Ô nhiễm không khí ở Hà Nội: Đi tìm giải pháp!

BẢO LAM 28/03/2021 09:00

Chỉ số chất lượng không khí đo được vào 12 giờ ngày 27/3 tại các điểm quan trắc trên địa bàn thành phố Hà Nội phần lớn duy trì ở mức trung bình và kém. Giải pháp khắc phục là gì?

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Ảnh: Bảo Lam

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Ảnh: Bảo Lam

Chất lượng không khí kém

Trang web moitruongthudo.vn của UBND thành phố Hà Nội cập nhật các điểm có chỉ số chất lượng không khí kém (từ 101-150) gồm: Công an phường Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm) có chỉ số 132; Công viên hồ Thành Công (quận Ba Đình) có chỉ số 124; Trường Mầm non Kim Liên (quận Đống Đa) có chỉ số 109; UBND phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) có chỉ số 111...

Trong khi đó, ứng dụng PAM Air (mạng lưới quan trắc môi trường không khí độc lập đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam phủ rộng tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, do Công ty Cổ phần tư vấn và tích hợp công nghệ D&L quản lý) cũng cho thấy, nhiều điểm quan trắc ở khu vực miền Bắc báo chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức xấu và rất xấu, có hại cho sức khỏe con người.

Cụ thể, một số điểm quan trắc đã cảnh báo chất lượng không khí rất xấu, ảnh hưởng tới sức khỏe con người như: Trường Mầm non thực hành Hoa Hồng (quận Đống Đa, Hà Nội); phố Lạc Trung, thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc); đường Cách mạng Tháng 8, thành phố Sông Công (tỉnh Thái Nguyên); Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh); Thư viện tỉnh Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang)…

Do thời thiết ngày 27/3 Bắc Bộ có mưa vài nơi, mưa phùn kèm sương mù về đêm và sáng, nên theo nhận định của các chuyên gia môi trường, có thể lớp sương mù khiến bụi lơ lửng bị nén xuống tầng sát mặt đất, không phát tán được lên cao khiến không khí ô nhiễm.

Thực tế trong suốt thời gian qua, các nhà phân tích đã đưa ra phân tích về nguyên nhân cũng như các giải pháp phòng chống, giảm ô nhiễm môi trường tại Hà Nội nói riêng và các tỉnh miền Bắc nói chung.

Lý giải về nguyên nhân gây ô nhiễm Hà Nội trong thời gian gần đây, giới chuyên gia môi trường cho rằng, do sự gia tăng của các phương tiện giao thông ngoài đường và hoạt động thi công công trình xây dựng trong bối cảnh sương mù và độ ẩm tăng đã khiến bụi mịn lơ lửng trong không khí. 

Hoặc một báo cáo từ năm 2020 cung chỉ ra, nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn ở Việt Nam được cho là do tăng trưởng nhanh chóng, chuẩn phát thải yếu đối với các nhà máy điện, phương tiện giao thông, công nghiệp, và tỷ lệ dùng than ngày càng cao trong sản xuất điện.

Hay như theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội, có nhiều nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm, trong đó việc đốt than tổ ong trong sinh hoạt hàng ngày của một bộ phận nhân dân và các hộ kinh doanh dịch vụ đã tạo ra chất thải, khí thải, gây những tác động xấu đến môi trường không khí do phát sinh bụi mịn PM2.5, khí CO, CO2, SO2...

Ô nhiễm không khí được đánh giá như một "kẻ giết người thầm lặng". Theo một nghiên cứu mới đây của Đại học Kinh tế Quốc dân, ô nhiễm không khí khiến khoảng 50.000 người Việt Nam tử vong mỗi năm, thiệt hại ước tính là 10,8-13,2 tỷ USD, chiếm khoảng trên dưới 5% GDP cả nước, bao gồm thiệt hại trực tiếp như chi phí khám sức khỏe, mua máy lọc không khí, và thiệt hại gián tiếp như giảm năng suất lao động.

 Tại Việt Nam ước tính mỗi năm có 34.000 ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí.

Tại Việt Nam ước tính mỗi năm có 50.000 ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí.

Giải pháp cấp bách nào?

Trước thực trạng này, đã có nhiều giải pháp từ cấp bách đến dài hạn đưa ra để giảm tác động từ ô nhiễm không khí tại Hà Nội, gần đây nhất là giải pháp từ đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội - ông Mai Trọng Thái. Ông Thái cho biết, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều phương tiện xe mô tô, xe gắn máy không bảo đảm điều kiện an toàn kỹ thuật dẫn đến chất lượng không khí của Hà Nội suy giảm.

