Người Việt tại Ấn Độ phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao
Hoang mang, lo sợ dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến xấu sẽ ảnh hưởng đến công việc, đi lại và học tập là tâm lý chung của bà con người Việt tại Ấn Độ.
Trước khi dịch bệnh xảy ra, ở Ấn Độ có khoảng 1.000 người Việt Nam sống rải rác ở các tiểu bang, thành phố khác nhau với đặc thù công việc và cuộc sống khác nhau.
Ấn Độ đang trở thành tâm điểm chú ý của thế giới với số ca nhiễm COVID-19 tăng thêm hơn một triệu ca chỉ trong 3 ngày qua, áp đảo hoàn toàn hệ thống y tế mong manh và đẩy nước này đến bờ vực một cuộc khủng hoảng trầm trọng.
Trước thực trạng đó, hoang mang, lo sợ dịch bệnh tiếp tục diễn biến xấu sẽ ảnh hưởng đến công việc, đi lại và học tập là tâm lý chung của bà con người Việt tại đây.
Theo Tham tán Đỗ Thanh Hải, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, trước khi dịch COVID-19 bùng phát, cộng đồng người Việt tại Ấn Độ có khoảng hơn 1.000 người, sang Ấn Độ vì nhiều mục đích khác nhau như kết hôn, du học, tu tập, công tác. Ngoài ra, còn có một số người đi tham quan, chữa bệnh nhưng bị kẹt lại.
Ngay khi dịch bệnh bùng phát, cơ quan đại diện ngoại giao tại địa bàn đã cố gắng thu xếp các chuyến bay để đưa bà con tại Ấn Độ và các nước Nam Á khác về nước tránh dịch. Hiện nay chỉ còn khoảng gần 100 người Việt ở lại học tập, lao động rải rác ở nhiều thành phố trên khắp Ấn Độ.
Đại sứ quán thường xuyên liên hệ với đại diện của các nhóm cộng đồng, nắm bắt tình hình bà con, duy trìđường dây nóng để hỗ trợ thủ tục lãnh sự, bảo hộ công dân khi cần thiết. “Ví dụ như vừa qua, một số kỹ sư xây dựng đang công tác tại Ấn Độ mắc bệnh và một số chuyển biến rất xấu. Chúng tôi theo sát tình hình và cũng đã làm việc với Bộ Ngoại giao và cơ quan chức năng của Ấn Độ để đưa một số trường hợp nặng vào bệnh viện chữa trị. Rất may những trường hợp này được chữa trị kịp thời và đến nay tình hình sức khỏe cũng dần ổn định”, ông Hải thông tin.
Theo đó, người dân Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức: “Thứ nhất là nguy cơ lây nhiễm cao. Lấy ví dụ, tại New Dehli, cứ 3 người xét nghiệm thì khả năng có 1 một người bị nhiễm", ông cho biết.
Tiếp đến là điều kiện sống không thuận tiện, việc phong toả và giới nghiêm khiến việc đi lại, mua bán nhu yếu phẩm khó khăn hơn thường ngày.
Nguy cơ mắc bệnh cao, khi mắc rồi rất dễ bị nặng và nguy cơ tử vong cao, vị Tham tán giải thích. "Đa số người Ấn Độ điều trị ở nhà, chỉ khi bệnh nặng mới đến viện. Hiện tại bệnh viện thiếu hụt thuốc men, giường bệnh, oxy, máy thở, phòng chăm sóc đặc biệt… và không đủ điều kiện để chăm sóc người bệnh".
Ngoài ra, cộng đồng cũng phải đối mặt với sức ép tâm lý, tình cảm. Tham tán Đỗ Thanh Hải nhận định: "Những người ở xa quê, trong môi trường dịch bệnh và phải đối phó với những thách thức trong cuộc sống khiến họ có tâm lý rất căng thẳng”.
Trong làn sóng dịch bệnh thứ hai đang bùng phát mạnh, nhiều bà con có nhu cầu hồi hương để tránh dịch bệnh. Tuy nhiên, Đại sứ quán chưa nhận được thông tin khẩn cấp nào từ cộng đồng, trừ một số kỹ sư người Việt Nam tham gia dự án xây dựng trụ sở Đại sứ quán bị nhiễm COVID-19 ở thủ đô New Delhi.
Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát dữ dội hiện nay, Đại sứ quán phải chuyển sang hình thức làm việc từ xa nhưng vẫn duy trì các hoạt động cơ bản để phục vụ công tác bảo hộ công dân khi cần thiết.
Một cán bộ của Đại sứ quán cũng đã bị nhiễm bệnh, hiện đang cách ly, sức khỏe ổn định và có tiến triển tích cực.
Trước đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã ban hành kế hoạch ứng phó với đại dịch COVID-19, trong đó nêu các biện pháp cụ thể, như rà soát và bổ sung thuốc men, trang thiết bị y tế cá nhân, liên hệ trước với một số bệnh viện để kiểm tra giường bệnh và phương án chữa trị, sẵn sàng triển khai các phương án hành động, ứng phó bình tĩnh, hiệu quả với mọi tình huống, kể cả trong trường hợp xấu nhất khi có người tử vong do COVID-19.
Chuyên gia và cơ quan chức năng nhận định có 3 nguyên nhân chính khiến dịch bùng phát như hiện nay.
Thứ nhất, Ấn Độ là quốc gia đông dân cư, tập trung đông ở các thành phố lớn, điều kiện sống của một số cộng đồng khó khăn. Đây là môi trường lý tưởng để dịch bệnh phát triển.
Thứ hai là do xuất hiện một số biến chủng mới chưa được nghiên cứu đầy đủ. Theo một số đánh giá thì các biến chủng này nguy hiểm hơn bởi tốc độ lây nhiễm cao hơn, triệu chứng bệnh nặng hơn, đồng thời có khả năng trốn miễn dịch. Mức độ lây nhiễm của biến chủng mới cao gấp 3-4 lần biến chủng cũ.
"Thứ ba, theo chúng tôi là nguyên nhân chính, đó là do tâm lý chủ quan. Trong tháng 1-2/2021, số ca bệnh của Ấn Độ (giảm) về 10.000 người/ngày, số người chết dưới 100. Rất nhiều người dân cho rằng Ấn Độ đang bước vào giai đoạn cuối của dịch bệnh, lơ là không đeo khẩu trang, tập trung đông người.
Các lễ hội thể thao, tôn giáo tập trung có khi lên từ trăm nghìn người đến cả triệu người. Đây là môi trường lý tưởng để virus lây lan trên diện rộng”, ông Hải nói.
Ấn Độ đang đối mặt với một thảm kịch quốc gia nghiêm trọng. Một lệnh phong tỏa nghiêm ngặt toàn quốc không còn là lựa chọn khả thi bởi hậu quả khốc liệt của nó đối với nền kinh tế, thay vào đó là những biện pháp phong tỏa cục bộ do từng bang quyết định. Người dân nước này cũng như người dân Việt Nam đang sinh sống tại Ấn Độ sẽ phải tự bảo vệ mình và Chính phủ Ấn Độ cần khẩn trương đưa ra các thông điệp nhất quán về mức độ nghiêm trọng của đại dịch, nếu không, New Delhi sẽ chìm sâu vào cuộc khủng hoảng dịch bệnh trầm trọng.
Có thể bạn quan tâm
Ba nguyên nhân dẫn đến "khủng hoảng COVID-19 không lối thoát" tại Ấn Độ
13:16, 25/04/2021
Bộ Y tế chuẩn bị sẵn sàng với nguy cơ bùng dịch COVID-19 lần thứ 4
10:34, 25/04/2021
80% bệnh nhân COVID-19 về Việt Nam từ Campuchia mang biến thể Anh
10:15, 25/04/2021
Vì sao Ấn Độ rơi vào khủng hoảng do làn sóng dịch Covid-19 mới?
05:40, 24/04/2021
COVID-19: Thế giới lây lan kỷ lục, Việt Nam nguy cơ bùng phát cao!
06:50, 22/04/2021
Nghệ An: Phê duyệt kế hoạch triển khai tiêm vaccine COVID -19
00:00, 23/04/2021