Việt Nam chưa cân nhắc dừng tiêm vắc xin của AstraZeneca
Trước thông tin một số nước dừng tiêm vắc xin của AstraZeneca, ngày 12/3, đại diện Bộ Y tế cho hay, Việt Nam chưa cân nhắc việc dừng tiêm loại vắc xin này.
Sau thông tin 1 người tử vong vì máu đông trầm trọng sau khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của Hãng AstraZeneca, một số nước châu Âu đã quyết định tạm ngưng dùng vắc xin này trong lúc chờ vụ việc được điều tra kỹ lưỡng.
Cụ thể, ngày 11/3, nhà chức trách y tế ở Đan Mạch, Na Uy và Iceland đã tạm ngưng sử dụng vắc xin ngừa COVID-19 của Hãng AstraZeneca sau thông tin một số người được tiêm bị đông máu.
Trong đó, Đan Mạch tạm ngừng sử dụng vắc xin này trong 14 ngày sau khi một phụ nữ 60 tuổi - được tiêm vắc xin Hãng AstraZeneca từ cùng lô vắc xin được sử dụng ở Áo - bị đông máu và tử vong, theo nhà chức trách y tế Đan Mạch.
Các báo cáo về khả năng có "những tác dụng phụ nghiêm trọng" từ các quốc gia châu Âu khác cũng góp phần dẫn tới phản ứng trên của Đan Mạch.
"Hiện không thể kết luận liệu có sự liên hệ nào hay không. Chúng tôi hành động sớm và vấn đề này cần được điều tra kỹ lưỡng" - Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Magnus Heunicke cho biết trên Twitter.
Giám đốc đơn vị phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật tại Viện Y tế công cộng Na Uy (FHI) Geir Bukhol cho biết: "Đây là một quyết định thận trọng".
Trong khi đó, Áo đã dừng sử dụng một lô vắc xin của Hãng AstraZeneca trong lúc tiến hành điều tra một ca tử vong do rối loạn đông máu. Romania cũng đã tạm ngưng dùng một lô vắc xin của hãng này để tiêm cho người dân.
Tuy nhiên, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) của Liên minh châu Âu (EU) cho biết vắc xin của Hãng AstraZeneca mang lại nhiều lợi ích hơn so với các rủi ro và có thể sẽ tiếp tục được phân phối.
Liên quan đến vấn dề này, ngày 12/3, Giáo sư, tiến sĩ Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Hà Nội), Trưởng Ban điều hành Dự án Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia cho biết, hiện Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào bị đông máu sau khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca, do đó, chương trình tiêm chủng của Việt Nam vẫn diễn ra theo kế hoạch.
Theo Giáo sư, tiến sĩ Đặng Đức Anh, hôm nay ngày thứ 5 Việt Nam triển khai tiêm vắc xin COVID-19 của AstraZeneca. Hiện khoảng 1.600 người ở 9 tỉnh, thành phố đã được tiêm chủng nhưng chưa ghi nhận trường hợp nào gặp hiện tượng đông máu. Do đó, chương trình tiêm chủng vẫn sẽ diễn ra theo kế hoạch. Tuy nhiên, song song đó, ngành y tế đang tiếp tục theo dõi sát những phản ứng sau khi tiêm nếu có.
Cho ý kiến về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, lãnh đạo Bộ Y tế đã nghe báo cáo và phân tích từ các đơn vị triển khai Chương trình Tiêm chủng Mở rộng (TCMR), các chuyên gia, nhà khoa học, thông tin từ Cơ quan Dược châu Âu (EMA) và nhiều quốc gia cho thấy chưa tìm ra sự liên quan giữa những trường hợp gặp sự cố nghiêm trọng sau khi tiêm chủng với vaccine AstraZeneca. Một số trường hợp đang tiếp tục nghiên cứu và Chương trình TCMR quốc gia tiếp tục triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, việc triển khai tiêm chủng phải thực hiện theo đúng quy trình chặt chẽ, an toàn, hiệu quả. Người được tiêm chủng được theo dõi tại chỗ 30 phút sau khi tiêm. Nếu có phản ứng, họ được theo dõi tiếp tại phòng bệnh trong 24 giờ. Sau khi về nhà, tiếp tục theo dõi sức khỏe trong những ngày sau đó và thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có bất kỳ phản ứng bất thường nào xảy ra để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.
