Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiêm thử nghiệm vắc xin "made in Vietnam"

MINH CHÂU 26/03/2021 12:53

Sáng 26/3, tại Học viện Quân Y, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tiêm mũi thứ hai của vắc xin Nanocovax, đồng thời đến thăm hỏi và động viên các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm.

Theo đó, Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân Y cho biết mục tiêu của giai đoạn 2 là thử nghiệm với số lượng mẫu lớn hơn, làm trên 60 tình nguyện viên và tiếp tục làm thử nghiệm… đa trung tâm, tiếp tục đánh giá tính an toàn và chú trọng hơn việc đánh giá hiệu quả sinh kháng thể và khả năng diệt virus của kháng thể đấy.

“Qua kết quả giai đoạn 1 kết quả rất an toàn, đều tạo ra được kháng thể tốt, đều có nghiên cứu thử nghiệm khả năng trung hòa virus rất tốt. Mẫu chưa lớn nhưng biến chủng của Anh cũng đều diệt được”, GS Quyết nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng tiêm mũi 2 giai đoạn 2 của vắc xin Nanocovax. Trước đó, ngày 26/2, ông đã tiêm mũi 1 vắc xin này.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiêm thử nghiệm vắc xin Nanocovax mũi 2 sáng 26/3. Ảnh: BYT.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiêm thử nghiệm vắc xin Nanocovax mũi 2 sáng 26/3. Ảnh: BYT.

Sau tiêm, Phó Thủ tướng đến thăm hỏi và động viên các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm. Ông bày tỏ sự cảm kích với những đóng góp của các tình nguyện viên trong việc nghiên cứu vắc xin COVID-19, để đẩy lùi đại dịch.

Theo GS.TS Đỗ Quyết, với tiến độ nghiên cứu hiện tại, cuối tháng 4, vắc xin Nanocovax sẽ kết thúc mũi tiêm thứ hai của giai đoạn thử nghiệm thứ hai. Đến cuối tháng 6, sẽ có báo cáo kết quả nghiên cứu lên Hội đồng đạo đức, Bộ Y tế để tiếp tục giai đoạn thử nghiệm thứ ba.

“Chúng tôi đang rút ngắn tối đa thời gian nghiên cứu vắc xin COVID-19 nhưng vẫn đảm bảo tính khoa học và tính an toàn. Cần nhấn mạnh rằng, trong nghiên cứu thử nghiệm vắc xin, theo quy định của thế giới, điều quan trọng nhất là phải đánh giá hiệu quả của vắc xin trong việc bảo vệ người dân không bị lây nhiễm trong môi trường có thể đã tồn tại lây nhiễm trong cộng đồng”, GS Quyết cho hay.

Trong giai đoạn 3 của thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nanocovax, sẽ có khoảng 10.000 người được tiêm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam động viên tình nguyện viêm tiêm thử nghiệm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam động viên tình nguyện viêm tiêm thử nghiệm.

GS Quyết nhấn mạnh, có một “đòn bẩy” quan trọng giúp rút ngắn thời gian nghiên cứu vắc xin trong giai đoạn này. Theo đó, ở quy định quốc tế về thử nghiệm vắc xin, khi có 1 vắc xin đã được thế giới công nhận (như vắc xin AstraZeneca), có thể cho phép thử nghiệm hơn kém.

Đây là thử nghiệm để so sánh vắc xin đang nghiên cứu với vắc xin đã được công nhận về hiệu lực bảo vệ như khả năng sinh kháng thể, khả năng diệt virus. Nếu yếu tố này tương đương, có thể tiến hành cấp phép cho sử dụng vắc xin đang nghiên cứu.

“Trước mắt, trong giai đoạn 3 thử nghiệm vắc xin Nanocovax, chúng ta có thể chỉ cần làm trên 10.000 người, trong đó có 5.000 người tiêm vắc xin AstraZeneca và 5.000 người tiêm vắc xin Nanocovax. Với phương án này, hoàn toàn có cơ sở khoa học để có thể so sánh về những tác dụng phụ, hiệu quả sinh kháng thể, hiệu quả diệt virus”, GS Quyết cho hay.

Giám đốc Học viện Quân Y cũng nhấn mạnh: “Với diễn biến như hiện tại, tôi tin rằng khả năng rất cao vào tháng 9 này chúng ta có thể có sản phẩm thương mại của vắc xin COVID19 Việt Nam. Chúng ta có quyền tin là chúng ta sẽ thành công”.

