Đỗ xe ô tô trước cửa nhà, hàng quán: Cư xử thế nào khi không có quy định xử phạt?

BẢO LAM 28/03/2021 05:30

Không thể xử phạt đối với hành vi đỗ xe ô tô trước cửa nhà, hàng quán nếu tài xế đỗ xe đúng quy định.

LS Đặng Thị Thu Hoài - Công ty Luật VIAD, đoàn Luật sư TP. Hà Nội khẳng định như vậy khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh câu chuyện một số tuyến đường trung tâm TP HCM không có biển cấm dừng, đậu xe nhưng “chủ nhà” thường không vui, hoặc lời qua tiếng lại khi có xe ô tô dừng, đỗ. Thậm chí, một số nơi còn đề bảng “vui lòng không đỗ xe trước nhà”.

Hệ luỵ bởi "đỗ xe đúng quy định"

Cụ thể, theo phản ánh trên báo Thanh Niên, một số tuyến đường tại TP HCM có biển báo cho phép xe ô tô đỗ dưới lòng đường như Lê Anh Xuân (Q.1, đỗ theo ngày chẵn, lẽ), Huyền Trân Công Chúa (Q.1, đỗ xe có thu phí), Bà Huyện Thanh Quan (Q.3, đỗ xe theo khung giờ quy định) nhưng giới tài xế vẫn phải tìm cách “né” cửa nhà dân hoặc nơi buôn bán ra bởi rất có thể sẽ bị chủ nhà ra “mắng vốn”.

Trung tâm thương mại tại Q.7 đặt cọc hình chóp để ngăn xe đậu ẢNH: LÊ NGỌC THẢO

Trung tâm thương mại tại Q.7 đặt cọc hình chóp để ngăn xe đậu. ẢNH: Lê Ngọc Thảo/Thanh Niên

Theo chia sẻ của một tài xế, dù con đường đó cho phép xe ô tô dừng hoặc đỗ nhưng nhiều khi chỗ người ta buôn bán hay cửa nhà người ta mình chạy lại đỗ cũng kỳ. Mình đỗ lại cũng được, không sai nhưng nhiều lúc chủ nhà khó tính, ngang ngược, gây chuyện um sùm dẫn đến phiền phức không đáng có.

Thực tế câu chuyện này không phải bây giờ mới xảy ra. Trước đó, đã từng có rất nhiều câu chuyện tương tự dẫn đến những xung đột đáng tiếc. Câu chuyện về về một người dân (trú Q.Đống Đa, Hà Nội) đậu ôtô bán tải màu trắng trước một căn nhà tại phố Huỳnh Thúc Kháng (Q.Đống Đa), rồi vào công ty làm việc là một ví dụ.

Chuyện là người dân này đậu xe trước một căn nhà rồi vào công ty làm việc. Một giờ sau anh này quay ra phát hiện xe bị xịt sơn đỏ quanh xe, trong đó có dòng chữ "Ngu". Theo phản ảnh của "khổ chủ", địa điểm anh đỗ xe không có biển cấm dừng, cấm đậu ôtô và không cản trở lối ra vào. Quá bực mình, nạn nhân làm đơn trình báo lên cơ quan chức năng.

Hay như câu chuyện đã từng tốn giấy mực trên mặt báo về chín ôtô đậu trước quán nhậu Lộc Phát trên đường Thành Thái (P.15, Q.10, TP.HCM) bị một thanh niên dùng thanh gỗ, tuôcnơvit đập và viết lên nắp capô xe. Các chủ ôtô bị đập và viết lên nắp capô xe cho biết họ là thành viên taxi Grabcar tập trung đến một nhà hàng trên đường Thành Thái (cách hiện trường khoảng 50m) để liên hoan.

Hoặc câu chuyện trên mạng xã hội xuất hiện dòng trạng thái kèm theo hình ảnh một ôtô đậu trên một con phố thuộc P.Trung Hòa, Q.Cầu Giấy (Hà Nội) bị vẽ bậy. Công an phường sở tại sau đó mời cả khổ chủ lẫn người thực hiện hành vi vẽ bậy đến làm việc. Hai bên chấp nhận cùng đưa chiếc xe đi sửa chữa khắc phục lại hiện trạng ban đầu...

