Từ lễ hội Tịch điền nghĩ về tư tưởng trọng nông
Lễ hội Tịch điền là một trong những lễ hội xuống đồng lớn nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ, Lễ hội Tịch điền mang nhiều ý nghĩa sâu sắc.
Lễ Tịch Điền là lễ nhà vua đích thân cày ruộng nhằm khuyến khích dân chúng chăm lo việc cày cấy, phát triển nông nghiệp. Vua Minh Mạng từng xuống Dụ coi việc này “thực là chính sự quan trọng của đấng vương giả”.
Xem xét nghi thức cử hành đại lễ này dưới triều đại Trần, Lê thuở trước, vua Minh Mạng cho rằng “nghi lễ phần nhiều giản lược”, do đó vào năm 1828, nhà vua giao cho bộ Lễ soạn thảo chu đáo các điển lễ làm thành luật lệ lâu dài.
Theo lịch sử ghi chép lại, ruộng Tịch Điền dưới thời vua Gia Long được đặt ở hai phường Hòa Thái, Ngưỡng Trị trong Kinh thành, đến năm 1828 nhận thấy nơi đây là chổ đất thấp trũng, vua Minh Mạng ra lệnh chuyển về hai phường An Trạch và Hậu Sinh.
Lễ được tổ chức vào tháng 5 âm lịch, gọi là tháng trọng xuân. Ngày, giờ cử hành được bộ Lễ xem xét cẩn thận, tâu lên vua chuẩn định ngay từ cuối tháng tư. Trước lễ 5 ngày, các nhân viên, kỳ lão nông phu, ca sinh…phải có mặt đầy đủ tại sở ruộng Tịch Điền dưới sự điều khiển của quan viên bộ Lễ.
Trước một ngày, quan phủ Thừa Thiên phái thuộc hạ đến Võ Khố nhận roi, cày cùng thóc, thúng và các vật dụng khác, sau đó cung nghinh tới án vàng trước thềm điện Cần Chánh, báo cáo cho bộ Hộ rõ để bộ này tâu “rước vua thân hành duyệt đồ cày”. Duyệt xong, toàn bộ các vật dụng được chuyển đến sở ruộng.
Cũng ngày hôm đó, nhà vua đến cung Khánh Ninh chuẩn bị cho việc làm chủ lễ vào rạng sáng hôm sau. Bộ lễ cùng với phủ Nội Vụ, Võ Khố phối hợp với nhau xắp xếp bàn thờ, đồ thờ, bố trí chổ vua nghỉ bên phia trái đàn Tiên Nông là nơi diễn ra nghi lễ chính. Chúc văn được đưa tới án thờ trong đàn sở, cùng lúc các nhân viên đều phải có mặt để diễn tập nghi tiết. Binh lính và voi hầu dàn chầu ở bên ngoài vòng tường bao quanh.
Đêm hôm ấy, toàn bộ tế phẩm được xắp đặt đầy đủ; 8 viên chánh, phó Vệ úy, Vệ Cẩm Y mang gươm, cầm đuốc túc trực ở 4 cửa của đàn sở. Canh 5, ba hồi trống gióng giả vang động một góc trời. Trâu vàng, trâu đen, kỳ lão nông phu đồng trang phục cùng cày, bừa mỗi loại 6 chiếc có mặt tại vị trí đã định. Ca sinh gồm 14 người cất lên bài ca về lúa, cùng với 8 nhạc sinh, 30 người cầm cờ ngũ sắc dàn hàng hai bên sở ruộng Tịch Điền.
Tại cung Khánh Ninh, sau khi nghe tiếng quan viên bộ Lễ tâu “Bên ngoài đã xong”, vua đội mũ cửu long, mặc áo hoàng bào, thắt đai ngọc lên ngồi ở ngai vàng. Thị vệ đưa kiệu đến cửa cung, mời vua lên, rước tới đàn sở. Bảy tiếng trống lệnh nổ vang khi đạo ngự rời khỏi cửa cung. Hai bên đường ngự đạo đi qua, bá quan văn võ và dân chúng đều quỳ lạy đón tiễn. Ngự đạo dừng lại ở phía đông đàn sở, nhà vua vào ngự tọa tại nơi nghỉ dành riêng, tiếp chậu nước rửa tay; xong lên đàn tế, ở phía đông, mặt quay về hướng tây, làm lễ dâng rượu 3 tuần.
Lễ xong, đại nhạc và tiểu nhạc cử lên rước vua đến điện Cụ Phục là nơi để nhà vua thay mũ cửu long, áo hoàng bào và nghỉ ngơi một lúc. Tại sở ruộng, mọi việc được bố trí lại lần cuối, thật nghiêm cẩn. 4 kỳ lão nông phu đỡ cày, dắt trâu. 2 viên đường quan bộ Hộ lo dâng tiến cày và gieo giống đứng bên hữu sở ruộng, quay mặt về hướng đông. Phủ doãn phủ Thừa Thiên bưng roi, thúng lúa đứng ở bên tả, quay mặt về phía tây.
