TS Vũ Tiến Lộc: "Thế nước đang lên!"
Với vai trò “đứng mũi, chịu sào” của người đứng đầu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Ban lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, Việt Nam đã có một nhiệm kỳ nhiều năng lượng và rất thành công...
1. Đánh giá về những thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ này của Chủ tịch nước, của Quốc hội và Chính phủ tôi xin được bắt đầu bằng hai chữ “nhân hoà”. Chúng ta đã trải qua một nhiệm kỳ rất gian nan, nhất là từ đầu năm 2020 cho đến nay, khi mà trong 3 yếu tố của thành công, như ông cha ta thường nói, là “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” thì “thiên” có nhiều khó khăn, “địa” có nhiều bất lợi, nhưng yếu tố “nhân hoà” lại tỏa sáng ở nước ta. Sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý của các thiết chế lãnh đạo chủ chốt của đất nước: Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, sự đồng thuận trên dưới một lòng của cả hệ thống chính trị, của đồng bào ta, của cộng đồng doanh nghiệp đã trở thành cứu cánh và sức mạnh nội sinh để chúng ta có thể vượt qua thách thức đạt tới thành công. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là “kiến trúc sư”, là “nhạc trưởng” của mối quan hệ nhân hoà đó.
2. Điều thứ hai, tôi muốn chia sẻ là: Trong nhiệm kỳ qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Ban lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta đã khép lại được khoảng cách giữ lời nói và việc làm khi đẩy mạnh được cuộc chiến chống tham nhũng không ngừng nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đây là Cuộc chiến sinh tử của Đảng ta để bảo vệ chính mình, giữ lại được niềm tin của người dân vào Đảng, vào chế độ và tạo ra những động lực mới cho sự nghiệp phát triển nước nhà.
3. Điều thứ ba, nhiệm kỳ này của Chủ tịch nước, của Quốc hội và Chính phủ đã ghi dấu ấn đất nước ta được mùa đối ngoại, hội nhập đỉnh cao, thể hiện bản lĩnh, ý chí và quyết tâm chính trị của chúng ta trong việc đón bắt các xu thế của thời đại và huy động các nguồn lực quốc tế cho công cuộc phát triển đất nước. Trong lĩnh vực này, chúng ta cũng đạt được mục tiêu kép: vừa mở cửa sâu rộng, vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia dân tộc. Cách thức ứng xử “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, điềm tĩnh, khôn khéo, nương vào chính nghĩa, lấy đối thoại và thuyết phục làm trọng… đã góp phần hoá giải được những bất đồng và xung đột tiềm ẩn từ biển Đông, từ phía Bắc, phía Tây… giữ được bình yên cho sự nghiệp dựng xây nước nhà cũng là những thành quả quý giá.
Trong các hoạt động của cộng đồng quốc tế, chúng ta đã phát huy thế mạnh đặc biệt của mình. Thế nước đang lên. Chúng ta không chỉ làm tròn bổn phận của một đối tác có trách nhiệm như những năm trước đây, mà còn chủ trì thành công và tham gia kiến tạo, dẫn dắt một số sáng kiến và hoạt động quan trọng của cộng đồng quốc tế.
Đó là những điểm sáng nhiệm kỳ gắn liền với vai trò “đứng mũi, chịu sào” của người đứng đầu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Ban lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta.
4. Đối với Chính phủ, tôi xin chúc mừng Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một nhiệm kỳ nhiều năng lượng và rất thành công. Thủ tướng và các cộng sự của mình là các Phó Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã không chỉ là người làm chính sách mà còn đóng vai trò của các “đốc công”, “tả xung, hữu đột”… để đưa chính sách vào cuộc sống và đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Báo cáo công tác của Chính phủ đã đề cập toàn diện những nội dung này, tôi chỉ xin được nhấn mạnh thêm mấy điểm.
Một là, Chính phủ đã thành công trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát thấp và duy trì tăng trưởng cao trong bối cảnh khó khăn. Dù phải đối phó với dịch bệnh covid nhưng tăng trưởng kinh tế của giai đoạn 2016 - 2020 vẫn cao hơn, trong khi lạm phát chỉ bằng một nửa so với nhiệm kỳ trước. Bội chi ngân sách và nợ công cũng được kiểm soát tốt hơn.
Hai là, Chính phủ đã nỗ lực thúc đẩy cách thể chế kinh tế, trong đó tập trung vào hai mũi giáp công là cải cách thủ tục hành chính và thực hiện Chính phủ điện tử. Trong nhiệm kỳ, chúng ta đã xoá bỏ hàng ngàn giấy phép con, cắt giảm, đơn giản hoá 50% - 60% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành. Trong một số lĩnh vực 98% - 99% thủ tục hành chính được thực hiện trực tuyến. Chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp với cơ quan chính quyền các cấp được cải thiện. Theo xếp hạng quốc tế, năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh của nước ta cũng lần lượt tăng tới 10 và 20 bậc…
Ba là, các hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư “con thoi” của Chính phủ với sự yểm trợ, đồng hành của Chủ tịch nước, của Quốc hội, được đẩy mạnh, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết và đi vào thực hiện không chỉ mở không gian thị trường mà còn tạo động lực và không gian cải cách cho nền kinh tế Việt Nam.
