GÓC NHÌN CHÍNH TRỊ-XÃ HỘI: Xăng giả lộng hành, “viên đạn 20 tỉ”
Vụ đường dây buôn lậu và làm xăng giả mới bị công an Đồng Nai triệt phá và dân buôn lậu chi 20 tỉ để chạy điều chuyển Giám đốc Công an tỉnh An Giang đang gây bức xúc trong dư luận.
1. So với đường dây sản xuất xăng giả của Trịnh Sướng (Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng, Sóc Trăng) bị khởi tố và bắt giữ năm 2019 thì đường dây buôn lậu và làm xăng giả mới bị công an Đồng Nai triệt phá có quy mô mà mức độ còn lớn hơn, nghiêm trọng hơn.
Công an Đồng Nai cho biết qua mở rộng chuyên án 920G, lực lượng tiếp tục khám xét 10 địa điểm kinh doanh thuộc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Vân Trúc (đóng tại P.Bình Hòa, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) do Lê Thanh Tú (sinh năm 1966) cùng vợ là Trần Thị Thanh Vân (sinh năm 1968, cùng trú tại 161A, khu phố 1, P.Linh Trung, TP Thủ Đức) làm giám đốc và quản lý điều hành của công ty.
Tại đây, công an đã thi hành lệnh bắt khẩn cấp Tú và Vân để điều tra về hành vi buôn lậu quy định tại điều 188 Bộ luật hình sự. Qua xác minh, ban chuyên án xác định vợ chồng Tú, Vân đã mở thêm 11 chi nhánh tại TP.HCM, Bình Dương để mua xăng nhập lậu, xăng giả của Phan Thanh Hữu và Nguyễn Hữu Tứ (là các đối tượng cầm đầu trong chuyên án 920G), sau đó đưa ra thị trường tiêu thụ.
Theo công an, để tạo "chân rết" của việc mua bán xăng giả, vợ chồng Lê Thanh Tú và Trần Thị Thanh Vân đã xây dựng một bến thủy nội địa tiếp nhận tàu thủy chở xăng với tải trọng 1.000 tấn, sử dụng 4 tàu có tải trọng 400 - 1.000 tấn để vận chuyển xăng nhập lậu, xăng giả. Hai nghi can này còn làm một kho với 7 bồn chứa, tổng dung tích khoảng 4,5 triệu lít. Công ty của Tú, Vân đã phân phối xăng nhập lậu, xăng giả cho các cây xăng tại các tỉnh phía Nam, bình quân 500.000 lít xăng nhập lậu, xăng giả/ngày.
Công an Đồng Nai cho hay để kiểm tra nhiều chi nhánh, lực lượng Công an tỉnh đã phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động và các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an triển khai 12 tổ công tác với gần 400 cán bộ, chiến sĩ đồng loạt bắt, khám xét khẩn cấp tại 10 địa điểm là kho chứa, cây xăng, trụ sở làm việc và nơi ở của các đối tượng tại tỉnh Bình Dương và TP.HCM...
Nếu như trong vụ Trịnh Sướng, 39 đối tượng bị khởi tố, bắt tạm giam với hành vi chủ yếu là dùng hàng ngàn tỉ đồng mua hoá chất pha chế dung môi (Naphtha, Solmix, Orgasol, BMSol White, BMSol Petro) với xăng nền, hóa chất tăng RON (Toluene, MTBE, Xylene, Ethanol) và hỗn hợp màu Azo để tạo thành xăng A95, E5, RON 92 giả bán ra thị trường. Qua đó thu lợi bất chính hàng trăm tỉ đồng. Thì trong vụ việc ở Đồng Nai, thủ đoạn của các đối tượng trong vụ xăng giả ở Đồng Nai tinh vi hơn.
Cụ thể, các đối tượng sử dụng tàu biển có trọng tải lớn trực tiếp nhập xăng từ ngoài phao số 0, sau đó để che giấu hành vi phạm tội và gây khó khăn cho lực lượng chức năng, các đối tượng đã sử dụng ụ nổi đưa ra giữa lòng sông Hậu có bề rộng lòng sông là 2,5 km, thuộc địa bàn xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long để neo đậu các tàu, xà lan bơm hút xăng. Đồng thời tổ chức lực lượng, sử dụng các tàu cao tốc để cảnh giới xung quanh khu vực ụ nổi. Ở trên bờ, đối tượng dùng các nhà nuôi chim yến để cảnh giới người lạ xâm nhập…
Đường dây được tổ chức chặt chẽ, với phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi, nhiều thủ đoạn đối phó với lực lượng chức năng, liên quan đến nhiều tỉnh thành trong cả nước. Các đối tượng tham gia đường dây này có sự phân công nhiệm vụ cụ thể, từ nhập hàng, bơm hút, pha chế, hợp thức hóa chứng từ và vận chuyển đến các cây xăng để tiêu thụ. Đáng chú ý, các đối tượng sử dụng mạng lưới các đơn vị bán lẻ xăng dầu ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai… nhằm chi dấu hành vi.