Bình luận về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc (Bộ Y tế) cho rằng, vắc xin AstraZeneca đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm (FDA), Mỹ, cũng như châu Âu thẩm định, cấp phép. Chúng cũng được đưa vào COVAX Facility (cơ chế tiếp cận toàn cầu vắc xin phòng COVID-19 do WHO khởi xướng) và tiêm rộng rãi trên thế giới. Đặc biệt, vắc xin của AstraZeneca có thể bảo quản ở nhiệt độ phù hợp cùng mức giá phù hợp điều kiện của các nước đang phát triển. Những tác dụng của vắc xin này được ghi nhận nên chúng vẫn được tiêm.
Được biết, theo Chương trình Tiêm chủng Mở rộng (TCMT) quốc gia, tính đến sáng nay, Việt Nam đã triển khai tiêm vắc xin tại 9 tỉnh thành gồm Hải Dương, Hà Nội, Gia Lai và TP HCM, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang và Long An. Hiện khoảng 1.600 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng đã tiêm vắc xin này.
Đến nay, ghi nhận 6 trường hợp phản vệ độ 2, sức khỏe đã ổn định, đang tiếp tục được theo dõi. Một số trường hợp khác có phản ứng thông thường sau tiêm.
PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, sau khi tiêm chủng có thể xảy ra các phản ứng. Cụ thể, phổ biến nhất (trên 10%) là các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau, đau nóng tại vị trí tiêm ngừa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt (phổ biến là sốt nhẹ, trên 38 độ C), ớn lạnh...
Ngoài ra, khoảng một đến dưới 10% số người tiêm có biểu hiện sưng và đỏ tại vị trí tiêm. Giống như vắc xin khác đã sử dụng nhiều năm, vắc xin COVID-19 khi đưa vào cơ thể có thể xảy ra biến chứng nghiêm trọng như sốc phản vệ. Một số người có thể phản ứng chậm sau tiêm nhưng hiện nay chưa ghi nhận số liệu từ các tổ chức quốc tế về vấn đề này, cũng như các tai biến nặng sau tiêm chủng vắc xin.
Có thể bạn quan tâm
Những liều vắc xin chống COVID-19 đầu tiên được tiêm tại Đà Nẵng
13:55, 12/03/2021
60 triệu liều vắc xin COVID-19 tại Việt Nam được cung ứng thế nào?
08:30, 11/03/2021
Chiến dịch “ngoại giao vắc xin” và sự hoài nghi của cộng đồng với Trung Quốc
05:00, 09/03/2021
Vắc xin COVID-19 có thể gây một số phản ứng phụ
01:00, 09/03/2021
Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại Việt Nam: Bước tiến mới trong phòng chống dịch!
06:48, 08/03/2021
Từ “chìa khóa” khẩu trang đến “hộ chiếu vắc xin”
06:12, 06/03/2021
Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 từ 8/3
13:20, 05/03/2021
Thủ tướng yêu cầu tiêm vắc xin COVID-19 cho người dân trong tuần này
14:52, 02/03/2021
Có thể ngăn ngừa lây nhiễm COVID-19 chỉ bằng một mũi vắc xin?
06:30, 02/03/2021
Cảnh báo các chủng biến thể virus SARS-C0V-2 kháng vắc xin ngày một gia tăng
06:35, 01/03/2021
Cần 150 triệu liều vắc xin COVID-19 tiêm cho người trên 18 tuổi
12:43, 26/02/2021