Mỹ và các nước thúc giục tiếp tục điều tra về nguồn gốc virus gây COVID-19
Báo cáo nguồn gốc COVID-19 của nhóm chuyên gia thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn tiếp tục gây tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc.
Mỹ đã ký vào một tuyên bố chung cùng 13 quốc gia khác nhằm chỉ trích báo cáo điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới về nguồn gốc dịch bệnh COVID-19.
Cụ thể, chính phủ các quốc gia bao gồm Úc, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cùng một số các quốc gia khác cho rằng, nhóm chuyên gia của WHO đã bị trì hoãn chuyến công tác và thiếu quyền truy cập vào dữ liệu thô.
Tuyên bố chung nêu rõ, việc đánh giá một cách nhanh chóng, độc lập và không bị cản trở là những yếu tố rất quan trọng để người dân, các tổ chức y tế công cộng, các ngành công nghiệp và chính phủ các quốc gia ứng phó thành công và ngăn chặn các đại dịch trong tương lai,
Chính vì vậy, các quốc gia kêu gọi thực hiện các nghiên cứu mới về nguồn gốc của đại dịch COVID-19 một cách minh bạch và độc lập, không bị can thiệp cũng như cần được tiếp cận với mọi nguồn dữ liệu cần thiết.
Tương tự, phái đoàn của Liên minh châu Âu tại Liên hợp quốc đã ra một tuyên bố riêng cùng quan điểm với tuyên bố chung của Mỹ và các quốc gia nêu trên.
Có thể thấy, việc báo cáo của nhóm chuyên gia WHO chưa đưa ra kết quả rõ ràng về nguồn gốc của dịch COVID-19 đã không làm thỏa mãn các nhà lãnh đạo trên thế giới. Đặc biệt, chính quyền Mỹ đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo chính quyền Trung Quốc can thiệp vào báo cáo của WHO.
Mặc dù Tổng thống Joe Biden đã thay đổi quan điểm đối với WHO, nhưng Washington vẫn tiếp tục bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về cuộc điều tra và thúc giục Bắc Kinh cung cấp thêm thông tin.
Theo Josef Braml, chuyên gia về các vấn đề của Hoa Kỳ tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, việc Mỹ và các nước tiếp tục gây sức ép cho WHO xuất phát từ những bất đồng về những kết luận mà các chuyên gia đưa ra.
“Cụ thể, nhóm điều tra bác bỏ giải thuyết việc virus bị rò rỉ trong phòng thí nghiệm, nhưng sau đó Tổng giám đốc WHO cho biết không loại bỏ bất kỳ khả năng nào đã khiến các quan chức Mỹ nghi ngờ về tính minh bạch của báo cáo”, ông Braml cho biết.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng chỉ ra, Cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, người thúc đẩy giả thuyết virus gây COVID-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán – nổi tiếng là người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc. Với vị thế của mình, ngay cả khi mọi người không nhất thiết phải tin tất cả những gì ông ấy nói, họ cũng cần phải xem xét nó một cách nghiêm túc. Đó là lí do vì sao giả thuyết của ông được những Nghị sĩ theo phe “diều hâu” trong Quốc hội Mỹ tán đồng.
Chính vì vậy, dự kiến trong thời gian tới, Mỹ sẽ tiếp tục kêu gọi gia tăng sức ép với WHO và Trung Quốc để tiến hành các cuộc điều tra mới và yêu cầu được cung cấp các nguồn dữ liệu thô mà Bắc Kinh chưa cho phép. Điều này có thể dẫn tới căng thẳng gia tăng giữa hai cường quốc.
Tuy nhiên trên thực tế, trong khi các nhà lãnh đạo toàn cầu muốn có câu trả lời ngay lập tức, việc tìm ra nguồn gốc chính xác của một dịch bệnh cần có thời gian, và đôi khi không bao giờ được tìm thấy.
Việc truy tìm nguồn gốc virus không bao giờ là một nhiệm vụ đơn giản và đòi hỏi nỗ lực chung lâu dài của các nhà khoa học. Theo Liang Wannian, trưởng nhóm chuyên gia phía Trung Quốc thuộc nhóm WHO-Trung Quốc cho biết, “với tư cách là các nhà khoa học, chúng tôi muốn trình bày một báo cáo hoàn chỉnh, chặt chẽ và khoa học ở mức tối đa, vì vậy quá trình này mất một thời gian dài để có thể đưa ra kết quả đáp ứng được nhu cầu của các bên”.
Có thể bạn quan tâm
Bác bỏ thông tin nguồn gốc virus gây COVID-19 lây lan qua thực phẩm
11:04, 20/02/2021
Nhiều hoài nghi xung quanh kết quả điều tra nguồn gốc virus gây COVID-19
06:10, 11/02/2021
Vẫn “tù mù” về nguồn gốc virus SARS-CoV-2
02:10, 10/02/2021
Chuyên gia WHO: Có thể nghiên cứu hang dơi để tìm nguồn gốc virus SARS-CoV-2
15:20, 05/02/2021