Ngày chết chóc nhất tại Ấn Độ kể từ khi COVID-19 bùng phát
Số ca tử vong vì COVID-19 của Ấn Độ đã vượt quá 200.000 và thêm 3.000 ca tử trong 24 giờ qua. Đây là tổng số ca mắc một ngày lớn nhất trên thế giới, nâng tổng số ca mắc của Ấn Độ lên gần 18 triệu.
Theo Reuters, số người chết vì COVID-19 của Ấn Độ đã vượt quá 200.000 vào ngày 28/4 trong bối cảnh nước này thiếu bình oxy, vật tư y tế.
Trong 24 giờ qua, 360.960 ca mắc COVID-19 mới được ghi nhận. Đây là tổng số ca mắc một ngày lớn nhất trên thế giới, nâng tổng số ca mắc của Ấn Độ lên gần 18 triệu. Thêm 3.293 người chết, ngày chết chóc nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, nâng tổng số người chết vì COVID-19 của Ấn Độ lên 201.187 người.
Làn sóng COVID-19 thứ 2 tại Ấn Độ khiến ít nhất 300.000 người mắc bệnh mỗi ngày trong tuần qua, gây áp lực nặng cho các cơ sở chăm sóc sức khỏe và lò hỏa táng, thúc đẩy cộng đồng quốc tế hành động khẩn cấp để hỗ trợ New Delhi.
Tại thủ đô New Delhi, xe cứu thương xếp hàng dài nhiều giờ để đưa thi thể bệnh nhân COVID-19 đến các cơ sở hỏa táng tạm thời trong công viên và bãi đậu xe. Trong khi đó, nhiều người mắc COVID-19 đổ xô tới một ngôi đền Sikh ở ngoại ô thành phố với hy vọng tiếp cận nguồn cung cấp oxy hạn chế ở đó.
Cảnh sát cho biết một vụ hỏa hoạn tại một bệnh viện ở ngoại ô TP Mumbai vào sáng sớm 28-4 khiến 4 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.
Tai nạn tại các bệnh viện trở thành mối quan tâm đối với Ấn Độ, nước đang thiếu giường bệnh và nguồn cung cấp oxy. Tuần trước, một đám cháy xảy ra tại một bệnh viện điều trị cho bệnh nhân COVID-19 và một bình oxy bị rò rỉ tại một bệnh viện khác dẫn đến cái chết của 22 người.
Anh đã gửi máy thở và máy tạo oxy cho Ấn Độ. Ireland, Đức và Úc cũng lên kế hoạch cung cấp thiết bị y tế để hỗ trợ New Delhi chống lại đợt bùng phát dịch nghiêm trọng.
Một số quốc gia đã đình chỉ các chuyến bay từ Ấn Độ, đồng thời thực hiện các bước để ngăn chặn biến thể virus SARS-CoV-2 tại Ấn Độ lây lan hơn nữa.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông đã nói chuyện với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, đề cập tới thời điểm Mỹ có thể vận chuyển vắc-xin COVID-19 cho nước này.
Điều phối viên Bộ Ngoại giao Mỹ về phản ứng COVID-19 toàn cầu, bà Gayle Smith, cảnh báo rằng cần phải thực hiện nỗ lực bền vững để giải quyết thách thức ở Ấn Độ: "Tất cả chúng ta cần hiểu rằng mọi thứ vẫn đang ở phía trước. (Dịch bệnh) vẫn chưa đạt tới đỉnh điểm".
Theo đó, Đài BBC đưa tin nhân viên các lò hỏa táng phải làm việc hết công suất trong khi công viên và những không gian trống khác được trưng dụng để làm nơi hỏa thiêu. Nhiều gia đình phải chờ hàng giờ mới có thể hỏa táng người nhà vì nhu cầu tăng cao.
Tại lò hỏa táng Sarai Kale Khan, ít nhất 27 giàn thiêu mới đã được dựng lên và hàng chục cái khác đang được bổ sung ở công viên gần đó. Dù vậy, các quan chức vẫn phải tìm thêm địa điểm mới gần sông Yamuna.
Tại New Dehli, cơ quan chức năng phải đốn hạ các loại cây trong công viên thành phố để dùng làm giàn hỏa táng. Thân nhân của người chết được yêu cầu giúp đỡ trong việc mang củi đến các giàn thiêu và các nghi lễ khác.
Lò hỏa táng Ghazipur ở phía Đông Delhi đã bổ sung thêm 20 giàn thiêu trong 1 bãi đậu xe. Một quan chức nói với tờ Indian Express cần tới 6 giờ để hỏa thiêu 1 thi thể. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở những lò hỏa táng khác. Ông Sunil Kumar Aledia, người đứng đầu Trung tâm Phát triển Toàn diện, nói với đài BBC một số khu vực còn không có không gian để mở rộng giàn thiêu.
Dự kiến nhu cầu hỏa thiêu sẽ tiếp tục tăng cao. Tại New Delhi, nơi có dân số khoảng 20 triệu người, các bệnh viện đều đã chật cứng và nguồn oxy trở nên khan hiếm.
Các chuyên gia cảnh báo tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ sẽ kéo tụt kinh tế toàn cầu
Cụ thể, Phòng Thương mại Mỹ (USCC) ngày 26-4 cảnh báo tình hình dịch bệnh đáng lo ngại tại Ấn Độ - nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới - có thể kéo kinh tế toàn cầu đi xuống. Cụ thể, phó chủ tịch điều hành Myron Brilliant của USCC cho biết nguy cơ này là rất lớn vì nhiều doanh nghiệp Mỹ đang thuê hàng triệu công nhân Ấn Độ để giải quyết các công việc văn phòng của họ.
