Thử nghiệm vắc-xin COVID-19 thứ 2 của Việt Nam: Đẩy nhanh tiến độ!
Sáng nay (15/3), Covivac, vắc-xin phòng COVID-19 do Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) nghiên cứu, phát triển, được thử nghiệm lâm sàng trên người giai đoạn 1 tại Trường Đại học Y Hà Nội.
PGS.TS Vũ Đình Thiểm, Giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho hay, nhóm 6 người đầu tiên sẽ được tham gia thử nghiệm vắc xin vào ngày mai. Những người này có cả nam, nữ từ 18 - 39 tuổi và nam, nữ từ 40 - 59 tuổi.
Hiện nhóm nghiên cứu đã tuyển đủ tổng số 120 người tham gia thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covivac cho giai đoạn đầu, gồm 30 người ở mỗi nhóm tuổi (18 - 39 tuổi và 40 - 59 tuổi) và giới tính. Riêng các nhóm trẻ tuổi thậm chí còn thừa số người đăng ký so với yêu cầu.
“Nếu tất cả mọi người vẫn đồng ý tham gia nghiên cứu và đến đúng lịch, chúng ta sẽ đảm bảo được tiến độ thử nghiệm lâm sàng vắc xin. Trường hợp có người thay đổi ý định hoặc không thu xếp được thời gian, chúng tôi sẽ tính đến phương án vận động thêm”, PGS Thiểm cho hay.
Dự kiến, khi hoàn thành tiêm thử nghiệm cho nhóm đầu tiên, nhóm nghiên cứu sẽ tiêm cho nhóm thứ hai vào 9 ngày sau đó (dự kiến vào ngày 24/3).
Các chuyên gia sẽ theo dõi tính an toàn trong 8 ngày sau tiêm liều 1 của những người đầu tiên, đánh giá, xem xét việc thử nghiệm có vấn đề đáng lo ngại hay không. Nếu mọi thứ trong tầm kiểm soát, vắc xin mới được triển khai tiêm tiếp cho những người tiếp theo.
Việc tiêm chủng được thực hiện tại Trung tâm Dược lý lâm sàng, Trường Đại học Y Hà Nội, do Viện vệ sinh dịch tễ trung ương đóng vai trò thử nghiệm chính.
Tình nguyện viên tham gia nghiên cứu gồm 120 người khỏe mạnh, độ tuổi 18-59, cả nam và nữ. Người tình nguyện tham gia nghiên cứu sẽ được tiêm 2 mũi/0,5ml (tiêm vắc xin hoặc tiêm giả dược) cách nhau 28 ngày.
Giai đoạn 1 sẽ nghiên cứu độ an toàn và tính sinh miễn dịch trên 4 nhóm vắc xin với các mức liều 1mcg, 3mcg, 10mcg kháng nguyên Protein S không có tá chất và 1mcg có tá chất, có thêm nhóm đối chứng là giả dược (không chứa thành phần vắc xin) nhằm đánh giá độ an toàn và khả năng đáp ứng miễn dịch để chọn ra 2 nhóm vắc xin tối ưu, chuyển sang nghiên cứu ở giai đoạn 2.
Sau tiêm mũi 1, các tình nguyện viên sẽ được theo dõi y tế trong vòng 24 giờ tại Trung tâm Dược lý lâm sàng, Đại học Y Hà Nội. Sau tiêm mũi 2, thời gian theo dõi y tế các tình nguyện viên là 4 giờ.
Sau giai đoạn 1, dự kiến giai đoạn 2 được thực hiện tại Trung tâm Y tế huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
Các tình nguyện viên tham gia nghiên cứu giai đoạn này gồm 300 người khỏe mạnh, độ tuổi 18-75 (trong đó tuổi 60-75 chiếm khoảng 1/3), cả nam và nữ.
Sau giai đoạn 1, sau 43 ngày nếu kết quả an toàn miễn dịch tốt, chọn được mức liều tối ưu sẽ tiếp nối chuyển sang nghiên cứu giai đoạn 2.