Trước đó, qua kết quả của giai đoạn thử nghiệm đầu tiên, vắc xin Nanocovax đã cho thấy sự an toàn, tạo được kháng thể tốt. Có một số nghiên cứu dù cỡ mẫu chưa lớn nhưng cũng có thể thấy vắc xin có hiệu quả tốt với các biến chủng virus SARS-CoV-2 của Anh.

Giai đoạn 2 của nghiên cứu sẽ thử nghiệm với số lượng mẫu lớn hơn giai đoạn 1, dự kiến trên 560 tình nguyện viên.

Bên cạnh đó, tại hội nghị tập huấn về công tác tiêm chủng vắc xin COVID-19 tại Việt Nam diễn ra sáng ngày 26/3, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Uỷ viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết mọi loại vắc xin cả cũ và phát triển thời gian gần đây đều có phản ứng thông thường và không mong muốn. Phản ứng thông thường hết nhanh và tỷ lệ này khá cao.

Một số nước châu Âu tạm dừng tiêm vắc xin COVID-19 của AstraZececa để đánh giá khả năng có thể có tình trạng đông máu. Sau khi đánh giá cơ quan Dược phẩm châu Âu không có tuyên bố liên quan nào và một số nước đã quay trở lại tiêm vắc xin.

Không vì lý do đó chậm lại tiêm vắc xin. Vắc xin đã dùng có phản ứng không mong muốn nằm trong khuyến cáo của nhà sản xuất và được tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, chúng ta phải hết sức bình tĩnh với vấn đề này. Trên quan điểm xử lý cao hơn một mức, nên có một số trường hợp tiêm chủng vắc xin ở nước ta mặc dù chưa phải xử lý phản vệ độ 2 nhưng đã xử lý ngay.

Hội đồng chuyên môn qua đó đánh giá thực chất mức độ phản ứng như thế nào. Hội đồng chuyên môn đang làm và Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải bảo đảm an toàn tối đa cho người tiêm. 

Bộ Y tế hoan nghênh các địa phương xử trí kịp thời phản ứng sau tiêm.

Những địa phương còn dè dặt cần phải triển khai ngay, theo dõi chặt các trường hợp.

GS. TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, mọi loại vắc xin cả cũ và phát triển thời gian gần đây đều có phản ứng thông thường và không mong muốn; phải hết sức bình tĩnh với phản ứng sau tiêm vắc xin.

GS. TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, mọi loại vắc xin cả cũ và phát triển thời gian gần đây đều có phản ứng thông thường và không mong muốn; phải hết sức bình tĩnh với phản ứng sau tiêm vắc xin.

Hiện không có bất kỳ trường hợp đông máu nào có phản ứng nặng. Bệnh viện Bạch Mai có rà soát kỹ lưỡng, chưa có trường hợp nào bị đông máu.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, qua quá trình triển khai tiêm chủng vắc xin COVID-19, sẽ có đánh giá lại để có kết luận cuối cùng.

Tuy nhiên người đứng đầu ngành y tế nhấn mạnh, quan trọng nhất phải xử lý ngay, xử lý cao hơn một mức so với quy định, bảo đảm tính an toàn.

Các cơ sở phải có phản xạ, khi tiêm vắc xin nếu xuất hiện các triệu chứng thì xử lý càng sớm, càng hiệu quả.

Trên cơ sở đó, chương trình tiêm chủng sẽ tập huấn lại cho các cơ sở y tế, các Sở Y tế phải tập huấn cho các cơ sở trên địa bàn để khi có vắc xin triển khai rộng rãi vì vắc xin có thời gian sử dụng ngắn, điều kiện bảo quản khó khăn, ở độ âm sâu.

Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, cần phải xử lý nhanh những phản ứng không mong muốn sau tiêm chủng.

Có thể bạn quan tâm

  • Bệnh nhân COVID-19 nhập cảnh trái phép vào TP.HCM đã đi những đâu?

    10:24, 26/03/2021

  • Đại dịch COVID-19 là "cú hích" cho chuyển đổi số

    15:53, 24/03/2021

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Khẩn trương tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 đảm bảo an toàn, đúng đối tượng

    20:25, 23/03/2021

  • Vắc xin COVID-19 Sputnik V vừa được Việt Nam phê duyệt có hiệu quả ra sao?

    15:04, 23/03/2021

  • Thử nghiệm vắc xin AZD1222 tại Mỹ giai đoạn III đạt tiêu chí ngăn chặn COVID-19

    14:00, 23/03/2021

  • Phát triển vắc xin COVID-19 "made in Vietnam": Bước tiến dài!

    10:06, 23/03/2021

  • Không có chủ trương để doanh nghiệp nhập khẩu vắc xin COVID-19

    08:00, 23/03/2021

MINH CHÂU