Philippines sẽ điều "tàu vỏ xám" đối phó Trung Quốc trên Biển Đông
Manila sẽ điều "tàu vỏ xám", tức loại tàu quân sự được ngụy trang đến Biển Đông nếu Trung Quốc tìm cách khai thác dầu mỏ, niken, đá quý... tại các khu vực tranh chấp.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết hôm 19/4 khi nói giải pháp đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông.
Mặc dù vẫn muốn “là bạn” vớ Bắc Kinh, song Tổng thống Duterte khẳng định các quan điểm của Philippines đối với các nguồn tài nguyên như dầu mỏ và khoáng sản ở Biển Đông.
Ông Rodrigo Duterte cho biết ông sẽ cử các tàu quân sự ra Biển Đông, nếu Trung Quốc thực hiện hành vi khoan dầu ở những khu vực tranh chấp.
Ở thời điểm hiện tại, ông Tổng thống Philippines cho biết "không quan tâm nhiều tới việc đánh bắt cá" và cho rằng tranh chấp về nghề cá không phải vấn đề đủ lớn để tranh cãi với Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc tìm cách khai thác dầu mỏ, niken, đá quý... tại các khu vực tranh chấp, thì Manila chắc chắn sẽ điều "tàu vỏ xám", tức loại tàu quân sự được ngụy trang đến Biển Đông để đối phó.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 19/4, một nhóm luật sư và giáo sư Philippines đã ra tuyên bố kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các hành động được cho là “khiêu khích” ở Biển Đông, thay vào đó là giúp các quốc gia chống lại đại dịch Covid-19.
Nhóm này kêu gọi Trung Quốc ngừng hành động khiêu khích trên Biển Đông và cùng các nước ASEAN chống lại đại dịch Covid-19 toàn cầu.
Những người đứng tên trong tuyên bố bày tỏ sự ủng hộ với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana trong việc yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu ra khỏi khu vực đang hiện diện và kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ các nguyên tắc luật pháp quốc tế với tư cách là một bên ký Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Trước đó, trong tuyên bố mới đây, lực lượng đặc nhiệm về Biển Đông của Philippines khẳng định: "Sự tràn ngập liên tục của các tàu Trung Quốc gây ra mối đe dọa đối với an toàn hàng hải và môi trường biển”.
Căng thẳng tại khu vực Biển Đông đang nóng lên trong những ngày gần đây, với việc hơn 200 tàu cá Trung Quốc bị cáo buộc đang neo đậu trái phép xung quanh khu vực Đá Ba Đầu, nằm trong cụm đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Căng thẳng ngày càng leo thang không không chỉ bởi sự xuất hiện của các tàu chiến Mỹ, Trung mà còn bởi cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Philippines.
Chỉ huy quân đội Philippines, Trung tướng Cirilito Sobejana cho biết, ngày 12/4, hơn 1.700 binh sĩ Mỹ và Philippines đã bắt đầu các cuộc tập trận quân sự kéo dài 2 tuần, ưu tiên là kiểm tra khả năng sẵn sàng trong việc ứng phó với các sự kiện như các cuộc tấn công của lực lượng cực đoan và thảm họa thiên nhiên.
Theo tuyên bố của Lầu Năm Góc, cuộc tập trận diễn ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 11/4 đề xuất với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines tăng cường các biện pháp nhằm làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa quân đội 2 nước. Các đề xuất bao gồm cách thức để "nâng cao nhận thức về các mối đe dọa ở Biển Đông".
Liên quan việc hàng trăm tàu Trung Quốc neo đậu ở Đá Ba Đầu, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, tại cuộc họp báo ngày 8/4 vừa qua, bà Lê Thị Thu Hằng - người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam đang theo dõi sát tình hình trên Biển Đông, trong bối cảnh hơn 200 tàu Trung Quốc neo đậu trái phép tại đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa.
"Các cơ quan chức năng Việt Nam luôn theo dõi sát diễn biến trên Biển Đông, bảo vệ và thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS)", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết.
Tuyên bố được bà Hằng đưa ra khi trả lời câu hỏi về tình hình tại đá Ba Đầu trong lãnh hải đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Philippines và nhiều nước khác gần đây liên tục lên tiếng phản đối việc hơn 200 tàu vỏ sắt Trung Quốc neo đậu trái phép tại bãi đá ngầm này mà không đánh bắt dù trời trong xanh và thời tiết thuận lợi.
Trong cuộc họp báo ngày 25/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Tập trung tàu tại Đá Ba Đầu: Chiến thuật cát lát salami mới của Trung Quốc!
05:03, 20/04/2021
Tập trung tàu cá tại Đá Ba Đầu: Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế như thế nào?
05:02, 14/04/2021
Tập trung tàu cá tại Đá Ba Đầu: Trung Quốc làm "xói mòn lòng tin" của các nước!
11:00, 13/04/2021
Cảnh báo nguy cơ xung đột từ vụ tàu Trung Quốc tại Đá Ba Đầu
05:00, 06/04/2021