Người tình nguyện tham gia nghiên cứu sẽ được tiêm 2 mũi/0,5ml (tiêm vắc xin hoặc tiêm giả dược) cách nhau 28 ngày.
Giai đoạn 2 sẽ nghiên cứu độ an toàn và tính sinh miễn dịch trên 2 nhóm vắc xin với các mức liều tối ưu chọn được từ giai đoạn 1, có thêm nhóm đối chứng là giả dược (không chứa thành phần vắc xin) nhằm phối hợp dữ liệu với giai đoạn 1 để đánh giá độ an toàn và hiệu lực đáp ứng miễn dịch của 2 nhóm vắc xin ở quần thể lớn hơn, xem xét chuyển sang nghiên cứu ở giai đoạn 3.
Thời gian lưu lại sau tiêm mũi 1 và mũi 2 của các tình nguyện viên ở giai đoạn 2 là 30 - 60 phút.
Covivac được sản xuất trên công nghệ trứng gà có phôi. Công nghệ này cũng được sử dụng để sản xuất vắc-xin phòng cúm mùa đang lưu hành tại Việt Nam. Covivac được IVAC nghiên cứu từ tháng 5/2020, đã qua nghiên cứu tiền lâm sàng tại Ấn Độ, Mỹ, Việt Nam. Kết quả cho thấy tính an toàn và hiệu quả trên thực nghiệm, đạt đầy đủ các tiêu chuẩn để có thể thử nghiệm trên người.
Bản tin 6h ngày 15/3 của Bộ Y tế cho biết không có ca mắc COVID-19. Đến nay, Việt Nam đã tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho 11.605 người, riêng ngày 14/3 tiêm 1.382 người, trong đó xuất hiện 2 trường hợp phản ứng nặng sau tiêm, nhưng đều được phát hiện và xử trí kịp thời, hiện tại sức khoẻ đã ổn định. Tính từ 18h ngày 14/3 đến 6h ngày 15/3, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Cả nước hiện vẫn có 2.554 bệnh nhân COVID-19, trong đó có tổng cộng 1594 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 901 ca, trong đó, riêng Hải Dương có 717 ca, Quảng Ninh (61 ca), Gia Lai (27 ca), Hà Nội (34 ca), Bắc Ninh (5 ca), Bắc Giang (2 ca), TP. Hồ Chí Minh (36 ca ), Hoà Bình (2 ca), Hà Giang (1 ca), Điện Biên (3 ca), Bình Dương (6 ca), Hải Phòng (4 ca ), Hưng Yên (3 ca). 10 tỉnh, thành phố đã 31 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới COVID-19 trong cộng đồng gồm: Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh. Hà Nội, đã 27 ngày không có ca bệnh COVID-19 mắc mới tại cộng đồng. Hải Phòng tính từ ca bệnh mắc gần nhất đến nay đã 20 ngày thành phố này không có ca bệnh COVID-19 mắc mới tại cộng đồng. |
Có thể bạn quan tâm
Việt Nam chưa cân nhắc dừng tiêm vắc xin của AstraZeneca
16:10, 12/03/2021
Những liều vắc xin chống COVID-19 đầu tiên được tiêm tại Đà Nẵng
13:55, 12/03/2021
60 triệu liều vắc xin COVID-19 tại Việt Nam được cung ứng thế nào?
08:30, 11/03/2021
Chiến dịch “ngoại giao vắc xin” và sự hoài nghi của cộng đồng với Trung Quốc
05:00, 09/03/2021
Vắc xin COVID-19 có thể gây một số phản ứng phụ
01:00, 09/03/2021
Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại Việt Nam: Bước tiến mới trong phòng chống dịch!
06:48, 08/03/2021
Từ “chìa khóa” khẩu trang đến “hộ chiếu vắc xin”
06:12, 06/03/2021
Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 từ 8/3
13:20, 05/03/2021
Ấn Độ vượt lên Trung Quốc trong cuộc chạy đua vắc xin COVID-19
05:30, 03/03/2021
Thứ trưởng Bộ Y tế: Hải Dương là một trong những tỉnh ưu tiên trước được tiêm vắc xin COVID-19
21:58, 02/03/2021