Quan ngại COVID-19 làm gia tăng hội chứng hiếm gặp ở trẻ em
Tại Mỹ, các chuyên gia đang lên tiếng cảnh báo, ngày càng nhiều ca bệnh nhi nhiễm COVID-19 xuất hiện hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C).
Trong những tuần gần đây, các bác sĩ tại các bệnh viện Nhi trên khắp nước Mỹ cho biết, họ nhận thấy số lượng bệnh nhân trẻ em và thanh thiếu niên mắc MIS-C ngày càng tăng.
Mặc dù ngay cả khi Mỹ đã chứng kiến tỷ lệ các ca nhiễm COVID-19 mới có chiều hướng giảm, dữ liệu tính đến giữa tháng 12/2020 từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch Mỹ (CDC) cho thấy có 2.060 bệnh nhân COVID-19 mắc hội chứng MIS-C ở 48 bang, 30 người tử vong. Số ca liên tục tăng từ tháng 10. Độ tuổi trung bình là 9, nhỏ nhất là trẻ sơ sinh 20 tuần tuổi.
Đáng lo ngại, tỷ lệ trẻ diễn biến nặng đã gia tăng nhanh hơn so với làn sóng lây nhiễm đầu tiên vào năm 2020. Hầu hết trẻ em da màu có tỷ lệ mắc MIS-C cao hơn, với 69% trường hợp xảy ra ở trẻ em gốc Tây Ban Nha, Latinh hoặc gốc châu Phi. Mặt khác, tình trạng ở trẻ lớn tuổi, hoặc béo phì thường nghiêm trọng hơn bình thường.
Tiến sĩ Roberta DeBiasi, trưởng khoa truyền nhiễm Bệnh viện Nhi đồng Quốc gia, Washington, cho biết năm ngoái, chỉ 50% bệnh nhân cần hồi sức tích cực, tới nay con số đã tăng lên 80-90%.
Hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C), là một bệnh hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, với triệu chứng gồm sốt, phát ban, đỏ mắt, các vấn đề tiêu hóa. Nghiêm trọng hơn, chúng tiến triển thành rối loạn chức năng tim, gồm sốc tim - tim co bóp kém hiệu quả, không bơm đủ máu phục vụ tuần hoàn.
Tình trạng này thường xuất hiện khoảng 2-4 tuần sau khi nhiễm bệnh. MIS-C có chung các triệu chứng với sốc nhiễm độc và một tình trạng hiếm gặp khác là bệnh Kawasaki, khiến các mạch máu trên khắp cơ thể bị sưng lên.
Đáng chú ý, Lara Shekerdemian, trưởng bộ phận chăm sóc quan trọng tại Bệnh viện Nhi đồng Texas, Mỹ nhận định, khi nhiễm virus SARS-C0V-2, trẻ em bị MIS-C có vẻ gặp những triệu chứng nặng hơn khi so sánh với những trẻ em bị MIS-C không nhiễm COVID-19.
Lo ngại hơn, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA Neurology cho thấy các triệu chứng thần kinh do COVID-19 và MIS-C của trẻ em có thể phát triển thành các triệu chứng có thể đe dọa tính mạng. Trước mắt, một vài phương pháp điều trị bệnh nhân COVID-19 mắc hội chứng MIS-C các bác sĩ đang áp dụng gồm dùng steroid, globulin miễn dịch, thuốc chống đông máu, thuốc huyết áp.
Mặc dù hiện vẫn chưa rõ các biến của virus SARS-CoV-2 có làm gia tăng các ca bệnh MIS-C ở trẻ em hay không, nhưng giới nghiên cứu cũng đang tìm hiểu rõ yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh nhân COVID-19 mắc hội chứng MIS-C.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn lên tiếng cảnh báo về độ nguy hiểm của làn sóng COVID-19 mới. Các biến thể, đặc biệt là biến chủng tại Anh và Nam Phi với tốc độ lây lan nhanh hơn đã làm gia tăng tỷ lệ các ca nhiễm COVID-19 là trẻ em trên nhiều quốc gia.
Chính vì vậy, Tiến sĩ Roberta DeBiasi, trưởng khoa nhi tại Viện nghiên cứu quốc gia về trẻ em ở Washington khuyến cáo, các bác sĩ nhi khoa cần chú trọng đến các ca bệnh COVID-19 ở trẻ em để tránh bỏ qua những triệu chứng ban đầu của hội chứng MIS-C. Mặt khác, việc tiêm chủng cần tiếp tục đẩy mạnh để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.
Đồng thời, các bậc cha mẹ cần nắm rõ hơn về triệu chứng của MIS-C và đảm bảo trẻ em đeo khẩu trang vừa vặn, rửa tay thường xuyên và giữ khoảng cách thích hợp để tránh lây nhiễm COVID-19. "Tôi nghĩ rằng tất cả trẻ em đều có nguy cơ mắc bệnh. Do đó, các biện pháp phòng tránh cho trẻ em cần được tiến hành nghiêm ngặt hơn", TS Roberta nói.
Các quốc gia đang đối phó với dịch COVID-19 cũng cần thận trọng trong việc mở cửa lại trường học cho đến khi các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về mô hình lây nhiễm của biến thể mới này, tránh việc đại dịch bùng phát mạnh trong nhóm trẻ em và thanh thiếu niên.
Có thể bạn quan tâm
Vắc xin COVID-19 có thể gây một số phản ứng phụ
01:00, 09/03/2021
Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại Việt Nam: Bước tiến mới trong phòng chống dịch!
06:48, 08/03/2021
Bộ Y tế chuẩn bị gì cho đợt tiêm chủng COVID-19 sắp tới?
06:09, 05/03/2021
Ấn Độ vượt lên Trung Quốc trong cuộc chạy đua vắc xin COVID-19
05:30, 03/03/2021