GÓC NHÌN CHÍNH TRỊ-XÃ HỘI: Cẩn trọng với "hộ chiếu vaccine"
Việt Nam sẽ triển khai "hộ chiếu vắc xin" ra sao để đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế?
Kể từ tháng 2/2021 đến nay, yêu cầu triển khai "hộ chiếu vắc xin", các giải pháp kỹ thuật cần có, làm sao để thực hiện "hộ chiếu vắc xin" an toàn... đã được Bộ Y tế nói đến nhiều. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có dự kiến về thời điểm có thể triển khai, mặc dù đây được coi là "cuộc cạnh tranh" với các nước trong khu vực để đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Mới đây nhất, ông Đặng Quang Tấn - Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã đưa ra đề xuất cách ly người nhập cảnh có “hộ chiếu vaccine”. Theo đó, người nhập cảnh Việt Nam có “hộ chiếu vaccine” sẽ được xét nghiệm lần đầu vào ngày đầu tiên sau khi nhập cảnh; lần thứ hai vào ngày cách ly thứ 6. Lần xét nghiệm thứ ba được thực hiện vào ngày cuối trong chuỗi cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú. Nếu cả ba lần xét nghiệm âm tính, người nhập cảnh được kết thúc cách ly.
Như vậy, dự kiến tổng thời gian cách ly của người có “hộ chiếu vaccine” là 14 ngày, trong đó 7 ngày tập trung, 7 ngày tại nhà hoặc nơi lưu trú. Hiện nay, tất cả người nhập cảnh Việt Nam đều phải cách ly tập trung 14 ngày.
Căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 và tiến độ tiêm vaccine trên thế giới và tại Việt Nam, Bộ Y tế đề xuất các công dân của quốc gia, vùng lãnh thổ có thỏa thuận song phương, đa phương với Việt Nam về “hộ chiếu vaccine” phải được cơ quan có thẩm quyền của quốc gia, vùng lãnh thổ xác nhận đã tiêm vaccine phòng COVID-19 theo khuyến cáo của WHO và Việt Nam đủ mũi, đúng lịch, theo hướng dẫn của nhà sản xuất; Đã được tiêm trong khoảng thời gian ít nhất 2 tuần và không quá 12 tháng kể từ ngày tiêm mũi vaccine cuối.
Những trường hợp xuất, nhập cảnh có sử dụng “hộ chiếu vaccine” cần phải có mã QR xác nhận hoặc xuất trình chứng nhận đã được tiêm vaccine xin phòng COVID-19 của cơ quan có thẩm quyền của quốc gia, vùng lãnh thổ.
Theo PGS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, việc giảm thời gian cách ly với những người đã có chứng chỉ tiêm vaccine hợp lệ là cần thiết. Thậm chí, ông đề xuất với những người có “hộ chiếu vaccine”, sau khi nhập cảnh mà xét nghiệm PCR âm tính thì không cần phải cách ly.
Tuy nhiên, để có quy trình áp dụng hộ chiếu vaccine an toàn, ông Nhung đề xuất trước mắt nên làm thí điểm. "Việc giảm thời gian cách ly hoặc thậm chí không cần cách ly có thể thí điểm qua việc đón khách đến Nha Trang, nếu sau một thời gian cho kết quả tốt, đảm bảo không lây lan dịch bệnh ra cộng đồng sẽ mở rộng đến những nơi khác", ông Nhung nói.
Đồng thời, ông Nhung cho rằng, hiện nay Việt Nam vẫn cần đặt mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn về dịch bệnh. Mục tiêu này phải dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Đầu tiên, các cơ quan phải xây dựng quy trình an toàn, như công nhận các loại vaccine nào, thời gian từ khi tiêm đến khi nhập cảnh là bao lâu, cách tiêm có đúng hướng dẫn hay không, hiệu lực của vaccine ra sao... "Đặc biệt phải có quy trình để phát hiện hộ chiếu vaccine giả", ông Nhung cảnh báo.
Ngoài ra, Việt Nam cần yêu cầu tất cả những người nhập cảnh khai báo y tế, cài đặt ứng dụng Bluzone để giám sát và truy vết khi cần thiết; khi người mang hộ chiếu vaccine xuất cảnh, tiếp tục xét nghiệm PCR lần nữa.
Cho ý kiến về vấn đề này, ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho biết, nhiều nước trên thế giới đã đưa ra biện pháp chỉ đón những du khách đã được tiêm chủng COVID-19, đó là những người có "hộ chiếu vaccine"… với thời gian đủ 28 ngày và yêu cầu thêm trong vòng 3 ngày trước khi du khách rời nước họ, phải xét nghiệm nhanh PCR cho kết quả âm tính.
Để tìm được giải pháp hiệu quả nhất, Việt Nam phải thành lập một nhóm hoặc tổ chức gồm nhiều chuyên gia bao gồm đủ các ngành, từ y tế, ngoại giao đến công an, quốc phòng, VH-TT&DL… để bàn thảo và đưa ra tiêu chí mở cửa đón khách du lịch quốc tế.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Viet Foot Travel - một trong những công ty đang đẩy mạnh việc đưa chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam bày tỏ sự vui mừng trước thông tin "hộ chiếu vaccine" được xem xét. Theo ông Nghĩa, "hộ chiếu vaccine có thể tạo nên cú hích cho ngành du lịch khi được áp dụng rộng rãi trong tương lai".