Do vậy, việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí là hết sức cần thiết để giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững. Từ rà soát, đánh giá chất lượng môi trường của thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch kiểm soát bụi, khí thải tại các cơ sở công nghiệp, khí thải từ giao thông, công trình xây dựng; đồng thời, tăng cường tần suất quan trắc môi trường không khí để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng...

“Để giảm ô nhiễm môi trường không khí, theo tôi cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, hộ kinh doanh nhỏ không sử dụng than, than tổ ong gây ô nhiễm môi trường; hướng dẫn các hộ dân sử dụng hiệu quả rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch thay cho việc đốt. Cùng với đó là xử lý nghiêm trường hợp đốt chất thải không đúng quy định; xây dựng phương án đề xuất loại bỏ xe mô tô, xe gắn máy không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật...” - ông Mai Trọng Thái nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quang Trung - Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, thời gian tới, quận Hai Bà Trưng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, phương tiện giao thông vận tải thân thiện với môi trường; chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp theo dõi chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường, thực hiện các giải pháp hiệu quả bảo đảm ngăn ngừa, hạn chế, giảm thiểu bụi, khí thải trong xây dựng; rà soát, đầu tư để tăng diện tích cây xanh, mặt nước trong phát triển đô thị.

Bên cạnh đó, quận sẽ tăng cường kiểm soát đối với các dự án, nhà máy có nguồn thải lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; nghiên cứu, xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng năng lượng sạch, công nghệ thân thiện với môi trường; công khai thông tin về các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí, các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường không khí...

Cho ý kiến về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Đình Hòe cho biết, nền kinh tế hiện nay là nền kinh tế ăn vào môi trường, chỗ nào cũng thấy xả thải ô nhiễm không khí, nguồn nước nhưng chế tài không mạch lạc, rõ ràng. Muốn quản lý tốt môi trường đô thị, hạn chế ô nhiễm, cải thiện môi trường cần có những chiến lược dài hơi 5-10 năm hoặc lâu hơn nữa.

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, muốn có một chiến lược bảo vệ môi trường tốt cần có sự tham gia của người dân đô thị, chiến lược này cần gắn với chiến lược quy hoạch công nghiệp, GTVT... Ví dụ các khu Đức Giang, khu bóng đèn phích nước Rạng Đông (Hà Nội) từng xảy ra cháy nổ, gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng sức khỏe người dân là do không làm tốt quy hoạch, di dời nhà máy ra khỏi nội ô chậm trễ.

Còn theo chuyên gia tư vấn môi trường Đào Nhật Đình, tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội đã kéo dài từ năm 1998 đến nay. Dù chính quyền Hà Nội đã dời các nhà máy như điện Yên Phụ, thuốc lá Thăng Long, cao su Sao Vàng ra khỏi nội ô, đồng thời chuyển tiêu chuẩn khí thải ôtô từ Euro 0 lên Euro 4, xăng đang chuyển từ dùng xăng có chì sang dùng xăng không chì, đường phố đã sạch hơn..., tóm lại Hà Nội đã làm được nhiều việc để cải thiện môi trường nhưng ô nhiễm không khí không giảm.

"Tất nhiên, cần tiếp tục sử dụng nhiên liệu thân thiện môi trường hơn, khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng chạy bằng điện nhiều hơn, nhưng dường như rất khó giảm được ô nhiễm không khí. Chẳng hạn, hiện nay nguồn gây ô nhiễm không khí vẫn do các phương tiện cá nhân xả thải, phần lớn bụi PM 2.5 là bụi thứ cấp và thải ra tới một mức nào đó sẽ xuất hiện bụi PM 2.5". - Đào Nhật Đình nói.

Theo ông Hoài, nếu chúng ta giảm khí thải xe cộ một nửa như Hà Nội giữa mùa COVID-19 thì mức độ ô nhiễm chưa giảm, lượng bụi PM 2.5 không giảm, phải giảm về 0 mới giảm được bụi PM 2.5. Thêm vào đó, nhiều địa phương đã nỗ lực đưa công nghệ thân thiện với môi trường vào sản xuất tại các nhà máy nhiệt điện than, nhà máy ximăng quanh Hà Nội nhưng các cụm công nghiệp làng nghề như làm giấy tại Bắc Ninh thì mức độ phát thải gây ô nhiễm vẫn như 20 năm trước và vẫn có tác động xấu đến Hà Nội.

