GÓC NHÌN CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI: Kỷ luật Chủ tịch UBND huyện Tuy An, vụ "trộm" 3 cây cảnh và câu chuyện niềm tin
Sự việc của vị Chủ tịch UBND huyện Tuy An hay câu chuyện cấp dưới tố "sếp" trộm 3 cây cảnh của cơ quan mới đây thêm một lần nữa làm giảm sút niềm tin của nhân dân với các "công bộc" của dân.
1. Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên vừa công bố quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo về Đảng đối với ông Bùi Văn Thành - Phó Bí thư Huyện ủy, chủ tịch UBND huyện Tuy An.
Theo Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên, trong thời gian giữ chức Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, ông Thành thiếu trách nhiệm nêu gương trong việc lập các thủ tục chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa của con ruột không đúng đối tượng, trái quy định.
Ngoài ra, ông Thành còn thiếu nêu gương khi cho phép em vợ nuôi chim yến không đúng trình tự, thủ tục quy hoạch vùng nuôi.
Chủ tịch UBND huyện Tuy An thiếu trách nhiệm của người đứng đầu khi để cấp phó quyết định chuyển mục đích sử dụng đất nhiều trường hợp không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó có trường hợp con ruột ông; thiếu kiên quyết trong chỉ đạo xử lý vi phạm về đất đai của một cá nhân ở xã An Hòa Hải thuộc huyện Tuy An.
Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên kết luận vi phạm của ông Bùi Văn Thành là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín bản thân và tổ chức đảng, cơ quan nơi công tác nên quyết định thi hành kỷ luật ông với hình thức như đã nêu.
Mặc dù việc ông Bùi Văn Thành phải chịu hình thức kỷ luật như nói trên là đúng, tuy nhiên, hậu quả để lại từ những hành vi vi phạm của vị này khó có thể khắc phục trong một sớm một chiều. Đáng nói, sự việc này đã làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với chính quyền địa phương, phương hại nghiêm trọng đến uy tín tổ chức nơi vị này công tác.
Hiện nay, trong bộ máy công quyền, đa phần cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức tốt, luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có những biểu hiện lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ diễn ra trên nhiều lĩnh vực, với những thủ đoạn rất tinh vi. Có người lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái nhằm chiếm đoạt tài sản (cá nhân, tổ chức, Nhà nước), làm sai lệch kết quả hoặc thông tin nào đó,... để trục lợi cá nhân.
Chính việc thiếu gương mẫu của những người giữ vị trí chủ chốt ở địa phương đã tạo ra những tiền lệ xấu cho cấp dưới “học theo”, dẫn tới những hành vi nhũng nhiễu, làm khổ người dân. Qua đó, làm công việc bị đình trệ, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Do vậy, việc đưa ra những hình thức kỷ luật mạnh tay không chỉ góp phần làm trong sạch đội ngũ lãnh đạo cấp tỉnh, củng cố niềm tin của người dân vào công tác kiểm tra, kỷ luật trong Đảng, mà còn tạo ra tiền lệ để răn đe những lãnh đạo khác nếu có ý định lạm dụng chức quyền để tư lợi cá nhân, không để tồn tại tình trạng "con sâu làm rầu nồi canh".
2. Ông Nguỵ Đình Phúc- Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 xác nhận, vừa ký văn bản gửi lãnh đạo Công an huyện Đăk Tô báo tin tố giác tội phạm việc 1 cây khế và 2 cây chè xanh cổ thụ tại trụ sở Đội Quản lý thị trường số 2 (thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô) bị mất trộm.
Văn bản trên căn cứ nội dung cuộc họp ngày 19/2 của Đội Quản lý thị trường số 2 và theo nội dung trình báo của ông Lâm Hoàng Chương (SN 1936, bảo vệ Đội Quản lý thị trường số 2). Theo đó, 1 cây khế và 2 cây chè xanh được trồng từ lúc xây dựng trụ sở Đội Quản lý thị trường số 2 (năm 1998) cho đến nay. Tuy nhiên, thứ 7 ngày 28/11/2020, ông Lê Tuấn đã thuê người và xe cẩu vào tự ý đào 3 cây trên rồi chở về nhà riêng ở TP Kon Tum.
Trước việc trên, Đội Quản lý thị trường số 2 đã có văn bản đề nghị Công an huyện Đăk Tô xác minh, điều tra, xử lý theo quy định. "Ba cây cổ thụ trên rất có giá trị, riêng cây khế giá thị trường khoảng 25 triệu đồng, còn 2 cây chè xanh cũng đã mấy chục năm rồi, giá trị cao lắm", ông Phúc nói.
Liên quan tới vụ việc ông quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Kon Tum bị tố "trộm" 3 cây xanh tại trụ sở Đội QLTT số 2 mang về nhà trồng, ông Lê Tuấn - quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Kon Tum đã lên tiếng nói rằng: "Cứ để cơ quan chức năng làm rõ, còn ai đúng, ai sai, giờ tôi cũng chẳng biết nói thế nào. Chuyện đó nhằm bôi xấu tôi. Tôi đi trộm cây cối, ai mà tin được trên đời này?".
Cho ý kiến về vấn đề này, bà Lê Thị Thu Ba - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương cho rằng, việc làm rõ thông tin cán bộ "trộm" cây vì ngoài liên quan tới việc xử lý sai phạm thì còn liên quan tới vấn đề đạo đức của cán bộ công chức. Việc tự ý mang cây tại cơ quan mang về nhà mình có thể bị xem là hành vi tư túi, coi của công là của riêng, điều này rất nguy hiểm. Kể cả trong trường hợp có người đồng ý cho mang cây về nhà, đó cũng là ý kiến cá nhân, không phải ý kiến tập thể, không thể đại diện cho tập thể để quyết định.
Bà Lê Thu Ba cho rằng, đang có lỗ hổng trong công tác quản lý cũng như trong tư duy của cán bộ. Vì điều này, các cơ quan điều tra phải vào cuộc làm rõ, thông tin tố giác trên đúng hay sai, kể cả việc phải giám định niên tuổi, giá trị của cây xanh để xử lý theo quy định pháp luật. "Nếu không làm rõ và xử lý nghiêm sẽ tạo ra tiền lệ xấu sau này, đó là ai cũng có thể coi tài sản nhà nước là tài sản riêng, tài sản nhà nước nhưng ai cũng có thể mang về nhà", bà Ba nói.