Chia sẻ với báo chí về những bất cập trong việc kiểm soát thị trường xăng dầu, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - Trần Duy Đông thừa nhận, trong quản lý hệ thống phân phối kinh doanh xăng dầu, hiện đang có bất cập nên mới xảy ra tình trạng tuồn xăng lậu, xăng kém chất lượng vào hệ thống đại lý bán lẻ.
Một chuyên gia quan ngại, rất có thể các cây xăng nhập xăng giả, rồi cho trộn với xăng thật, người tiêu dùng không thể nhận biết, cơ quan kiểm tra cũng khó phát hiện, thực tế chiêu trò này chỉ qua được mắt thường, nếu đo lường nghiêm túc, muốn qua mặt không phải chuyện dễ. Còn lý do bao biện vì thế nên bao nhiêu năm vẫn không phát hiện lại là chuyện khác.
2. Câu chuyện về “viên đạn 20 tỉ” và “cú né thần sầu” của Đại tá Đinh Văn Nơi minh chứng cho bản lĩnh của ông trước cám dỗ, trước sức hút ma mãnh của đồng tiền.
Những ngày qua dư luận “sốc” vì một thông tin thuộc loại “chưa từng có” vừa được Công an An Giang công bố: Trần Trí Mãnh, Giám đốc Công ty Gia Thịnh, trùm sản xuất phụ tùng xe giả, nhớt giả sau khi bị bắt giữ đã khai báo bị một số đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, do Công an An Giang quyết liệt tổ chức tấn công trấn áp, đặc biệt tội phạm buôn lậu, hàng giả… một số đối tượng đã giao cho Trần Trí Mãnh tìm cách điều chuyển Giám đốc Công an tỉnh An Giang đi địa phương khác. Giá “điều chuyển” là 20 tỉ đồng. Đối tượng này thật sự đã chuyển trước 10 tỉ và được cam kết “trong 3 ngày sẽ có quyết định điều chuyển”. Tất nhiên, chẳng có vụ “điều chuyển” nào xảy ra.
Có lẽ dư luận còn nhớ, khi được điều về làm Giám đốc Công an An Giang, Đại tá Đinh Văn Nơi trả lời báo chí rằng: “Cá nhân tôi chắc chắn là sẽ không có bất cứ khó khăn, áp lực nào trong việc xử lý các loại tội phạm, kể cả tội phạm núp bóng”. Những gì diễn ra sau đó cho thấy rõ, ông nói là làm. Sau gần 5 tháng nhậm chức, tân Giám đốc Công an tỉnh An Giang đã trực tiếp chỉ đạo hàng loạt vụ án “nóng”, bắt nhiều đối tượng cộm cán, thu giữ nhiều súng, đạn, ma tuý, vàng buôn lậu…
Chỉ riêng tội phạm ma túy, dưới sự chỉ đạo của Đại tá Đinh Văn Nơi, công an An Giang đã bắt giữ 69 vụ, liên quan đến 107 đối tượng về hành vi tàng trữ, vận chuyển và mua bán trái phép chất ma túy. Tổng tang vật thu giữ trên 5kg ma túy tổng hợp các loại, 3,5kg cần sa khô và 07 khẩu súng quân dụng, công cụ hỗ trợ.
Có thể nói, Đại tá Đinh Văn Nơi, mới được điều chuyển từ Cần Thơ sang An Giang tháng 7 năm ngoái, một trong hàng chục các tân giám đốc công an được điều chuyển trong 2 năm qua – đang thật sự để lại những dấu ấn… được ghi nhận bởi chính nhân dân.
Thực tiễn cho thấy, những câu chuyện về băng nhóm xã hội đen hoặc tội phạm kinh tế tồn tại được là một phần do một số cán bộ công chức nhà nước bị lợi dụng, hoặc cán bộ thoái hoá đã dùng quyền lực để phục vụ cho tội phạm thì ắt sẽ có sự ăn chia lợi ích kinh tế theo quy luật cuộc sống “có đi có lại”.
Nói cách khác, một áp lực, thử thách mà những người đứng đầu ngành Công an nói riêng ở các địa phương là phải đối diện với những “viên đạn bọc đường” của những đối tượng phạm tội kinh tế vốn rất nhiều tiền. Nếu không kiên định lập trường, cán bộ điều tra sẽ bị cám dỗ, làm sai lệch hồ sơ vụ án, bỏ lọt tội phạm.
Có thể bạn quan tâm