Chuyên gia lo ngại tác dụng phụ của vắc xin Sinovac
Trung tâm quản lý tình huống COVID-19 Thái cho biết, 6 người gặp phản ứng giống như đột quỵ sau khi tiêm vắc xin Sinovac của Trung Quốc.
Cụ thể 6 nữ nhân viên y tế đã xuất hiện triệu chứng như buồn ngủ và tê bì tay chân sau khi tiêm vắc xin Sinovac vào đầu tháng 4 năm nay. Các bệnh nhân đã hồi phục và không gặp chứng đông máu, tuy nhiên những biểu hiện này chưa từng được ghi nhận tại Thái Lan.
Các chuyên gia y tế Thái Lan cho biết, cho đến nay chưa rõ nguyên nhân gây ra các triệu chứng trên. Họ cho rằng bệnh có liên quan tới hệ thần kinh và không gây chết người. Kết quả chụp não cho thấy tất cả bệnh nhân đều không bị đột quỵ. Lô vắc xin liên quan cũng không có vấn đề bất thường. Tình trạng của những người này đã được cải thiện sau khi các bác sĩ cho sử dụng thuốc làm tan máu đông. Ông cũng nhận định rằng, những phản ứng này xuất hiện có thể là do một số lô vắc xin nhất định, chứ không phải toàn bộ số vắc xin.
Giáo sư Kulkanya Chokephaibulki thuộc khoa Y, Bệnh viện Siriraj tại Đại học Mahidol cho biết, sáu người xuất hiện các mức độ khác nhau của các triệu chứng thần kinh và hồi phục hoàn toàn trong 1-3 ngày. Nhiều khả năng, các triệu chứng có liên quan đến việc tiêm chủng, bởi vì chúng xảy ra 5-10 phút sau khi tiêm.
Đây không phải lần đầu tiên vắc xin Sinovac gây phản ứng phụ đáng lo ngại. Trước đó, 12 người tại Hồng Kông đã mắc chứng liệt nửa mặt Bell's Palsy, một tình trạng hiếm gặp và đã tự khỏi sau khoảng hai đến ba tuần, sau tiêm loại vắc xin này.
Hầu hết những người mắc chứng liệt nửa mặt được ghi nhận là nam giới trong độ tuổi từ 37 đến 86, gồm 11 người tiêm vắc xin Sinovac, một người tiêm vắc xin của Pfizer-BioNTech. Tuy nhiên, hội chứng này đã được liệt kê là phản ứng phụ có thể xảy ra của vắc xin do Pfizer-BioNTech sản xuất.
Tiến sĩ Tasanee Tantirittisak thuộc Bộ Y tế Thái Lan cho rằng, còn quá sớm để kết luận có mối liên hệ trực tiếp giữa vắc xin và chứng Bell’s palsy. “Hội chứng này thường do virus herpes gây ra, người bệnh cần dùng thuốc kháng virus và steroid để giảm sưng dây thần kinh mặt. Chính vì vậy, ngay cả khi không có ai tiêm phòng COVID-19, bệnh liệt dây thần kinh mặt vẫn xảy ra do nhiều loại virus khác nhau. Hầu hết bệnh nhân sẽ bình phục trong vài tuần nếu được điều trị sớm", ông cho hay.
Mặc dù hiện tại, các chuyên gia y tế tại Thái Lan và Hồng Kông đều khẳng định vẫn sẽ tiếp tục triển khai tiêm chủng vắc xin Sinovac trên diện rộng, tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng, các quốc gia cần cân nhắc việc sử dụng thêm các loại vắc xin khác này khi quan chức Trung Quốc thừa nhận hiệu quả bảo vệ của vắc xin Sinovac không cao, chỉ đạt khoảng 50,4%.
Như vậy, sau một thời gian đưa vào sử dụng, các loại vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca, Johnson & Johnson và Sinovac đã xuất hiện các phản ứng phụ hiếm gặp. Tuy nhiên, với việc dịch bệnh COVID-19 đang tái bùng phát lại trên diện rộng, đặc biệt là tại khu vực Đông Nam Á, việc sử dụng vắc xin để tiêm chủng vẫn được khuyến khích sử dụng.
Nhưng các triệu chứng sau tiêm vắc xin có thể xảy ra tùy thuộc vào phản ứng của cơ thể mỗi người. Đó chính là lý do tại sao chính phủ quyết định rằng những người được tiêm chủng vắc xin COVID-19 phải được giám sát chặt chẽ trong 30 phút đầu sau tiêm.
Bên cạnh đó, các phản ứng phụ cần được tiếp tục theo dõi và nghiên cứu, đồng thời được ghi rõ để các bác sĩ có thể theo dõi và tìm ra cách thức chữa trị kịp thời khi gặp các trường hợp xuất hiện các triệu chứng đáng nghi ngại.
Có thể bạn quan tâm
Châu Âu khuyến cáo liệt kê chứng đông máu là tác dụng phụ của vắc xin Johnson & Johnson
11:00, 21/04/2021
Cần Thơ bắt đầu tiêm vắc xin phòng Covid-19 vào ngày 19/4
16:31, 16/04/2021
Bộ Y tế yêu cầu thu hồi vắc xin COVID-19 nếu không tiêm hết trước 5/5
11:47, 16/04/2021
Vắc xin chống COVID-19 của Johnson&Johnson bị ngừng sử dụng
14:33, 14/04/2021