Đang có quan hệ hữu hảo, vì sao Nhật Bản vẫn “nắn gân” Trung Quốc ở Biển Đông?
Tại sao Nhật lại “nắn gân” Trung Quốc ở Biển Đông trong bối cảnh quan hệ Nhật - Trung đang có mối quan hệ hữu hảo?
Ngày 28/3, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Nhật-Indo gửi thông điệp phản đối khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong thông điệp, Nhật - Indonesia đã thống nhất tập trận chung như một lời đáp nhằm vào thông tin tàu Trung Quốc neo ở đá Ba Đầu.
Thông điệp diễn ra sau sự kiện Philippines, dưới triều đại của Tổng thống Rodrigo Duterte thân Trung Quốc ra mặt, có cử chỉ hiếm hoi phản đối 200 tàu cá Trung Quốc từ 7/3 đến giờ bao vây một bãi đá của Việt Nam mà họ cũng tuyên bố chủ quyền.
Ngay sau đó, ngày 30/3, Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng của Nhật Bản và Indonesia đã có cuộc họp "2 + 2", với nội dung được xem như tín hiệu thể hiện sự phản đối dành cho các hoạt động khiêu khích gần đây của Trung Quốc tại Biển Đông.
Tại cuộc họp này, Nhật Bản và Indonesia tìm cách thúc đẩy hợp tác quốc phòng với trọng tâm là các cuộc đàm phán về một thỏa thuận cho phép Tokyo xuất khẩu thiết bị quốc phòng cho Jakarta.
“Đó là một thỏa thuận quan trọng đối với Indonesia, vốn đang cần nâng cấp khả năng phòng thủ trên biển…Indonesia không thể đối đầu với Trung Quốc về số tàu thuộc hải quân hay lực lượng tuần duyên, nhưng tôi nghĩ khi có được những thiết bị tiên tiến và cuộc tập trận từ những quốc gia như Nhật, Indonesia ít nhất có thể tự tin khi cuộc đối đầu diễn ra”, nhà nghiên cứu Natalie Sambhi, sáng lập Verve Research - một tổ chức nghiên cứu độc lập ở Úc tập trung vào các mối quan hệ quân-dân sự ở Đông Nam Á, nhận định.
Theo giới quan sát quốc tế, cuộc họp của các quan chức Nhật Bản và Indonesia mang theo thông điệp gửi tới Trung Quốc, xét tới những hành động gần đây của Bắc Kinh mà đặc biệt là sự hiện diện của hơn 200 tàu Trung Quốc tại đá Ba Đầu.
Mặc dù Trung Quốc nói đây là những tàu cá, nhưng phía Philippines lại khẳng định đó là lực lượng tàu dân quân biển.
Điều đáng nói là tuyên bố của Nhật rất khác thường bởi Nhật - Trung đang trong thời kỳ hữu hảo. Cả hai đều chiếm vị trí nhì và ba thế giới xét về GDP danh nghĩa, lần lượt là 14.861 tỷ USD và 4.910 tỷ USD năm 2020; thậm chí thứ nhất và thứ tư thế giới xét về GDP theo sức mua tương đương, 24.162 tỷ USD và 5.236 tỷ USD cũng năm 2020.
Năm 2018, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã từng cho rằng “quan hệ Nhật Trung đang tiến theo hướng đạt các tiến bộ to lớn”.
Tuy nhiên, xét nhìn ở một góc độ khác sẽ thấy câu chuyện không đơn giản như vây. Quay trở lại năm 2021, khi Trung Quốc khởi xướng Sáng kiến Vành đai & Con đường (BRI) thì cùng thời điểm đó, Nhật tuyên bố mua ba hòn đảo của một tư nhân ở quần đảo tranh chấp Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
4 năm sau (năm 2016), đích thân Thủ tướng Abe nêu sáng kiến “Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương” (IPS) như một đối trọng với BRI của Trung Quốc. Và Biển Đông được coi như một trong những trọng tâm của IPS nhằm kiềm chế Trung Quốc trên quy mô toàn cầu.
Do đó, Nhật Bản đã đưa các tranh chấp ở Biển Đông và vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông vào cùng một danh sách mang tên mâu thuẫn Nhật - Trung. Ngày 4/3/2020, tại phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nhật, ngoại trưởng Toshimitsu Motegi đã kết nối hai việc này vào cùng một nhóm vấn đề chiến lược mà Nhật cần suy ngẫm.
