Tiếp tục "nóng" cuộc chiến giữa EU - AstraZeneca
Việc thiếu hụt nguồn cung vắc xin COVID-19 đang làm gia tăng căng thẳng giữa hãng dược Anh Astra Zeneca và Liên minh châu Âu (EU).
Vừa qua, AstraZeneca đã thông báo các lô hàng vắc xin theo kế hoạch đến EU sẽ bị thiếu hụt do các vấn đề sản xuất và hạn chế xuất khẩu. Trước đó, công ty đã cảnh báo rằng họ đang đối mặt với sự thiếu hụt từ chuỗi cung ứng châu Âu do sản lượng thấp hơn dự kiến từ quá trình sản xuất và hy vọng sẽ bù đắp một phần bằng cách tìm nguồn cung ứng vắc xin từ mạng lưới toàn cầu của mình.
Ngay lập tức, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã cáo buộc công ty của Anh đã không tuân thủ các cam kết trong hợp đồng. Đồng thời, bà cảnh báo sẽ tịch thu các nhà máy của AstraZeneca, đồng thời tước quyền sở hữu trí tuệ vắc-xin COVID-19 của công ty này để không ai có thể sản xuất nếu công ty không giao đủ số lượng đúng thời hạn.
Bà Leyen nói: “Tôi không loại trừ điều gì lúc này vì chúng ta phải đảm bảo người châu Âu được tiêm vắc-xin càng sớm càng tốt. Mạng sống, tự do dân sự và kinh tế thịnh vượng tùy thuộc vào tốc độ tiêm chủng”.
Mặc dù Pascal Soriot, Giám đốc điều hành của AstraZeneca đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của EU và cho biết số lượng vắc-xin được nêu trong hợp đồng là mục tiêu chứ không phải cam kết. Nhưng có thể thấy, mối quan hệ giữa EU và hãng dược AstraZeneca đang ngày một trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.
Robert Yates, Giám đốc chương trình y tế toàn cầu tại tổ chức tư vấn Chatham House ở London chỉ ra, mặc dù EU đã ký kết mua sáu loại vắc-xin khác nhau, nhưng cho đến nay các cơ quan quản lý chỉ cho phép sử dụng ba loại, một loại do hai hãng dược Pfizer-BioNTech sản xuất, một loại khác của Moderna và mới đây là vắc-xin AstraZeneca.
Bên cạnh đó, sự thiếu hụt trong việc cung cấp vắc xin AstraZeneca theo kế hoạch diễn ra đồng thời với việc phân phối các mũi tiêm Pfizer-BioNTech khi Pfizer nâng cấp cơ sở sản xuất tại một nhà máy ở Bỉ bị chậm lại đã trở thành “giọt nước tràn ly”, khiến các nhà lãnh đạo châu Âu hứng chịu nhiều chỉ trích.
Mặt khác, ông Yates nhận định, EU quá thận trọng trong việc lựa chọn vắc-xin đã làm khu vực này bị các quốc gia như Israel và Anh bỏ xa trong việc tiêm chủng cho người dân, dẫn đến việc chậm khôi phục nền kinh tế, đẩy làn sóng tranh luận hỗn loạn và chia rẽ ở nhiều nơi lên cao.
Đặc biệt, sau khi nhiều quốc gia trong khối đã ngừng triển khai tiêm do lo ngại vắc-xin của hãng dược này gây ra hiện tượng đông máu càng thổi bùng sự hoang mang và tức giận tại các nước như Ý, Pháp… khi tình trạng thiếu vắc-xin sẽ làm chậm mục tiêu đẩy lùi dịch bệnh.
Giới quan sát cảnh báo, tranh chấp EU-AstraZeneca nêu bật mối nguy hiểm của “chủ nghĩa dân tộc vắc-xin” khi các quốc gia và khu vực trên thế giới đang cạnh tranh vì nguồn cung hạn chế.
EU đã từng ám chỉ về việc cấm xuất khẩu vắc-xin sang các nước tự sản xuất vắc-xin hoặc có tỷ lệ tiêm chủng cao. Nhưng điều này đã bị loại bỏ khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu nhận được cam kết từ Thủ tướng Anh Boris Johnson rằng nguồn cung của AstraZenesca không bị hạn chế.
Nếu điều này xảy ra, nhiều quốc gia có thu nhập trung bình và thấp sẽ không có cơ hội tiếp cận với nguồn vắc-xin COVID-19 hiệu quả. Và cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh của thế giới sẽ trở nên khó khăn hơn, nhất là trong bối cảnh các biến chủng của virus SARS-CoV-2 đang làm tăng nguy cơ lây lan.
Có thể bạn quan tâm