Về lo ngại việc đưa khách du lịch có thể làm bùng phát dịch trở lại, ông Phạm Duy Nghĩa cho rằng: "Nếu muốn làm, chúng ta cần đi từng bước. Khi tâm lý chưa yên tâm về dịch bệnh, thông tin đưa khách quốc tế vào Việt Nam rõ ràng sẽ khiến nhiều người lo sợ". Đại diện công ty này nhấn mạnh, việc mở cửa thị trường khách quốc tế không phải câu chuyện ngày một, ngày hai. Vấn đề này chỉ thành công nếu dịch bệnh được khống chế, tâm lý người dân cởi mở hơn. Khi mọi thứ đã bình ổn, người dân sẽ nghĩ đến việc phát triển kinh tế.
Cho ý kiến về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), cho biết, đến thời điểm này, Việt Nam chưa có thay đổi trong các biện pháp phòng chống dịch cũng như cách ly người nhập cảnh có "hộ chiếu vaccine". Nhiều người kỳ vọng “hộ chiếu vaccine” là một giải pháp để thế giới sống chung với đại dịch Covid-19, nhưng vấn đề này hiện nay các nước vẫn còn nhiều tranh cãi.
Ông Phu cho biết, một người được tiêm vaccine ngừa Covid-19 đầy đủ, nếu thực sự có miễn dịch thì khi sang nước khác không bị lây bệnh và cũng không làm lây truyền bệnh. Như vậy, sẽ giải tỏa được khó khăn cho ngành du lịch, hàng không… Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý đến các rủi ro, nếu trước đây, để nghiên cứu ra một vaccine cần 4 - 5 năm, thậm chí 10 năm; trong khi đó vaccine phòng Covid-19 được nghiên cứu, cấp phép trong điều kiện khẩn cấp. Vì vậy, ông Phu cho rằng, mỗi quốc gia căn cứ vào đánh giá rủi ro, lợi ích, hợp tác giữa các bên để có thể có hình thức áp dụng phù hợp. Có thể kết hợp “hộ chiếu vaccine” với xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính để giảm thời gian cách ly.
Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu "hộ chiếu vaccine", mở lại đường bay quốc tế Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu từng bước mở lại các đường bay quốc tế, chuẩn bị tốt các phương án triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine” và giao thương có sự kiểm soát. Dịch bệnh thế giới suy giảm, tiêm chủng được triển khai trên diện rộng tại nhiều quốc gia và đang được triển khai khẩn trương tại nước ta theo lộ trình. Tuy nhiên, chủng virus mới nguy hiểm hơn đã xuất hiện, nguy cơ dịch bệnh luôn thường trực, không trừ tỉnh nào, đơn vị nào, công dân nào. Thủ tướng nhấn mạnh, nếu chúng ta lơ là, chủ quan, dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Đồng thời chúng ta quyết tâm tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu kép: Vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa bảo vệ sức khỏe của người dân, đưa cuộc sống trở lại bình thường để phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới. “Đây là một yêu cầu rất khó điều hành, xử lý. Chúng ta phải khéo léo, kịp thời”, Thủ tướng nói. Khi khó khăn chúng ta bình tĩnh, khi có dịch bệnh thì kiên quyết. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo các hoạt động kinh tế xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Gói an sinh xã hội thứ hai đối với những doanh nghiệp khó khăn, những người dân bị thiệt hại vẫn tiếp tục đặt ra trong giai đoạn tới. Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phù hợp về tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư trong thời gian tới để phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó với COVID-19. Đối với Bộ Y tế, khẩn trương tổ chức thực hiện tốt tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 bảo đảm an toàn, đúng đối tượng, hướng tới thực hiện tiêm chủng toàn dân, xem xét tiếp cận nguồn vaccine khác nhau, đánh giá kỹ mức độ an toàn vaccine, tiếp tục nghiên cứu phát triển vaccine trong nước để sớm đưa vào sử dụng, chậm nhất vào năm 2022. Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp khi triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine”. Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ đội Biên phòng tăng cường tuần tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ đường biên giới, cửa khẩu, cảng biển, ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép, nhất là tại các đường mòn, lối mở, khu vực cửa khẩu. Phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp cố tình nhập cảnh trái phép, duy trì chấp hành nghiêm kỷ luật quy định khi thực hiện nhiệm vụ. Bộ Công an chỉ đạo Công an các cấp phối hợp với chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ địa bàn dân cư, chấp hành nghiêm khai báo lưu trú, tạm trú, nhất là khai báo y tế. Cơ quan báo chí thông tin về tình hình dịch bệnh kịp thời, chính xác để cảnh báo người dân không chủ quan, lơ là trong phòng, chống COVID-19... |
Có thể bạn quan tâm
Xã hội hóa vaccine COVID-19 như thế nào?
14:22, 12/04/2021
Hơn 800.000 liều vaccine COVID-19 do Covax tài trợ được phân bổ ra sao?
02:03, 08/04/2021
Bộ Y tế: chuẩn bị các kịch bản cho việc sử dụng "hộ chiếu vaccine" trong tương lai
21:00, 31/03/2021
Cẩn trọng “ngoại giao” vaccine của Trung Quốc
05:00, 07/03/2021
Bộ Y tế yêu cầu thu hồi vắc xin COVID-19 nếu không tiêm hết trước 5/5
11:47, 16/04/2021
Vắc xin chống COVID-19 của Johnson&Johnson bị ngừng sử dụng
14:33, 14/04/2021
Vắc xin AstraZeneca gây chứng đông máu hiếm gặp: Vẫn còn nhiều tranh cãi
06:15, 09/04/2021