Khó xử phạt vì... không có quy định

Các trường hợp nêu trên chỉ là một số ít trong số nhiều sự việc liên quan tới việc đậu xe ở các thành phố  lớn. Vậy, trong những trường hợp này, ai đúng, ai sai? Phải làm sao để tránh xung đột giữa các bên?

K

Một chiếc xe bị phun sơn đỏ khi đỗ xe trước cửa nhà dân.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, LS Đặng Thị Thu Hoài - Công ty Luật VIAD, đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, hiện nay, tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, không quy định về việc xử phạt đối với hành vi đỗ xe chắn trước cửa nhà người khác.

Tuy nhiên, người điều khiển phương tiện vẫn cần đảm bảo các quy định về đỗ xe trên đường tại Điều 18 và Điều 19 Luật Giao thông đường bộ 2008. Theo đó, cần phải đảm bảo an toàn trước khi rời khỏi xe như: Có tín hiệu báo; cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng; xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm; xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh,…

Đồng thời, không được đỗ xe tại các vị trí như: Bên trái đường một chiều; trước cổng trong phạm vi 05 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức; tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe; trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế; không được để phương tiện ở lòng đường, hè phố trái quy định;…

Với trường hợp đỗ ô tô chắn trước cửa nhà, hàng quán, như câu chuyện ở nhiều tuyến đường trung tâm TP HCM cũng như một vài ví dụ kể trên, Luật sư Vũ Minh Tiến cho rằng, người dân chỉ có quyền đối với phần đất theo ranh giới nhà mình. Còn hành lang đường, vỉa hè, lòng đường là tài sản công cộng do nhà nước quản lý. Do đó, nếu có tài xế nào lỡ đỗ ô tô trước cửa nhà mình thì người dân không được quyền đuổi, mắng hay có những hành vi gây tổn hại đến tài xế cũng như tài sản của họ.

Theo Luật sư Đặng Thị Thu Hoài, nếu thực hiện các hành vi nói trên, chủ nhà, chủ cửa hàng hoàn toàn có thể bị xử phạt về hành vi hủy hoại tài sản. Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, chủ nhà có thể bị phạt hành chính từ 02 - 05 triệu đồng. Đặc biệt, hành vi này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017nếu đủ điều kiện cấu thành tội này.

Tuy nhiên, việc xử phạt hay truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi phá hoại xe chỉ được thực hiện khi có các căn cứ, bằng chứng cần thiết. Ví dụ như hình ảnh, video quay lại cảnh phá hoại hoặc lời khai của người làm chứng … Nếu việc phá hoại xe được thực hiện ở nơi kín đáo, không ai thấy hoặc không có phương tiện kỹ thuật quay chụp lại được, thì chủ xe khó có thể xác định được ai là người trực tiếp phá hoại để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Trong trường hợp này, Luật sư Vũ Tiến Minh khuyên rằng, chủ nhà chỉ nên nhắc nhở tài xế về việc đỗ xe hoặc báo cho lực lượng Cảnh sát giao thông đến xử lý nếu việc ô tô đỗ xe sai quy định pháp luật chứ không nên "mắng vốn" hoặc có những hành vi gây tổn hại đến tài sản của tài xế.

Trước đó, cho ý kiến về vấn đề này, ông Trần Đăng Hải (chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội) cho biết, hiện không có quy định cụ thể các vấn đề liên quan tới hành vi đậu xe ở trước nhà dân, nhà hàng, quán xá. Theo ông Hải, đường đi ở nơi công cộng là tài sản của Nhà nước không thuộc sở hữu của riêng ai nên lái xe hay chủ nhà đều không có quyền sở hữu hay cấm đoán. "Pháp luật quy định những nơi không có biển cấm đậu xe thì xe được dừng đậu thoải mái". - ông Hải nói.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Trần Quốc Khánh (chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM) cho biết, đúng là có tình trạng ô tô đậu trước nhà dân hoặc các cửa hàng kinh doanh cũng như trong các hẻm nhỏ gây ảnh hưởng tới việc buôn bán và đi lại của người dân. Tuy nhiên, lực lượng thanh tra giao thông tuần tra, xử lý đều căn cứ vào quy định của pháp luật. Chỉ các trường hợp đậu xe trên tuyến đường có biển báo cấm đậu mới bị xử phạt nghiêm. "Các trường hợp tài xế cho xe đậu chắn mặt tiền, lối ra vào, thanh tra giao thông rất khó xử lý, chỉ nhắc nhở chứ không lập biên bản xử phạt được". - ông Khánh nói.

