Xã hội hóa vaccine COVID-19 như thế nào?
Trước động thái nhiều doanh nghiệp, địa phương muốn mua vaccine COVID-19 theo phương thức xã hội hóa.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đang giao cho các cơ quan chuyên môn giữa Bộ Y tế với các bộ ngành khác để phối hợp, sau đó mới trình Thủ tướng và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 để ra hướng dẫn chung.
- Khi nào sẽ có hướng dẫn này, thưa ông?
Cơ quan chuyên môn đang nghiên cứu, chắc phải có một thời gian nhất định.
- Nghị quyết số 21/NQ-CP (Nghị quyết 21), ngày 26/2/2021 về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 quy định, khuyến khích các đơn vị đủ điều kiện tổ chức tiêm chủng tự nguyện cho các tổ chức, cá nhân có yêu cầu và tự chi trả chi phí tiêm chủng. Vậy tại sao quá trình xã hội hóa vaccine COVID - 19 không được tiến hành nhanh hơn, thưa ông?
Việc xã hội hóa vaccine COVID-19 chỉ là xã hội hóa về nguồn tiền mua vaccine, còn những điều kiện khác như: nhập khẩu, bảo quản, phân phối và sử dụng thì cần tuân thủ các quy định chung. Cần có hướng dẫn cụ thể xem đối tượng, hình thức tiêm như thế nào, cung ứng bảo quản ra sao. Vì việc tiêm vaccine COVID-19 phụ thuộc hoàn toàn vào kỹ thuật của y tế.
Hầu hết các vaccine yêu cầu bảo quản ở 2-8 độ C (như AstraZeneca/Oxford). Nhiều loại (như hãng Pfizer-BioNTech, Moderna) cần bảo quản, vận chuyển với nhiệt độ âm 80 độ C đến âm 20 độ C, e rằng nhiều doanh nghiệp không có dây chuyền bảo quản này. Bên cạnh đó, cán bộ tiêm phải là người của ngành y tế, doanh nghiệp không có thì cần đặt ra vấn đề liên kết y tế như thế nào.
Ngoài ra, cần chọn đối tượng tiêm: đối tượng tiêm đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, chứ không phải tiêm dịch vụ hoặc không phải tiêm theo xã hội hóa, muốn tiêm thế nào thì tiêm.
Nên nhớ đây là tiêm chủng trong phòng chống dịch chứ không phải tiêm chủng mở rộng.
- Thưa ông, lô vaccine COVID-19 đầu tiên gồm 811.200 liều trong cam kết hỗ trợ của COVAX Facility cho Việt Nam đã về đến Hà Nội vào ngày 1/4/2021, với thời hạn sử dụng của vaccine ngừa COVID-19 tính từ ngày sản xuất chỉ là 6 tháng, trừ thời gian lưu kho, vận chuyển về đến Việt Nam, tính ra hạn sử dụng là chỉ còn 2 tháng. Bộ Y tế sẽ có cơ chế phân bổ, đẩy nhanh tiến độ như thế nào để tiêm được hết số lượng vaccinne trong thời hạn cho phép?
Để chủ động, Bộ Y tế - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 rà soát lại tất cả đối tượng ưu tiên theo thứ tự 9 nhóm trong Nghị quyết 21 và dự kiến phương án phân bổ ngay. Bộ Y tế quyết định phân bổ ngay cho các tỉnh, đơn vị. Sau khi phân bổ, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đôn đốc chỉ đạo.
Tôi nghĩ trong vòng 2 tháng nữa, với số lượng vaccine không nhiều, khả năng tiêm hết số vaccine này trong thời hạn đó là hoàn toàn khả thi.
- Đợt tiêm vaccinne COVID-19 vừa rồi, mức độ nặng nhất trong các phản ứng xảy ra là gì, thưa ông?
Có một vài trường hợp xảy ra: tức ngực, khó thở, đau đầu, buồn nôn, huyết áp tụt, mạch nhanh, những biểu hiện của tác dụng không mong muốn ở mức độ 3. Nhưng Bộ Y tế đã chỉ đạo chuẩn bị ngay từ đầu, các bệnh viện cũng đã sẵn sàng các phương án, nên các trường hợp có xảy ra phản ứng đều được xử lý rất kịp thời, không có trường hợp nào đáng tiếc xảy ra.
