GÓC NHÌN CHÍNH TRỊ-XÃ HỘI: Một góc nhìn về chuyện tăng học phí đại học

THANH BÌNH 24/04/2021 04:00

Tự chủ đại học – vấn đề được dư luận quan tâm thời gian qua và trong bối cảnh nhiều trường đại học đều thông báo tăng học phí trong mùa tuyển sinh năm 2021 – 2022 thì vấn đề này càng thêm “nóng”.

Đại học đồng loạt tăng học phí

Tăng học phí có lẽ là cụm từ gây nhiều ám ảnh với phụ huynh, học sinh trong mùa tuyển sinh một vài năm gần đây. Sau khi được tự chủ, nhiều trường đại học đã công bố mức học phí gây “choáng” khi có trường tăng tới hơn 5 lần.

Mùa tuyển sinh năm 2021, nhiều trường đại học đã công bố mức học phí dự kiến tăng như Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Trường Đại học Quốc tế (thuộc Đại học Quốc gia TPHCM), Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường Đại học FPT, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Học viện Tài chính...

Chẳng hạn: Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, từ năm học 2021-2022, mức học phí không phân chia theo khu vực mà sẽ “đồng giá” và tăng lên. Mức cao nhất không vượt quá 32 triệu đồng cho các ngành Y khoa, Dược học, Răng-hàm-mặt và không quá 28 triệu đồng cho các ngành Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Khúc xạ nhãn khoa, Y tế công cộng.

Học viện Tài chính cũng tăng thêm 3 triệu so với năm 2020, từ 12 triệu lên 15 triệu đồng/sinh viên/năm. Đại học FPT cũng tăng học phí đào tạo từ 25,3 triệu/học kỳ lên 27,3 triệu/học kỳ, chương trình đào tạo tiếng Anh tăng từ 10,35 triệu lên 11,3 triệu cho mỗi mức đào tạo. Học phí các năm tiếp theo dự kiến mỗi năm tăng 10%.

Đại học Bách khoa Hà Nội tăng học phí khá cao trog năm học 2021-2022

Đại học Bách khoa Hà Nội tăng học phí khá cao trog năm học 2021-2022

Hay, Đại học Bách Khoa Hà Nội áp dụng cho sinh viên khóa mới năm học 2021-2022 theo chương trình chuẩn là từ 22 đến 28 triệu đồng/năm (năm 2020-2021 là từ 17 đến 25 triệu đồng), chương trình tiên tiến về Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo (IT-E10) là từ 50 đến 60 triệu đồng/năm, tăng từ 5 đến 10 triệu đồng so với mức 45-50 triệu đồng/năm của khóa tuyển sinh năm 2020…

Đại diện của các trường đều cùng chung một quan điểm là hiện nay các trường đã thực hiện tự chủ, nếu học phí thấp sẽ không thể đủ chi phí thường xuyên, chưa nói đến việc nâng cao chất lượng đào tạo. Nên việc tăng học phí như là điều tất yếu để cơ sở giáo dục tồn tại và đảm bảo chất lượng đào tạo khi Nhà nước không còn cấp ngân sách như trước.

Nhằm chia sẻ khó khăn, góp phần giảm gánh nặng về tài chính cũng như nỗi lo tăng học phí cho phụ huynh và học sinh. Bộ GDĐT đã có nhiều công văn, trong đó có công văn số 1505/BGDĐT-KHTC ngày 16.4.2021 chỉ đạo các cơ sở giáo dục giữ ổn định mức học phí của năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021 và tăng cường trách nhiệm giải trình trước người học về các mức thu.

Đồng thời, Bộ GDĐT đề nghị các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thẩm định, kiểm tra, giám sát các khoản thu, chi, lộ trình tăng học phí, xử lý kịp thời các vi phạm về quản lý học phí theo Nghị định 127/2018/NĐ-CP.

Một điều tất yếu của “tự chủ đại học”

Cốt lõi của đổi mới giáo dục đại học để giáo dục đại học vươn lên ngang tầm quốc tế là tự chủ đại học. Trong tự chủ có 2 việc cần có đó là quyền của Hội đồng trường và bỏ cơ chế bộ chủ quản. Ở các nước phát triển họ đã làm từ lâu. Ở nước ta cho đến nay vẫn chưa có tự chủ đại học theo nghĩa đầy đủ của vấn đề này. Hiện chúng ta đang đi từng bước của quá trình tự chủ đó là tự chủ tài chính.