"Tôi cho rằng tình hình có thể sẽ xấu đi trước khi diễn tiến tích cực hơn" - ông Brilliant nói với Hãng tin Reuters, đồng thời cho biết nhiều người đang lo ngại kinh tế Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng vì tình hình dịch COVID-19 tại Ấn Độ.
Theo số liệu từ Phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR), tổng giá trị thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa Mỹ và Ấn Độ đạt 146,1 tỉ USD trong năm 2019. Ấn Độ là đối tác giao thương hàng hóa lớn thứ 9 của Mỹ.
Vì Ấn Độ là một nền kinh tế lớn, nên không chỉ Mỹ, khủng hoảng COVID-19 tại quốc gia này được nhận định cũng sẽ ảnh hưởng đến tình hình kinh tế toàn cầu.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) từng đưa ra dự đoán GDP Ấn Độ sẽ tăng trưởng 12,5% trong năm nay. Dù vậy, "làn sóng" lây nhiễm hiện tại đang đe dọa khả năng phục hồi kinh tế của nước này vì các lệnh phong tỏa và giới nghiêm phòng dịch.
Theo trang Yahoo Finance, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến nay vẫn không muốn áp lệnh phong tỏa toàn quốc và khuyến khích các bang giữ nền kinh tế mở cửa cũng vì điều đó.
Yahoo Finance cho rằng nền kinh tế Ấn Độ còn đối mặt với nhiều khó khăn trong quý 2-2021, kéo theo triển vọng tăng trưởng toàn cầu đi xuống.
Hãng phân tích Oxford Economics đã điều chỉnh dự đoán tăng trưởng GDP của Ấn Độ từ 11,8% xuống còn 10,2% cho năm 2021. Công ty này nhận định các yếu tố như gánh nặng y tế ngày một lớn, tiến độ tiêm chủng chậm và thiếu chính sách xử lý hiệu quả từ chính quyền sẽ tạo ra áp lực lớn cho kinh tế Ấn Độ.
Theo Đài Aljazeera, trong lúc giới chuyên gia tiếp tục tính toán mức thiệt hại tổng quát, giá dầu thế giới đã giảm hơn 1% trong ngày 26-4 vì khủng hoảng dịch bệnh tại Ấn Độ.
Giữ vai trò nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn thứ 3 thế giới, kinh tế Ấn Độ đi xuống đồng nghĩa với việc nhu cầu dầu mỏ nhìn chung có thể giảm theo.
Hãng tư vấn FGE ước tính nhu cầu xăng dầu tại Ấn Độ sẽ giảm 100.000 thùng/ngày trong tháng 4, và giảm hơn 170.000 thùng/ngày trong tháng 5. Tổng doanh số xăng dầu tại Ấn Độ trong tháng 3 là 747.000 thùng/ngày.
Tương tự, FGE cho rằng tiêu thụ dầu diesel tại Ấn Độ sẽ giảm 220.000 thùng/ngày trong tháng 4 và 400.000 thùng/ngày trong tháng 5.
Trước đó, thị trường Ấn Độ tiêu thụ trung bình 1,75 triệu thùng dầu diesel mỗi ngày và đây là mặt hàng chiếm khoảng 40% tổng doanh số bán nhiên liệu ở Ấn Độ.
Bên cạnh đó, vai trò đáng kể của Ấn Độ đối với nguồn cung vắcxin toàn cầu cũng đang trở thành vấn đề lớn
Viện Serum Ấn Độ hiện là nhà sản xuất vắcxin lớn nhất thế giới, nhà cung cấp lớn nhất cho chương trình chia sẻ vắcxin COVAX của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và là đối tác sản xuất vắcxin COVID-19 cho Hãng dược AstraZeneca.
Ngoài COVAX, Viện Serum Ấn Độ cũng có các thỏa thuận cung cấp vắcxin song phương cho một số quốc gia, trong đó có Anh.
Theo Yahoo Finance, nếu Ấn Độ tạm ngừng hoạt động xuất khẩu khoảng 2-3 tháng như truyền thông đưa tin, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến COVAX. Hệ quả là các nền kinh tế có thu nhập thấp của châu Phi - những nơi phụ thuộc vào COVAX - cũng sẽ gặp khó về nguồn vắcxin trong những ngày tới.
"Nếu không củng cố việc tiếp cận với vắcxin, nhiều người nữa sẽ ra đi" - ông John Nkengasong, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi, cảnh báo.
Có thể bạn quan tâm
Virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, gần 20% bệnh nhân COVID-19 diễn biến nặng
14:06, 28/04/2021
GS.TS Nguyễn Văn Kính: Việt Nam đang gấp rút giải trình tự gene các bệnh nhân COVID-19 Ấn Độ
13:30, 28/04/2021
Đà Nẵng tăng cường kiểm soát dịch COVID -19 trong dịp nghỉ lễ
12:00, 28/04/2021
Vừa áp dụng quy định chống Covid-19, Thủ tướng Thái Lan bị phạt do vi phạm
00:13, 28/04/2021
Hà Nội nâng mức cảnh báo phòng, chống dịch COVID-19
17:08, 27/04/2021
Đà Nẵng tăng cường kiểm soát dịch COVID-19 trong dịp nghỉ lễ sắp tới
16:51, 27/04/2021
Mỹ tăng cường hỗ trợ vắc xin Covid-19 ra toàn cầu
10:11, 27/04/2021