Trước tình trạng ô nhiễm không khí diễn biến ở mức kém và xấu, ảnh hưởng tới sức khỏe con người, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nên hạn chế các hoạt động ngoài trời. Nếu nhà ở gần đường giao thông, người dân cần chú ý đóng cửa sổ vào buổi sáng; sử dụng khẩu trang chống bụi khi ra đường. Trong điều kiện thời tiết xấu, người dân cần vệ sinh đường hô hấp bằng nước muối sinh lý, thực hiện theo khuyến cáo 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) của Bộ Y tế.

Cùng với đó, Tổng cục Môi trường cũng khuyến cáo người dân qua theo dõi chất lượng không khí, cần chủ động sử dụng khẩu trang, kính mắt khi ra đường. Đặc biệt trong những ngày ô nhiễm không khí vừa qua, nhóm người nhạy cảm như người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch cần hạn chế ra đường.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 3/CT-TTg về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.

Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, ô nhiễm không khí tại nhiều địa phương trên toàn quốc vẫn có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, mức độ, nhất là tại các thành phố lớn, như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và sức khỏe cộng đồng. Nguyên nhân chính do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả; diện tích cây xanh, mặt nước trong phát triển đô thị chưa đạt yêu cầu; việc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật, chương trình, nhiệm vụ về kiểm soát ô nhiễm không khí chưa đồng bộ, hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung đẩy mạnh thực hiện các chương trình, nhiệm vụ về quản lý chất lượng không khí theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

Đặc biệt, từ nay đến giữa năm 2021, cần thực hiện ngay việc rà soát, đánh giá tình hình chấp hành pháp luật về kiểm soát bụi, khí thải tại các cơ sở công nghiệp, hoạt động giao thông, xây dựng thuộc phạm vi quản lý, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét tạm đình chỉ, đình chỉ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.

Liên quan việc thực hiện triển khai Chỉ thị 03/CT-TTg, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị  các bộ, ngành cùng thống nhất các biện pháp chỉ đạo địa phương, đồng bộ thực hiện nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, đáp ứng yêu cầu chính đáng của người dân.

Trước tình hình trên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chỉ đạo, Tổng cục Môi trường phải tổng kết việc thực hiện Quyết định 985a/QĐ-TTg về việc phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và đề ra các giải pháp trong năm 2022.

Theo đó, ngay tháng 3/2021, Tổng cục Môi trường làm đầu mối, thành lập đoàn liên ngành làm việc với UBND các tỉnh; xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị 03/CT-TTg, trong đó làm rõ mục đích, yêu cầu, phân công, tổ chức thực hiện cụ thể cho từng đơn vị trong và ngoài bộ.

Tổng cục Môi trường sẽ tham mưu với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện Chỉ thị 03/CT-TTg. Bộ Tài nguyên và Môi trường có hướng dẫn chung; các bộ, ngành theo công việc được Thủ tướng Chính phủ giao có hướng dẫn cụ thể.

Có thể bạn quan tâm

  • Báo động ô nhiễm không khí tại đô thị (Kỳ 1): “Sát thủ” thầm lặng

    11:00, 15/02/2021

  • Phương tiện cũ nát và vấn đề ô nhiễm không khí

    11:00, 05/01/2021

  • Giảm thiểu ô nhiễm không khí: Cần chiến lược dài hơi!

    05:00, 11/12/2020

  • Xử lý ô nhiễm không khí: Kỳ vọng vào Luật Bảo vệ Môi trường!

    09:19, 10/11/2020

  • Ô nhiễm không khí: “Thủ phạm” làm tăng số ca tử vong vì COVID-19

    05:00, 06/08/2020

  • Hà Nội lại vào top "10 thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới"

    10:05, 28/07/2020

  • HÀ NỘI Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ: Rửa đường có giảm được ô nhiễm?

    05:32, 09/06/2020

  • HÀ NỘI Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ: Chất lượng không khí xấu đi vào chiều tối

    05:30, 08/06/2020

  • [HÀ NỘI Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ] Lại vào "top” ô nhiễm nhất thế giới!

    11:00, 28/04/2020

  • [CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI TUẦN TỪ 24-29/2] Ô nhiễm không khí nguy hiểm không kém COVID-19

    05:00, 29/02/2020

  • [HÀ NỘI Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ] Nguy hiểm không kém COVID-19

    11:00, 28/02/2020

  • [HÀ NỘI Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ] Cần luật hóa việc cấm đốt ngoài trời

    11:12, 25/02/2020

  • [HÀ NỘI Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ] Thiếu công cụ quản lý hiệu quả!

    11:00, 24/02/2020

  • [HÀ NỘI Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ] Chỉ số bụi mịn vượt 3 lần mức cho phép

    04:50, 23/02/2020

BẢO LAM