnh vẫn chưa xác định được.
Theo Hãng tin AP, một chuyên gia phía WHO cũng nói rằng SARS-CoV-2 có thể đã truyền từ động vật sang người và không thể rò rỉ từ phòng thí nghiệm Trung Quốc. Đồng thời, các chuyên gia cũng gợi ý rằng, có khả năng virus SARS-CoV- 2 có nguồn gốc bên ngoài Trung Quốc và điều này sẽ được điều tra thêm trong thời gian tới.
"Kết quả nghiên cứu gợi ý rằng giả thuyết về các sự cố trong phòng thí nghiệm là không chắc chắn để giải thích về việc virus lây sang con người. Có thể, trọng tâm về nguồn gốc dẫn đến COVID-19 có thể được chuyển sang Đông Nam Á" - ông Peter Ben Embarek, chuyên gia các bệnh động vật của WHO cho biết.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ không chấp nhận kết quả điều tra nguồn gốc dịch COVID-19 của nhóm chuyên gia WHO nếu không thể xác minh được. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price, Mỹ sẽ làm việc với các đối tác và dựa vào thông tin được thu thập và phân tích bởi cộng đồng tình báo của Washington thay vì vội vàng đưa ra kết luận có thể có động cơ khác ngoài khoa học.
Tương tự, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cũng nói rằng, chính quyền Tổng thống Joe Biden không tham gia vào việc lên kế hoạch, tiến hành cuộc điều tra và sẽ đánh giá độc lập kết quả điều tra này.
Phản ứng về kết luận của nhóm chuyên gia quốc tế tại Trung Quốc, một số chuyên gia đánh giá, kết quả này không nằm ngoài dự đoán, ban hội thẩm không có kết luận chính xác hoặc mới lạ nào sau chuyến thăm Trung Quốc kéo dài hai tuần.
Giáo sư Nikolai Petrovsky, Giám đốc Nghiên cứu của Vaxine Pty Ltd đã bày tỏ sự hoài nghi về việc WHO đến Vũ Hán điều tra nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 một năm sau khi bắt đầu đại dịch. Theo ông, cuộc điều tra quốc tế này lẽ ra có thể xảy ra vào đầu đại dịch. "Có thể đã có nhiều điều bị bỏ lỡ do sự chậm trễ này". - ông nói.
Giáo sư Raina MacIntyre, người đứng đầu Chương trình An ninh Sinh học tại Viện Kirby thuộc Đại học NSW cho biết, bà đã rất ngạc nhiên khi các chuyên gia của WHO kết luận đợt bùng phát bắt đầu từ tháng 12/2019 chứ không phải sớm hơn. Bởi theo bà, có rất nhiều bằng chứng cho thấy có khả năng dịch bệnh đã bùng phát sớm hơn. "Một số dữ liệu từ Hoa Kỳ và Châu Âu ghi nhận chủng virus này đã xuất hiện ở đó vào tháng 12/2019. Điều này trái ngược với phát hiện của nhóm chuyên gia WHO”, bà Raina phân tích.
Hiện, một số nhà khoa học cho rằng, việc đưa ra một kết luận chung chung không thể làm thỏa mãn thế giới. Mặt khác, việc chuyển sự chú ý sang các nước khác có thể khiến cuộc điều tra mất trọng tâm. Việc xác định những gì đã xảy ra trong những ngày đầu của đợt bùng phát dịch COVID-19 ở Trung Quốc được coi là rất quan trọng để tránh phát sinh một đại dịch khác tương tự trong tương lai.
Các nhà khoa học khuyên rằng, các chuyên gia của WHO nên tiếp tục tiến hành điều tra thêm tại Trung Quốc để tạo ra một bước đột phá. Nếu nhóm chuyên gia của WHO không tìm được câu trả lời rõ ràng hơn, "có nguy cơ tất cả sẽ chỉ là một màn trình diễn!?".
Có thể bạn quan tâm