Khi nghe tiếng “Xin vua làm lễ ruộng”, nhà vua rời khỏi điện Cụ Phục, đến chỗ ruộng cày, mặt hướng về phía nam. Một viên đường quan bộ Hộ dâng cày, Phủ doãn phủ Thừa Thiên dâng roi. Nhà vua tay phải cầm cày, tay trái cầm roi bắt đầu cày ruộng; phụ giúp có 2 kỳ lão nông phu dắt trâu và 2 người đỡ cày. Viên Phủ doãn phủ Thừa Thiên bưng thúng thóc, một viên đường quan bộ Hộ đi bên cạnh để gieo giống. Nhà vua cày ba lượt, giữa tiếng nhạc trầm vang. Xong việc, bộ Lễ tâu rước vua đến đài Quan canh. Tiếp theo là lễ cày của các hoàng tử, thân công, quan viên văn võ và nông phu ở xã Phú Xuân. Các hoàng tử, thân công cày 5 lần, các quan viên văn võ cày 9 lần. Lễ xong thì tới trước đài lạy 5 lạy.
Sau khi nghe nhân viên bộ Lễ quỳ tâu “ Lễ thành” nhà vua rời đài Quan Canh về điện Cụ Phục thay áo, mão rồi lên xe trở về cung Khánh Ninh. Về tới điện, khi nhà vua đã an tọa trên ngai vàng, bắn 5 tiếng trống lệnh. Bá quan bày hàng ở trước sân cung, khi nghe tiếng “Lễ cày ruộng tịch đã thành xin làm lễ mừng” thì đồng quỳ lạy 5 lạy. Sau đó, phủ doãn phủ Thừa Thiên lĩnh vải thưởng cho các kỳ lão nông phu (hạng 1 (8 người) được 4 tấm vải mỗi người; hạng 2 (66 người) được 3 tấm mỗi người). Sau đó, toàn thể được nhà vua ban cho ăn yến một bữa.
Sau lễ, các hạng trâu (vàng và đen) chuyển cho phủ Thừa Thiên tiếp nhận rồi giao cho nông phu xã Phú Xuân chăm nuôi. Còn roi, cày, thúng, thóc thì giao cho Võ Khố cất giữ. Lúa gieo ở ruộng Tịch Điền giao cho nông phu xã Phú Xuân chăm bón, đến mùa lúa chín thì thu hoạch dưới sự quản lý của quan phủ. Phủ Thừa Thiên phối hợp với bộ Hộ lựa chọn số lúa lúa này làm giống gieo cho mùa cày năm sau, nếu còn thừa thì trữ lại đem xay để cúng tế trong lễ tế trời ở đàn Nam Giao và ở các miếu.
Qua nhiều triều đại, Lễ cày tịch điền được tổ chức trong ba ngày từ mồng 5 đến mồng 7 Tết, trở thành truyền thống tốt đẹp nhằm khuyến khích mở mang, phát triển nghề nông. Với đất nước ta, lễ cày tịch điền rất giàu ý nghĩa bởi nước ta có hơn 80% số dân làm nông nghiệp. Những nghi lễ truyền thống tại khu vực “đất thiêng” trong những ngày đầu năm mới không chỉ cầu mong mưa thuận gió hòa, được mùa, mà còn thể hiện sự chăm lo bờ cõi, chú trọng nông tang, người trên làm gương cho người dưới, như người xưa nói: Hành động có công hiệu hơn ngàn lần lời nói. Khắp các địa phương, trong những ngày đầu năm mới, nhiều vị lãnh đạo đã tham gia Tết trồng cây, làm thủy lợi, cấy lúa…
Ngày nay, lễ cày tịch điền đã trở thành một lễ hội. Cùng với phần lễ chính là nhà vua cày ba sá, hay bảy sá, còn có nhiều nghi lễ và hoạt động khác, như múa hát các làn điệu dân ca truyền thống, hội vật võ, trưng bày, bán các mặt hàng nông sản… Trước đó, tổ chức thi trang trí trên lưng trâu, bằng các bức tranh dân gian long, ly, quy, phượng và hoa văn được cách điệu.
Điều có ý nghĩa hơn cả là ở nội dung gửi gắm qua lễ hội: Tái cơ cấu là công việc quan trọng, lâu dài; phải chú ý đổi mới cả phương thức và cách làm, quan tâm việc quy hoạch, cơ cấu kinh tế phù hợp giữa công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Luôn hướng tới việc nâng cao sức cạnh tranh, cơ giới hóa nông nghiệp, chuyển dịch cây trồng theo hướng hàng hóa chất lượng cao, để người nông dân có thể làm giàu trên mảnh đất của mình, ly nông không ly hương.
Hiện tại, hầu hết nông dân ở Việt Nam cày ruộng bằng máy trên những cánh đồng mẫu lớn. Tuy nhiên, Cày tịch điền vẫn mang ý nghĩa tượng trưng, nhắc nhớ mọi người biết ơn tiền nhân, trân trọng truyền thống nông tang “dĩ nông vi bản”, nết lam làm chịu thương, chịu khó. Và đặc biệt là nhắc nhở mọi người rằng, tháng Giêng đừng để “ăn nghiêng bồ thóc”, hãy bắt tay cày cấy, bón chăm, đón mùa bội thu. Rằng, trên dưới đồng lòng, nhà nhà gắng sức, là sức mạnh muôn đời giữ bền đất nước.