5. Về những điểm còn hạn chế thì tôi đồng tình với những vấn đề được nêu trong báo cáo của Chủ tịch nước là: việc chỉ đạo một số nhiệm vụ cải cách tư pháp còn chậm. Điều này phù hợp với nhận định của Ngân hàng thế giới (WB), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cũng như các báo cáo khảo sát PCI của VCCI rằng: các thiết chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp ở nước ta luôn là một điểm nghẽn được xếp hạng chưa cao và chậm được cải thiện trong những năm qua.
Trong quản lý ODA thì việc phân vai, phân nhiệm giữa Chủ tịch nước với Chính phủ còn hình thức và chưa thực chất.
Chúng ta hy vọng những hạn chế này sẽ được khắc phục có hiệu quả trong nhiệm kỳ tới.
Về những hạn chế trong công tác điều hành của Chính phủ, tôi chỉ xin được nhấn mạnh 3 điểm:
Một là, chất lượng thể chế và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế nước ta, mặc dù đã được cải thiện, nhưng vẫn chưa cao, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của chúng ta, vẫn chưa lọt được vào nhóm các nước ASEAN-3, ASEAN-4 như mục tiêu kỳ vọng. Kế hoạch có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020 còn lỡ hẹn. Nhiều quy định pháp luật về kinh doanh còn chồng chéo. Cơ chế xin-cho dù đã giảm, nhưng thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực còn phiền hà, tiếp tục gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Hai là, về chính sách tiền tệ, thời gian qua tốc độ tăng trưởng cung tiền và tín dụng vẫn luôn cao hơn tốc độ tăng GDP danh nghĩa. Điều này tiềm ẩn nỗi lo về khả năng lạm phát cũng như nợ xấu trong tương lai.
Ba là, về chính sách tài khóa, thu ngân sách Nhà nước vẫn còn dựa nhiều vào thu từ đất đai, từ tài nguyên nên thiếu tính bền vững. Trong chi ngân sách Nhà nước thì tỷ lệ chi thường xuyên còn lớn vì bộ máy còn cồng kềnh, đầu tư công còn kém hiệu quả do dàn trải, cơ chế huy động sức dân vào đầu tư phát triển còn nhiều vướng mắc... Những hạn chế này nếu không được khắc phục kịp thời thì hiện tượng quá tải về cơ sở hạ tầng chắc chắn sẽ là một trong những điểm nghẽn lớn nhất cản trở yêu cầu tăng trưởng nhanh và bền vững của đất nước trong những năm tới đây.
Những thách thức nêu trên cho thấy Chủ tịch nước, Quốc hội và Chính phủ trong nhiệm kỳ tới còn rất nhiều việc phải làm. Nhưng chúng ta tin tưởng rằng, với hành trang là những thành tựu và bài học đã đạt được, cùng với sự đoàn kết, đồng lòng, với tầm nhìn xa, trông rộng và hành động quyết liệt, nhất định Ban lãnh đạo của chúng ta sẽ hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ đặt ra cho một nhiệm kỳ có ý nghĩa then chốt, khởi động hành trình xây dựng đất nước hùng cường, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của chúng ta.
(Bài phát biểu của TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tại phiên thảo luận ở hội trường về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 -2021 của Chủ tịch nước và Chính phủ ngày 29/3/2021).
Có thể bạn quan tâm
Chính phủ đã để lại những tình cảm đẹp, những việc làm ấn tượng khó quên
11:05, 29/03/2021
Chính phủ thừa nhận còn nhiều hạn chế cần khắc phục trong nhiệm kỳ tới
11:00, 29/03/2021
Cơ sở để chuyển đổi Chính phủ quản lý sang Chính phủ phục vụ
11:00, 29/03/2021
Kỳ tích chống COVID-19: “Cú hích” cho mục tiêu hùng cường vào năm 2045
10:12, 29/03/2021
Quốc hội là tinh túy, tinh hoa
05:00, 29/03/2021
Đại biểu Quốc hội trăn trở cuối nhiệm kỳ
12:05, 27/03/2021
Tăng cường hiệu lực giám sát của Quốc hội; tránh tham nhũng chính sách
13:00, 26/03/2021
[eMagazine] Dấu ấn Chủ tịch nước, Quốc hội và Chính phủ nhiệm kỳ khoá XIV
10:00, 25/03/2021
6 bài học kinh nghiệm nhìn từ Quốc hội khóa XIV
10:44, 24/03/2021
Nhiệm kỳ thành công của Quốc hội khóa XIV: Điều chỉnh phù hợp, xây dựng và định hình luật chơi
10:32, 24/03/2021
Nhiệm kỳ thành công của Quốc hội khóa XIV: Đi “đến cùng” vấn đề được giám sát
10:21, 24/03/2021
Nhiệm kỳ thành công của Quốc hội khóa XIV: Hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc
09:58, 24/03/2021
Khai mạc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV
05:38, 24/03/2021
Đã giới thiệu 205 người ứng cử Đại biểu Quốc hội ở Trung ương
16:01, 18/03/2021
Ông Phạm Minh Chính được giới thiệu ứng cử Quốc hội ở khối Chính phủ
10:37, 18/03/2021
Quốc hội bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng tại kỳ họp tới
12:15, 15/03/2021
Hội nghị Trung ương 2: Giới thiệu nhân sự ứng cử Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội
10:00, 08/03/2021
Nhiều điểm mới trong công tác nhân sự đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp
11:50, 25/02/2021
Quốc hội bầu lãnh đạo nhà nước vào cuối tháng 3
13:06, 23/02/2021