- Thưa ông, Canada vừa dừng tiêm vắc xin COVID-19 của AstraZeneca cho người dưới 55 tuổi, chờ phân tích mới về lợi ích cũng như rủi ro của loại vaccine này dựa trên độ tuổi và giới tính. Vaccine AstraZeneca là vaccine COVID-19 đầu tiên được phê duyệt lưu hành tại Việt Nam, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Đó là quan điểm của nước bạn. Còn Việt Nam vẫn tuân thủ theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới, và theo cam kết giữa Việt Nam với các nhà sản xuất. Đến nay, qua báo cáo của các cơ quan chuyên môn, tất cả những tác dụng không mong muốn ở các nước trên thế giới đưa ra thực ra vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, chưa có kết luận chính thức về ảnh hưởng của vaccine đối với các trường hợp như các nước trên thế giới thông báo.
- Theo Nghị quyết 21, Chính phủ giao Bộ Y tế bằng các nguồn, từ nguồn mua, viện trợ, xã hội hóa hợp pháp… Bộ Y tế phụ thuộc từng giai đoạn sẽ cung cấp đủ 150 triệu liều, trong năm 2021. Với bối cảnh hiện nay, liệu kế hoạch này Bộ có hoàn thành, thưa ông?
Ngoài nguồn cung cấp vaccine cho Việt Nam từ COVAX, AstraZeneca, Bộ Y tế cũng đang đàm phán với Pfizer. Ngoài ra, Bộ cũng đang đàm phán và tiếp cận nguồn vaccine từ một số nước như Nga, Ấn Độ và doanh nghiệp khác.
Nếu chúng ta cung ứng được đủ 150 triệu liều thì sẽ đảm bảo được tỷ lệ tiêm trên 70% dân số.
Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào các đơn vị sản xuất, vì hiện nay, cung thấp mà cầu thì rất cao. Kế hoạch Chính phủ giao, Bộ Y tế sẽ cố gắng ở mức cao nhất.
- Xin cảm ơn ông!
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về PCD COVID-19 cuối tháng 2 vừa qua, nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với đề xuất của một số địa phương (như Hà Nội, Hải Phòng...) về việc mua vaccine theo phương thức xã hội hóa theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương có thể trích ngân sách đóng góp với Chính phủ mua vaccine PCD. Mặt khác, các ban, bộ, ngành và các địa phương cần huy động tất cả nguồn lực, vận động tài trợ, đóng góp của doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và nhân dân để có thêm nguồn kinh phí mua vaccine tiêm phòng cho nhân dân. Các doanh nghiệp cũng có thể tự bỏ kinh phí mua vaccine tiêm ngừa COVID-19 cho người lao động. Các cá nhân có thể đăng ký tiêm vaccine có trả phí...
Có thể bạn quan tâm
Hơn 800.000 liều vaccine COVID-19 do Covax tài trợ được phân bổ ra sao?
02:03, 08/04/2021
Bộ Y tế: chuẩn bị các kịch bản cho việc sử dụng "hộ chiếu vaccine" trong tương lai
21:00, 31/03/2021
Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu 'hộ chiếu vaccine', mở lại đường bay quốc tế
15:21, 17/03/2021
Bệnh viện Đa khoa Hà Đông triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 1 cho nhân viên y tế
14:49, 15/03/2021
Cẩn trọng “ngoại giao” vaccine của Trung Quốc
05:00, 07/03/2021
Việt Nam hoàn thành thủ tục tiếp nhận vaccine COVID-19
09:38, 17/02/2021
Vaccine của Việt Nam tạo ra phản ứng tốt với cả biến chủng SARS-CoV-2
10:23, 09/02/2021
Vaccine AstraZeneca an toàn và hiệu quả trong việc ngăn ngừa COVID-19
16:22, 05/02/2021
Vaccine COVID-19 đầu tiên được cấp phép lưu hành ở Việt Nam có gì đặc biệt?
14:40, 30/01/2021