Như vậy có thể khẳng định, động thái của Nhật Bản hôm 28/3 vừa qua thực ra đã nằm trong tư tưởng cốt lõi của Nhật là làm thế nào để tự vệ trước một Trung Quốc ngày càng hùng mạnh. Và cuộc gặp cuộc gặp "2 + 2" với Indonesia ngày 30/3 có thể xem là ví dụ điển hình cho sự quan tâm ngày càng lớn của Tokyo đối với vấn đề Biển Đông và những hành động của Trung Quốc, cũng như xa hơn là chiến lược tăng cường sức ảnh hưởng của nước này trong bức tranh an ninh khu vực.
Thực tế cho thấy, từ sau khi gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc hồi tháng 1 năm nay để phản bác quyền vẽ "đường cơ sở" của Trung Quốc ở Biển Đông, người Nhật đã gia tăng sức ép về pháp lý lên các động thái liên quan của Bắc Kinh, ví dụ luật hải cảnh mới và việc neo đậu hơn 200 tàu tại đá Ba Đầu lần này.
Tại hội thảo trực tuyến với chủ đề "Những vấn đề Biển Đông nhìn từ quan điểm và luật pháp quốc tế - an ninh biển", do Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Học viện Ngoại giao tổ chức ngày 30/3 vừa qua, giáo sư luật quốc tế tại Đại học Yokohama (Nhật Bản) Seta Makoto phân tích rằng cuộc tập trận này nhằm thể hiện mối quan hệ mạnh mẽ giữa Nhật Bản và Indonesia, đồng thời chứng minh ý chí của họ (không phải nghĩa vụ pháp lý) rằng họ có thể hợp tác với nhau khi một trong hai bên bị tấn công quân sự.
Đến thời điểm hiện tại, tuy chi tiết về các cuộc tập trận ở Biển Đông của Nhật Bản và Indonesia chưa được công bố, nhưng tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn lời chuyên gia Ian Storey (Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak, Singapore) cho rằng, cuộc tập trận có thể diễn ra trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia. “Điều này sẽ làm nổi bật quyết tâm bảo vệ các quyền chủ quyền của nước này, đặc biệt trong vùng biển xung quanh quần đảo Natuna", ông Storey nhận định.
Theo SCMP, quần đảo Natuna nằm ở phía nam Biển Đông. Cơ quan an ninh hàng hải Indonesia (BAKAMLA) lâu nay cáo buộc các tàu Trung Quốc đánh bắt trái phép trong EEZ của nước này xung quanh quần đảo Natuna và đã có không ít lần đối đầu với tàu hải cảnh hộ tống tàu cá Trung Quốc ở khu vực. Bắc Kinh khẳng định không có tranh chấp chủ quyền với Indonesia, nhưng lại tuyên bố khu vực Jakarta xem là EEZ của Indonesia xung quanh Natuna nằm trong ngư trường truyền thống của Trung Quốc,
Nhật Bản và Indonesia đã tiến hành cuộc tập trận chung ở biển Natuna, phía nam Biển Đông vào tháng 10.2020. Tham gia cuộc tập trận khi đó, phía Nhật có tàu khu trục chở trực thăng JS Kaga (DDH 184) và khu trục hạm JS Ikazuchi (DD 107) và phía Indonesia thì triển khai 2 khinh hạm KRI John Lie (358) và KRI Sutanto (377). Cuộc tập trận được cho là nhằm gia tăng niềm tin và sự hợp tác về an ninh biển giữa Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) và hải quân Indonesia.
Chuyên gia Storey cho rằng các cuộc tập trận chung sắp tới với Indonesia sẽ nhấn mạnh Nhật sẵn sàng tăng cường hỗ trợ những nước Đông Nam Á có tranh chấp về Biển Đông, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng hoạt động gây quan ngại ở khu vực.
Có thể bạn quan tâm
Mỹ tiếp tục phản đối Trung Quốc đe dọa các nước ở Biển Đông
14:40, 07/04/2021
Mỹ và các đồng minh "hợp lực" ngăn Trung Quốc thống trị Biển Đông
11:00, 07/04/2021
Trung Quốc đang tổng lực chiếm Biển Đông!
06:15, 07/04/2021
Trung Quốc tiếp tục “khiêu khích” ở Biển Đông
04:00, 01/04/2021
Sách lược mềm dẻo ở Biển Đông
05:30, 30/03/2021
Tàu Trung Quốc tại Đá Ba Đầu: Bước “leo thang” nguy hiểm ở Biển Đông
05:08, 26/03/2021
Tập trung tàu cá tại Đá Ba Đầu: Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế như thế nào?
05:02, 14/04/2021
Tập trung tàu cá tại Đá Ba Đầu: Trung Quốc làm "xói mòn lòng tin" của các nước!
11:00, 13/04/2021
Cảnh báo nguy cơ xung đột từ vụ tàu Trung Quốc tại Đá Ba Đầu
05:00, 06/04/2021