Nhiều chuyên gia đánh giá, dù mới là bước đầu, nhưng tự chủ đại học đã chứng minh tính đúng đắn và đã được luật hóa trong Luật Giáo dục đại học và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học.

Dù mới là bước đầu, nhưng tự chủ đại học đã chứng minh tính đúng đắn và đã được luật hóa trong Luật Giáo dục đại học và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học.

Thực tế, khi giao tự chủ, các trường đại học sẽ hoạt động giống như mô hình của một doanh nghiệp, đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực cho thị trường và phải tùy thuộc vào thị trường. Thị trường cần gì thì đáp ứng, khi sản phẩm nguồn nhân lực đào tạo ra đảm bảo cạnh tranh được thì tồn tại, còn nếu sản phẩm nguồn nhân lực đào tạo ra không có chất lượng, không đáp ứng được nhu cầu thì sẽ bị đào thải theo cơ chế của thị trường.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, tăng học phí lại được xem là “điểm nóng” của vấn đề tự chủ. Bởi nếu nhìn ở góc độ của sinh viên – phụ huynh thì nó là cả một gánh nặng lớn để các em theo đuổi ước mơ, hoài bão, nhất là đối với những gia đình không có điều kiện, điều kiện khó khăn. Cái thứ nữa là dư luận cũng lo ngại việc các trường tăng học phí vì mục đích lợi nhuận chứ không đầu tư cho người học.

Còn phía nhà trường một khi đã giao tự chủ tài chính thì tăng học phí là lẽ đương nhiên, khống chế mức thu thì làm sao tự chủ?  Vì khi trường không nhận kinh phí chi thường xuyên. Tuyển sinh kém, nguồn thu không tốt sẽ dẫn tới giải tán, bởi thu nhập giảng viên kém thì mất đội ngũ nhân sự, cơ sở vật chất không đầu tư, chất lượng đào tạo kém thì sinh viên sẽ không vào.

Dẫu vậy, vẫn cần nhìn nhận khách quan vấn đề tăng học phí. Việc tăng học phí theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo sẽ đưa việc đào tạo và học đại học trở về thực chất. Gia đình và bản thân sinh viên cũng sẽ cân nhắc kỹ khả năng kinh tế, năng lực học tập, cơ hội việc làm, chất lượng giáo dục của một trường để quyết định có theo học hay không. Nếu học, sinh viên phải học tập nghiêm chỉnh.

Song song, học phí đại học cao cũng xóa bỏ tư tưởng “chọn đại, học đại” của một bộ phận sinh viên hiện nay. Rõ ràng, khi học phí chỉ 8-10 triệu đồng/năm, phụ huynh và học sinh sẽ nghĩ rằng thôi cứ học đại rồi tính tiếp dù đôi khi năng lực, sở thích không phù hợp.

Có thể thấy, xã hội luôn yêu cầu chất lượng đào tạo, nếu cứ theo tiêu chí cũ rích “ngon, bổ, nhiều, rẻ”... thì biết bao giờ chất lượng đào tạo mới khá lên được. Sẽ không có chuyện học phí thấp mà đòi chất lượng đào tạo cao.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, các trường đại học khi thu học phí cao cũng phải đầu tư cơ sở vật chất, chất lượng giảng viên, chương trình tương xứng để đáp ứng nhu cầu người học. Thu học phí cao mà đào tạo không tốt, xã hội cũng không ai vào học, kết quả bị đào thải cũng là lẽ tất nhiên.

Có thể bạn quan tâm

  • COVID-19, bão lũ và chuyện… tăng học phí

    11:01, 12/11/2020

  • Tự chủ đại học: Bài 2 - Luật có nhưng chưa hóa giải được "thế khó"

    07:00, 02/12/2020

  • Tự chủ đại học: Bài 1 - Thay đổi tư duy

    06:00, 30/11/2020

  • Tương lai cho tự chủ Đại học ở Việt Nam

    06:00, 20/11/2020

  • Tự chủ đại học nhìn từ Đại học Tôn Đức Thắng

    06:00, 19/11/2020

  • "Tự chủ đại học không có nghĩa là không có quản lý"

    15:00, 09/11/2020

  • “Nguồn” cho tự chủ đại học

    11:00, 10/10/2019

  • Tự chủ đại học: "Cởi trói" cơ chế thì mới có tự chủ thực chất

    07:23, 15/11/2018

  • Gỡ nút thắt “tự chủ đại học”

    15:20, 06/11/2018

  • Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tự chủ đại học phải đồng bộ với cơ chế đặt hàng

    20:00, 18/07/2018

THANH BÌNH