Đâu là giải pháp?

Vẫn biết, việc đỗ xe dưới lòng đường chỉ là giải pháp tình thế khi mà quanh khu vực dừng đỗ không có các bến, bãi đỗ xe. Tuy nhiên, việc đỗ xe dưới lòng đường cũng nên lựa chọn các vị trí phù hợp, tránh ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện khác và việc đi lại, kinh doanh của những người cư trú gần khu vực đỗ xe.

Trong trường hợp này, đại diện Công ty Luật VIAD cho rằng, đối với chủ nhà, chủ cửa hàng, nhà hàng bị ô tô đỗ chắn ngang cửa, nên nhắc khéo người lái xe dịch lên hoặc dịch xuống để tránh việc chắn toàn bộ tầm nhìn của nhà hoặc chắn lối ra vào nhà. Hay nếu biết được quanh khu vực gần đó có vị trí dừng đỗ thuận tiện thì có thể thông báo cho tài xế biết để họ di chuyển đến điểm đỗ khác.

t

Nên có cách ứng xử văn minh, hoà nhã để được cả đôi bên.

Chủ nhà không nên to tiếng hoặc có lời lẽ không phù hợp gì người lái xe có thể sẽ cố tình đỗ xe lại và dùng luật để tranh luật bởi họ đang thực hiện quyền hợp pháp khi dừng đỗ xe. Đặc biệt, chủ nhà, chủ cửa hàng không nên có các hành vi khóa xe, sơn, vẽ, cạo sơn xe hoặc đập kính, phá gương, chọc lốp hay các hành vi phá hoại xe khác bởi theo phân tích ở trên, đây là hành vi trái pháp luật, ngoài việc phải bồi thường thiệt hại cho chủ xe, người thực hiện hành vi còn phải chịu các chế tài của pháp luật như đã phân tích trên.

Với người lái xe, nên lựa chọn vị trí đỗ để không gây ách tắc giao thông, không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, sinh hoạt của người dân. Nếu dừng đỗ xe có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hay sinh hoạt của người dân, hãy để lại số điện thoại liên lạc nhằm hạn chế những tối đa những tình huống đáng tiếc có thể xảy ra. 

Hiên tại pháp luật không có quy định xử phạt tài xế đỗ xe trước cửa nhà, cửa hàng nếu chỗ đỗ đó được phép đỗ theo đúng quy định. Do đó, cách giải quyết tốt nhất hiện nay là phải dung hoà cả hai bên. Cần "lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" bởi chuyện gì chúng ta cũng có thể giải quyết được nếu cả hai bên có sự trao đổi, thông cảm cho nhau.

Có thể bạn quan tâm

  • “Biến tướng” bãi đỗ xe ngầm

    14:49, 23/03/2021

  • Dự án bãi đỗ xe tại Hà Nội: Vì đâu vẫn “đắp chiếu”?

    17:00, 24/02/2021

  • Khi vấn nạn “luộc đồ xe máy” không còn là nỗi lo

    14:01, 24/01/2021

  • Hàng loạt dự án bãi đỗ xe ngầm “đắp chiếu”: Thừa – thiếu ở đâu?

    04:50, 14/10/2020

  • Bãi đỗ xe thành chung cư, trách nhiệm thuộc về ai?

    06:00, 17/05/2020

  • Choáng với chỗ đỗ xe ô tô giá 2 tỷ đồng

    17:00, 10/02/2020

BẢO LAM